Đón chờ dòng vốn lớn vào trung du và miền núi phía Bắc

0:00 / 0:00
0:00
Khi dòng vốn đầu tư được đổ vào Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, “vùng lõi nghèo” của cả nước sẽ được “đánh thức”.
Đón chờ dòng vốn lớn vào trung du và miền núi phía Bắc

Khi “đại gia” tìm đến

Ít ngày trước đây, thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, “ông lớn” Apple đang trong quá trình đàm phán để lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam. Thậm chí, các nhà cung cấp của Apple là Luxshare và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở Việt Nam, với mục đích lần đầu tiên sản xuất thiết bị này ở bên ngoài Trung Quốc.

Trong khi đó, Foxconn vừa tiếp tục ký hợp đồng thuê đất với Kinh Bắc để dự kiến đầu tư một dự án quy mô 300 triệu USD tại tỉnh Bắc Giang.

Trong một diễn biến khác, khi sang thăm Việt Nam, Tổng giám đốc Samsung Điện tử (Hàn Quốc) Roh Tae-Moon đã tuyên bố, trong năm 2022, sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam. Trong số này, hiện đã có gần 1,2 tỷ USD được đầu tư vào Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV) tại Thái Nguyên. Dự kiến, ít nhất khoảng 200 triệu USD nữa được đầu tư vào SEMV trong thời gian tới.

Điều đáng nói là, các khoản đầu tư “khủng” này đang được đổ vào Bắc Giang và Thái Nguyên, hai địa phương thuộc Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, lâu nay vẫn được coi là “vùng trũng” trong thu hút đầu tư của cả nước. Thậm chí, Thái Nguyên và đặc biệt là Bắc Giang đang nổi lên trở thành điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước.

Trong khi Thái Nguyên ghi dấu ấn với loạt dự án của Samsung, với quy mô đã lên tới trên 7,5 tỷ USD, thì Bắc Giang ghi điểm với các dự án của Foxconn, Luxshare… Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế cho đến hết tháng 7/2022, Thái Nguyên đã thu hút được trên 10,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Con số của Bắc Giang là 9,2 tỷ USD. Thái Nguyên và Bắc Giang lần lượt xếp thứ 11 và 12 trong danh sách các địa phương có thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.

Nhưng ngoài Bắc Giang và Thái Nguyên, thì các địa phương còn lại, như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình lại thu hút được rất ít vốn đầu tư nước ngoài. Trong 11 địa phương xếp cuối bảng xếp hạng, có tới 8 địa phương thuộc Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Lai Châu chỉ thu hút được 1 dự án với 1,5 triệu USD, Điện Biên khá hơn với 3 triệu USD, Hà Giang 4,15 triệu USD…, sau 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài.

Dễ hiểu vì sao vùng đất này khó thu hút đầu tư. Giao thông khó khăn, cách trở, địa hình địa lý phức tạp, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế… là những lý do căn bản nhất khiến Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ hụt hơi trong cuộc đua thu hút đầu tư, kể cả với đầu tư trong nước, chứ chưa nói đến đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, thời gian gần đây, cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khi hạ tầng cơ sở được cải thiện hơn, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến với các vùng đất hẻo lánh này. Ở Lào Cai, Tập đoàn Sun Group đã đầu tư hàng loạt dự án nhằm khai phá tiềm năng du lịch độc đáo ở Sapa. Ngoài Sun Group, nhiều doanh nghiệp cũng đã tìm đến và đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.

Ở Sơn La, nhiều doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Tập đoàn TH, Tổng công ty Chè Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam… cũng đã đến để đầu tư các dự án quy mô lớn.

Bà Thái Hương, nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, khi chia sẻ về mục đích xây dựng và phát triển Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, quy mô hơn 1.200 tỷ đồng, đã nói rằng, bà muốn cùng với những người nông dân “làm kinh tế dưới tán rừng”.

“Làm kinh tế dưới tán rừng” cũng là điều được nhiều nhà đầu tư nhắc đến khi muốn đầu tư vào Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Vì thế, các dự án khai khoáng, các dự án chế biến gỗ, chế biến nông sản… sẽ tiếp tục được đầu tư. Tuy vậy, cho đến nay, đầu tư cả trong và ngoài nước vào vùng đất này vẫn hạn chế và đó là một trong những nguyên nhân khiến Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng đất nghèo.

Đón chờ dòng vốn lớn

Trong nhiệm kỳ này, Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ được ưu tiên vốn đầu tư cao và điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến phát triển vùng.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Sẽ khó có thể kỳ vọng một sự đột phá lớn về vốn đầu tư vào Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nhiều cơ hội đang mở ra với vùng đất này, một khi Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết được triển khai mạnh mẽ thời gian tới.

Cùng với đó, Quy hoạch Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, cũng như các quy hoạch tỉnh được xây dựng và thông qua sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy thu hút đầu tư vào đây.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang là một trong những người hiểu rõ nhất điều này. Để không bỏ lỡ cơ hội dòng vốn đầu tư dịch chuyển, ông Dương đã gấp rút chỉ đạo việc xây dựng Quy hoạch tỉnh và đến nay, Bắc Giang đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước được thông qua Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch. Trong khi nhiều địa phương khác vẫn đang bận rộn với công tác lập quy hoạch, thì Bắc Giang, cùng với việc tích cực cải thiện môi trường đầu tư và sớm xây dựng Đề án Nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư đến năm 2030, đã có thể “hưởng trái ngọt”, với hàng loạt dự án quy mô lớn trong lĩnh vực điện, điện tử.

“Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình/dự án tốt, có chương trình/dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu về tầm quan trọng của công tác quy hoạch.

Thủ tướng cũng luôn nói rằng, “quy hoạch phải đi trước một bước”. Trong bối cảnh toàn vùng đang tập trung cho công tác quy hoạch, bao gồm cả quy hoạch vùng, thì rõ ràng, cơ hội thu hút đầu tư đang được mở ra.

Không chỉ là thu hút đầu tư tư nhân, mà vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu như tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho Vùng trong giai đoạn 2016-2020 đạt trên 176.200 tỷ đồng (tương đương gần 7,6 tỷ USD), chiếm khoảng 14% tổng đầu tư của ngân sách nhà nước, thì trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025, nguồn lực đầu tư được dành cho Vùng đã lên tới trên 211,8 tỷ đồng (tương đương 9,6 tỷ USD), tăng khoảng 2 tỷ USD so với giai đoạn trước, tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược.

“Trong nhiệm kỳ này, Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ được ưu tiên vốn đầu tư cao và điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến phát triển vùng”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, tới đây, sẽ huy động tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện các định hướng quy hoạch phát triển trọng tâm. Trong đó, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu, hạ tầng kết nối, nhất là các tuyến giao thông theo trục dọc, ngang, tạo thành mạng lưới liên thông giữa các địa phương trong vùng và kết nối với các cửa khẩu, cảng biển, sân bay. Khi hạ tầng được hoàn thiện, sẽ tạo nền tảng để Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thu hút được nhiều hơn đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước.

“Cũng cần nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện một số chính sách nhằm phát huy các thế mạnh của vùng, nhất là cơ chế đặc thù ưu đãi thỏa đáng để thu hút đầu tư của khu vực ngoài nhà nước vào một vùng có sức hấp dẫn và cạnh tranh thấp so với cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thông tin cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các đối tác phát triển ký kết các thỏa thuận về phát triển bền vững Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Các chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư cũng sẽ được trao. Đây sẽ là những khoản “vốn mồi”, tạo cú hích để đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước tăng tốc vào khu vực này trong thời gian tới.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục