Văn hóa Vietcombank: Niềm tự hào vô bờ bến

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá trị cốt lõi của văn hóa Vietcombank được khái quát hóa thành 5 chữ vàng “Tin - Chuẩn - Mới - Bền - Nhân” mà người Vietcombank nào cũng thuộc nằm lòng và nhắc đến với niềm tự hào vô bờ bến.
Vietcombank ra mắt quỹ Vững tương lai hỗ trợ học bổng cho học sinh sinh viên nghèo vượt khó tài năng. Vietcombank ra mắt quỹ Vững tương lai hỗ trợ học bổng cho học sinh sinh viên nghèo vượt khó tài năng.

Văn hóa làm nên sự khác biệt

Trong những năm đầu của thế kỷ 21, vai trò của văn hóa doanh nghiệp được các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt quan tâm. Khi đó, nhắc đến Vietcombank là người nghe hình dung ngay về một ngân hàng có bề dày truyền thống, có phong cách chuyên nghiệp và có văn hóa doanh nghiệp đặc sắc, nổi bật trong số các doanh nghiệp, ngân hàng ở Việt Nam.

Nhận thức văn hóa là nhân tố quan trọng tạo nên phẩm chất riêng con người Vietcombank, góp phần gây dựng nên một Vietcombank tên tuổi và vững chãi qua các các thời kỳ, tháng 8/2009, Ban Lãnh đạo Ngân hàng quyết định thành lập Ban nghiên cứu và Phát triển văn hóa Vietcombank nhằm giữ gìn và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa quý báu của Vietcombank trong giai đoạn mới.

Phối hợp cùng Nhóm tư vấn Đại học Kinh tế quốc dân, quá trình xây dựng và đúc rút các giá trị văn hóa cốt lõi của Vietcombank đã được Ban nghiên cứu thực hiện kỹ lưỡng, khách quan. Bên cạnh các dữ liệu thứ cấp, dữ liệu sơ cấp được thu thập và xử lý công phu từ 1.046 phiếu điều tra khách hàng, 1.921 phiếu điều tra nội bộ, 4 cuộc phỏng vấn nhóm tập trung đối với các cán bộ quản lý cấp trung, 2 cuộc phỏng vấn chuyên sâu với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hòa Bình và Tổng Giám đốc Nguyễn Phước Thanh cùng rất nhiều quan sát thực tế… Từ đó, thực trạng văn hóa Vietcombank dần hình thành rõ nét, với cả những mặt mạnh và chưa mạnh.

Ban lãnh đạo Vietcombank tham gia giải chạy Vạn trái tim - Một niềm tin.
Ban lãnh đạo Vietcombank tham gia giải chạy Vạn trái tim - Một niềm tin.

Cụ thể, văn hóa Vietcombank được ví với hình ảnh người đàn ông trung niên đĩnh đạc, có cốt cách văn hóa và giá trị chuẩn mực của giai tầng xã hội bậc cao, coi trọng đối xử thật, đề cao tính nhân văn… nhưng mặt khác lại chưa đủ mạnh mẽ quyết liệt trên thị trường, tính cá nhân được đề cao hơn tính đồng đội trong phối hợp công tác, quá trọng tình, quá dân chủ trong ứng xử…

Sau nhiều buổi thảo luận và lựa chọn, các giá trị văn hóa phù hợp với ngành Ngân hàng như Tin cậy và Chuẩn mực hoặc các giá trị văn hóa tốt đẹp, có tính khác biệt chỉ có tại Vietcombank như Bền vững và Nhân văn được nhanh chóng thống nhất và lựa chọn. Riêng giá trị Sẵn sàng đổi mới có nhiều ý kiến đề xuất chuyển thành Hiện đại. Tức là hướng đến xây dựng con người Vietcombank hiện đại.

Tuy nhiên, hình ảnh người hiện đại lại có gì đó không thân thiện gần gũi, trong khi Vietcombank đang hướng đến là Ngân hàng bán lẻ số 1, rất cần gần gũi thân thiện hơn với thị trường và khách hàng. Vì vậy, cuối cùng giá trị Sẵn sàng đổi mới đã được lựa chọn, như là một trong năm giá trị văn hóa cần được người Vietcombank tôn vinh và thực hiện.

Như vậy, 5 giá trị cốt lõi của văn hóa Vietcombank được khái quát hóa thành Tin cậy - Chuẩn mực - Sẵn sàng đổi mới - Bền vững - Nhân văn mà người Vietcombank nào cũng thuộc nằm lòng và nhắc đến với niềm tự hào vô bờ bến.

Tự hào Sổ tay văn hóa Vietcombank

Nhằm lan tỏa, kêu gọi từng CBNV trong số hơn 10.000 CBNV Vietcombank cùng chung tay giữ gìn và phát huy bản sắc Văn hóa Vietcombank, tháng 10/2010, Ban Lãnh đạo Vietcombank quyết định ban hành cuốn Sổ tay Văn hóa Vietcombank.

Do đây là sản phẩm văn hóa đầu tiên nên Ban nghiên cứu đã rất thận trọng trong khâu biên soạn, vừa phải đảm bảo chất lượng nội dung vừa phải đạt tiêu chí gần gũi dễ hiểu và tiện sử dụng. Từ kích thước, màu sắc và ngôn từ sử dụng trong cuốn sổ đều được cân nhắc kỹ lưỡng. Hoặc như phần 3 của cuốn sổ, phần viết về Các chuẩn mực hành vi ứng xử của người Vietcombank cũng có khá nhiều tranh cãi, vì phần này chỉ hướng dẫn CBNV thực hiện các hành vi rất nhỏ như trong chào hỏi, nói chuyện qua điện thoại, ngồi xe ô tô… Nhưng sau này, theo phản ánh từ nhiều CBNV, thì đây lại chính là mục được cán bộ xem kỹ và tự uốn nắn chỉnh sửa nhiều nhất.

Đây là một cuốn sổ nhỏ, trình bày đơn giản với hình ảnh “giọt sương trên lá sen” mang tính biểu tượng cao trên trang bìa nhưng mang trong mình giá trị vô cùng to lớn. Đó là bản sắc văn hóa mà lớp lớp thế hệ người Vietcombank đã hun đúc nên, tạo thành chất nhựa keo vững chắc gắn kết các thế hệ và cũng chính là những giá trị tinh thần quý báu để các lớp người Vietcombank sau này gìn giữ, bồi đắp, phát huy để Vietcombank luôn trường tồn và tỏa sáng.

Ban lãnh đạo Vietcombank cùng đại diện Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, NHNN chi nhánh tỉnh Tuyên Quang trồng cây tại Khu di tích lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam trong Lễ phát động chương trình trồng 60 nghìn cây xanh “Vietcombank - Vì một Việt Nam xanh”.
Ban lãnh đạo Vietcombank cùng đại diện Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, NHNN chi nhánh tỉnh Tuyên Quang trồng cây tại Khu di tích lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam trong Lễ phát động chương trình trồng 60 nghìn cây xanh “Vietcombank - Vì một Việt Nam xanh”.

Từ khi ra đời đến nay, cuốn Sổ tay văn hóa Vietcombank luôn được các thế hệ CBNV Vietcombank đón nhận với tình cảm chân thành. Các giá trị văn hóa Vietcombank được thực hiện chủ động hơn trong mọi hoạt động, giao tiếp với đối tác và đồng nghiệp. Người Vietcombank thêm tự hào vì họ biết chính họ là một phần bé nhỏ kiến tạo nên một văn hóa Vietcombank đầy bản sắc và nhân văn.

Văn hóa Vietcombank được rút gọn thành 5 chữ vàng “Tin - Chuẩn - Mới - Bền - Nhân” và đi sâu vào phong cách làm việc của từng CBNV, từng phòng ban, đơn vị. Chính vì vậy, các chiến lược, chỉ đạo của Ban Lãnh đạo được chuyển hóa thành các nỗ lực của toàn hệ thống, giúp Vietcombank cùng đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc chiến lược kinh doanh.

Đặng Khôi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục