Liên kết để cùng phát triển
Ngay trước thềm Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổ chức hôm nay (ngày 27/8) tại Lào Cai, Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng Điều phối vùng, nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Đây là một động thái quan trọng trong bối cảnh Đảng, Chính phủ đang muốn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, đóng vai trò là “phên giậu” của Tổ quốc, đồng thời là cửa ngõ giao thương với các nước ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc.
Trên thực tế, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong suốt thời gian qua, đánh giá cao vai trò của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, rất nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và điều này đã mang lại hiệu quả nhất định trong thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng này. Tuy vậy, đây vẫn là vùng có trình độ phát triển ở mức thấp, khó khăn nhất trong cả nước.
Số liệu thống kê cho thấy, dù quy mô GRDP của toàn vùng giai đoạn 2016 - 2020 đã được cải thiện, với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2011 - 2020 là 7,96%, song GRDP bình quân mới đạt 54,2 triệu đồng/người vào năm 2020, ở mức thấp so với cả nước. Mật độ doanh nghiệp cũng chỉ đạt 2,7 doanh nghiệp/1.000 dân trong độ tuổi lao động, thuộc diện thấp nhất so với các vùng khác trên cả nước.
Trong khi đó, Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết đặt ra mục tiêu rất lớn. Đó là trong giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP vùng đạt 8 - 9%/năm; đến năm 2030, quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2,1 triệu tỷ đồng (giá hiện hành); GRDP bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành); tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 190.000 tỷ đồng…
Đây là một bài toán khó, mà theo lời của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, là đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả 14 địa phương trong vùng, bao gồm Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái và Hòa Bình.
Lời giải cho bài toán này chính là thực thi có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết, mà trong đó, hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng là một trong những giải pháp trọng tâm.
Lý giải vì sao Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ dù có rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng đến nay vẫn là “vùng trũng” của cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhắc đến sự hạn chế trong liên kết vùng, sự thiếu vắng một bản quy hoạch đồng bộ, mang tầm chiến lược, cũng như những khó khăn về hạ tầng, nhất là giao thông…
“Vấn đề đặt ra là chúng ta phải có một bản quy hoạch tốt, có chất lượng, sắp xếp hợp lý nguồn lực, không gian phát triển, tạo được sự gắn kết đồng bộ, hài hòa giữa các lĩnh vực, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng. Nếu chúng ta quy hoạch đúng, quy hoạch trúng, sẽ giúp Trung du và miền núi Bắc Bộ thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển với các vùng trong cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, cần phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức và cách làm trong công tác quy hoạch, nhằm kiến tạo định hướng phát triển chung của toàn vùng, chủ động liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong và ngoài vùng, bổ sung hỗ trợ nhau cùng phát triển, phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới, đó là “liên kết để cùng phát triển”.
“Chìa khóa” là các hành lang kinh tế và cực tăng trưởng
Nếu chúng ta quy hoạch đúng, quy hoạch trúng, sẽ giúp Trung du và miền núi Bắc Bộ thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển với các vùng trong cả nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Không chỉ “Tổng tư lệnh” cơ quan tham mưu cho Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội quan tâm vấn đề liên kết cùng phát triển hay xây dựng một bản quy hoạch vùng có tầm nhìn chiến lược, lãnh đạo các địa phương trong vùng cũng thấu hiểu điều này.
Mặc dù trong thời gian qua, Lào Cai đã rất nỗ lực trong phát triển hạ tầng, thúc đẩy phát triển du lịch, chế biến sâu ngành công nghiệp khai khoáng, song theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, để kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của toàn vùng phát triển mạnh mẽ hơn, thì cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết, phát triển vùng, đồng thời quy hoạch không gian phát triển và xác định các lĩnh vực trong tâm, đột phá để ưu tiên nguồn lực phát triển.
“Bộ Chính trị, Chính phủ cần chỉ đạo sớm triển khai xây dựng đề án phát triển một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế vùng, như Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn”, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai nói.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, để thúc đẩy liên kết phát triển, trong giai đoạn 2021 - 2025, cần ưu tiên nguồn lực đầu tư kết nối giao thông vùng, như tuyến đường sắt điện khí hóa Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; hay hệ thống cao tốc nối Vùng Thủ đô với các tỉnh trong vùng…
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông có lẽ là một trong những người thấu hiểu nhất về sự khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội một khi hạ tầng giao thông kém phát triển. Những năm gần đây, Sơn La nổi lên trở thành một vùng nguyên liệu và chế biến nông sản quy mô lớn ở khu vực phía Bắc, với 17 nhà máy và 543 cơ sở chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, song con đường độc đạo từ Hà Nội tới Sơn La đang gây cản trở không nhỏ cho hoạt động giao thương của tỉnh. Vì thế, trong các đề xuất lên Chính phủ thời gian gần đây, ông Nguyễn Hữu Đông luôn nhắc đến việc cần thiết phải đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối nội tỉnh và liên tỉnh. Thậm chí, gần đây, còn có các đề xuất về việc phát triển sân bay Nà Sản theo hình thức PPP.
“Để Sơn La và toàn vùng phát triển, cần sớm hình thành, phát triển hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, trong đó có các giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù giúp Sơn La trở thành một cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của tiểu vùng Tây Bắc và trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ”, ông Nguyễn Hữu Đông kiến nghị.
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho rằng, cần sớm lập Quy hoạch Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để định hướng và liên kết phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW; trong đó, ưu tiên đầu tư sớm, đồng bộ kết cấu hạ tầng, kỹ thuật (đặc biệt là đường cao tốc, sân bay, kết nối hạ tầng lưới điện quốc gia); hạ tầng xã hội phục vụ vùng, như y tế, giáo dục, xây dựng các trường đại học, bệnh viện khu vực để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cũng như hỗ trợ, kết hợp giữa các địa phương cùng phát triển nhanh, bền vững.
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2045 đang được lập. Bản quy hoạch này sẽ giải quyết được “trăn trở” của lãnh đạo các địa phương. Bởi lẽ, không chỉ các định hướng ưu tiên phát triển ngành, mà cả định hướng phát triển các hành lang kinh tế và các cực tăng trưởng cho toàn vùng cũng sẽ được vạch ra.
Theo Bộ trưởng, tới đây, sẽ tổ chức, sắp xếp hợp lý không gian phát triển vùng theo hướng hình thành 2 tiểu vùng, bao gồm tiểu vùng Tây Bắc (gồm 7 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai) và tiểu vùng Đông Bắc (gồm 7 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang), mỗi tiểu vùng có đô thị trung tâm và định hướng phát triển ngành riêng, tùy thuộc tiềm năng.
Bên cạnh đó, sẽ hình thành và phát triển các hành lang kinh tế dọc theo các trục giao thông kết nối với các hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, kết nối với Thủ đô Hà Nội và cảng biển khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh. Trong đó, ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Lào Cai - Việt Trì - Hà Nội; Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội. Đồng thời, thúc đẩy hình thành hành lang kinh tế Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội. Từ đó, tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành, phát triển 5 cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong vùng gồm: Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Trong Quy hoạch Tổng thể quốc gia, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng được xác định là “chìa khóa” để kinh tế - xã hội đất nước bứt phá, phát triển. Ở từng vùng, các hành lang kinh tế và các cực tăng trưởng cũng sẽ có vai trò quan trọng như vậy.
Vận hội mới của vùng đất “phên giậu”
Những phác thảo quan trọng về tương lai phát triển của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã được vạch ra. Một cơ hội mới, vận hội mới đang mở ra với toàn vùng đất lâu nay được coi là “vùng lõi” nghèo của cả nước.
Lâu nay, trong các chia sẻ về chiến lược phát triển của toàn vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng luôn nhắc tới 3 yếu tố quan trọng trước tiên, là giữ đất, giữ dân và giữ rừng. Nhưng nay, khi Nghị quyết số 11-NQ/TW được ban hành, khi Chính phủ quyết tâm thực hiện một loạt giải pháp để thực hiện Nghị quyết, bằng tư duy mới, tầm nhìn phát triển mới, thì một tương lai hợp tác - phát triển mới cũng đang rộng mở với Trung du và miền núi Bắc Bộ. Không chỉ là vùng đất “phên giậu”, nơi đây cũng sẽ trở thành một trong những vùng có kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là, làm sao để biến Nghị quyết, kế hoạch thành hiện thực? Việc Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị chính là bước khởi đầu quan trọng, có ý nghĩa đặt viên gạch đầu tiên cho hành trình phát triển của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Bởi lẽ, yếu tố đầu tiên quan trọng nhất chính là làm sao tạo được sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và đổi mới tư duy của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, từ đó tạo sự thống nhất trong hành động, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW.
Cùng với đó, vì là Hội nghị “3 trong 1”, trong đó bao gồm xúc tiến đầu tư, với sự đồng hành, ủng hộ của các đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nên sẽ có một nguồn lực không nhỏ được cam kết đầu tư. Đó chính là điều kiện tiên quyết để các kế hoạch, mục tiêu chiến lược được đặt ra tại Nghị quyết 11-NQ-TW có thể được hiện thực hóa, để một vận hội mới thực sự đến với vùng đất này.