Văn hóa đọc mất dần thì cũng dễ mất đi chiều sâu tâm hồn

Hiện nay văn hóa đọc bị mất dần vì sự bùng nổ của công nghệ số. Như vậy rất dễ mất đi chiều sâu tâm hồn. Đọc sách chính là quá trình của học - hỏi - hiểu - hành, thiếu điều này thì con người dễ hời hợt.
Văn hóa đọc mất dần thì cũng dễ mất đi chiều sâu tâm hồn

Cuối năm 2015, ông Nguyễn Quốc Phú công bố mở rộng chuỗi thương hiệu bánh mì Việt Nam V Bread. Chỉ trong thời gian ngắn, thương hiệu này bỗng dưng... biến mất. Tình cờ gặp lại Nguyễn Quốc Phú trong vai trò Chủ tịch CTCP Biofarms Vietnam, cùng lúc giữ vai trò chủ tịch, phó chủ tịch, hội đồng thành viên của 8 công ty khác, tôi "vỡ lẽ" chuyện về bánh mì V Bread và biết thêm những kế hoạch ông đang thực hiện.   

Năm 1996, tôi mở một cửa hàng bánh mì trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, nó khác biệt so với các cửa hàng khác. Khách đến ăn bánh mì được nghe nhạc Trịnh Công Sơn, uống trà quế. Khi đó thấy người chạy xe ôm, học sinh, người lao động nghèo vội vã ăn ổ bánh mì lót dạ, không cần biết có đảm bảo vệ sinh hay không, tôi nghĩ đến vấn đề an toàn thực phẩm và đặt ra tiêu chí bánh mì sạch.

Ngoài những nguyên liệu được chọn mua, để đảm bảo vệ sinh, quầy bánh mì có ba nhân viên: người thu tiền (không được đụng đến bánh mì), người cho "nhân" vào bánh, người gói bánh (đều phải dùng bao tay). Lúc đó, dù cửa hàng rất đông khách nhưng tôi vẫn day dứt khi biết các lò sản xuất bánh mì sử dụng quá nhiều bột nở, không tốt cho sức khỏe.

Đến năm 2015, khi công thức sản xuất bánh mì không dùng bột nở thành công, tôi thành lập 8 điểm bán. Kế hoạch của tôi là mở chuỗi cửa hàng bánh mì V Bread, sau đó sẽ phát triển ra các tỉnh, thành và sẽ mở cửa hàng ở một số nước. Tuy nhiên, khi cửa hàng đầu tiên đi vào hoạt động được hơn nửa năm, một cổ đông đề nghị mua lại V Bread. Sau nhiều lần thương lượng, tôi đồng ý nhượng lại công thức sản xuất bánh mì, còn thương hiệu V Bread thì giữ lại để sau này tiếp tục kế hoạch dang dở.

Sao lại sau này mà không phải là ngay sau đó?

Để biến giấc mơ thành hiện thực thì phải toàn tâm toàn ý, trong khi đó tôi lại đang kinh doanh lĩnh vực khác nên không thể dành hết thời gian cho kế hoạch này. Hơn nữa, trong các lĩnh vực kinh doanh, tôi tâm huyết nhất là làm nông nghiệp sạch. Tôi muốn làm ra một sản phẩm nào đó nâng cao giá trị nông nghiệp Việt Nam, làm sao sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thương hiệu trên toàn cầu, thu nhập của người nông dân phải cao, như 10, 20 triệu đồng một tháng chẳng hạn.

Để thực hiện được điều đó, ông đã làm như thế nào?

Để có sản phẩm sạch thì phải có nền nông nghiệp sạch, sạch từ con giống, cây giống đến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, thu hoạch, bảo quản. Vì vậy, tôi phải đi từ từ, từ nhỏ để đến lớn. Trước tiên, Công ty Biofarms phối hợp với một vài nhà khoa học Mỹ nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp.

Phân vi sinh, vi lượng và enzym của chúng tôi đang cung ứng cho bà con nông dân và đạt hiệu quả rất tốt. Song song đó, tôi tổ chức những buổi dân vận, huấn luyện, hướng dẫn bà con nông dân thay đổi cách làm nông, đưa bà con sử dụng phân bón vi sinh miễn phí và cam kết nếu năng suất cây trồng không đạt như bón phân vô cơ thì sẽ bồi thường tiền tương xứng.

Phải làm sao để từng bước chuyển hóa nông dân thành doanh nhân. Ví dụ, nông dân có đất thì đất đó chính là cổ phần và chủ đất là cổ đông trong doanh nghiệp.

Bước tiếp theo, chúng tôi hợp tác với Hợp tác xã Thỏ Việt trồng rau muống sạch tại Củ Chi, chỉ dùng phân vi sinh, vi lượng để đảm bảo rau sạch. Rồi hợp tác với Công ty Hoàng Minh Nhật canh tác cánh đồng lớn, sản xuất gạo xuất khẩu. Mới đây, lô hàng đầu tiên của chúng tôi đã xuất qua Nhật, qua Mỹ.

Thế còn việc xây dựng thương hiệu tỏi Việt Nam có khả thi?

Sau rau và gạo, tỏi là sản phẩm có nhiều tiềm năng phát triển và nếu Biofarms làm được, hiệu quả kinh tế cũng rất cao. Chúng tôi đã hợp tác đầu tư với Công ty Dược phẩm Đông Á sản xuất tỏi đen và các sản phẩm từ tỏi cung ứng trong nước và xuất khẩu.

Từ năm 2017 - 2022, Biofarms sẽ xây dựng vùng nguyên liệu tỏi quy mô lớn để dần dần định hình thương hiệu tỏi Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới. Để làm được điều này, chúng tôi phải giải quyết một khối lượng lớn công việc. Nhưng đã "quyết tâm - quyết liệt - quyết đoán" - ba yếu tố đang được những người đứng đầu Biofarms theo đuổi và hành động thì không gì là không thể.

Chắc bạn sẽ hỏi tại sao lại là tỏi mà không là các sản phẩm khác? Tỏi là một nguyên liệu của ngành thực phẩm, dược liệu, có sức tiêu thụ rất lớn trên thế giới. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam rất thích hợp với cây tỏi, nhất là ở Ninh Thuận, Phú Yên, Sơn La, Hải Dương, đảo Lý Sơn tỏi có vi chất cao hơn các nước khác. Đây là ưu thế "trời cho", cần phải nắm bắt.

Tham vọng xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam vẫn khó thành hiện thực đối với khá nhiều doanh nghiệp đi trước. Theo ông là do đâu?

Muốn xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, muốn thế giới chấp nhận nông sản của Việt Nam, theo tôi, cần phải có tư duy mới và tổ chức sản xuất bền vững. Muốn gạo Việt Nam ra năm châu thì không thể dùng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như hiện nay. Để giải quyết được vấn đề ấy, phải có kiến thức - kinh nghiệm - kinh tế, nghĩa là doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa, phải thay đổi được tập quán sản xuất, thói quen của nông dân.

Làm sao cho người làm nông phải ý thức được trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra, phải biết muốn sản phẩm có đầu ra ổn định thì phải sạch từ A - Z. Hiện nay, cái khó nhất là thay đổi tập quán, thói quen sản xuất của nông dân. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của năm nhà: Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà băng (ngân hàng).

Song, quan trọng nữa là phải làm sao để từng bước chuyển hóa nông dân thành doanh nhân. Ví dụ, nông dân có đất thì đất đó chính là cổ phần và chủ đất là cổ đông trong doanh nghiệp. Khi là doanh nhân, nông dân sẽ thay đổi cách làm ăn.

Ông nói rằng mỗi lĩnh vực kinh doanh có một cách tư duy, một cách làm riêng, cụ thể với nông nghiệp, ông có tư duy gì?

Làm nông nghiệp phải biết đặt lợi ích của người nông dân lên trên hết thì mới thành công. Không thể tư duy mình giàu trước rồi nông dân mới giàu theo, mà phải song hành, ai cũng phải nỗ lực, cùng một định hướng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chuyển dịch sang lĩnh vực nông nghiệp vì với Việt Nam, nông nghiệp là ngành phát triển bền vững nhất. Song, đây cũng là lĩnh vực gai góc nhất, gian nan nhất. Vì vậy, những người dám làm nông nghiệp, theo tôi, là những người mạnh dạn. Bởi, muốn làm nông nghiệp bền vững thì không thể tính ngay đến lợi nhuận mà phải xác định lâu dài.

Đó là về lý thuyết, còn hành động cụ thể, thưa ông?

Ông bà ta hay nói "Có an cư mới lạc nghiệp", tôi thì có suy nghĩ ngược lại, "Có lạc nghiệp mới an cư”. Một nông dân có cái nhà nhưng không có công việc ổn định, sản xuất ra sản phẩm không ai mua thì có khi phải cầm cố, thế chấp luôn cái nhà. Nhưng nếu nông dân đó tạo ra sản phẩm, doanh nghiệp bao tiêu hết sản phẩm đó thì có thu nhập ổn định, có tích lũy để xây nhà tốt hơn. Như vậy, nông dân cần phải có cái nghiệp trước.

Làm nông nghiệp thì phải nghĩ đến cộng đồng mới bền vững, trong quá trình làm phải hợp tác được với nông dân trên tinh thần cùng nhau đổi mới, cùng có lợi.

 - Ông Nguyễn Quốc Phú, Chủ tịch CTCP Biofarms Vietnam

Để có điều đó phải làm thế nào? Hiện nay, trong chương trình trồng rau sạch, tôi đã tập hợp được những người có đất trồng rau muống vào hợp tác xã, mỗi hộ trồng rau là một xã viên. Hợp tác xã sẽ cho xã viên biết với số đất họ góp vào thì sẽ thu được bao nhiêu tiền lời trước mỗi vụ rau. Đặc biệt, nông dân rất yên tâm sản xuất vì không phải bỏ vốn mua giống, phân bón, lại được hỗ trợ kỹ thuật, biết trước lợi nhuận và có công ty bao tiêu hết rau làm ra.

Cách làm này hình như cũng... không mới?

Tôi làm mới những cái đã có người khác làm, đó là sự minh bạch, công khai lợi ích đối với nông dân ngay từ đầu, xã viên có quyền kiểm soát những thông tin đó. Đó chính là cái khác, cái mới. Ví dụ, trước đây nhiều doanh nghiệp cũng nói bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng không nói mua với giá bao nhiêu. Khi bị "dội mùa" thì thường ép giá và bao tiêu với giá rẻ.

Nhiều người trồng rau sạch than khó bán vì giá cao, kén người mua nên sau đó lại quay lại trồng rau "không sạch". Liệu chương trình của ông có theo "vết xe đổ” ấy?

Biofarms có ba lợi thế là nguồn phân bón vi sinh tự sản xuất, cách quản lý, tiền công cho nông dân đều cân đối được nên sản phẩm bán ra với giá không cao. Biofarms đã nghiên cứu sản xuất thành công một chất hữu cơ để bảo quản rau, đồng thời đưa máy móc vào cắt rau, bó rau nên nông dân bớt được công đoạn này. Mô hình trồng rau sạch của Biofarms bước đầu đã thành công, được các siêu thị tiêu thụ rất tốt. Chúng tôi đang tập trung xây dựng thương hiệu rau Biofarms.

Bước đầu làm nông nghiệp, ông rút ra được bài học gì?

Làm nông nghiệp thì phải nghĩ đến cộng đồng mới bền vững, trong quá trình làm phải hợp tác được với nông dân trên tinh thần cùng nhau đổi mới, cùng có lợi.

Hình như có sự liên quan giữa Công ty Ý tưởng Ideas Creation do ông sáng lập với lĩnh vực nông nghiệp?

Biofarms và Ý tưởng Ideas Creation là hai công ty thuộc hai lĩnh vực khác nhau nhưng có thể bổ sung cho nhau. Tôi nói có thể vì từ công ty này, chúng tôi đã chế tạo ra chiếc máy cắt rau muống cho nông dân đỡ cực, năng suất cao. Đây là sản phẩm ra đời từ ý tưởng của một nhóm sinh viên. Có nhiều sinh viên, người dân có những ý tưởng sáng tạo hay, lạ nhưng chỉ dừng lại ở ý tưởng vì không có khả năng biến thành hiện thực.

Tôi thành lập Công ty Ý tưởng Ideas Creation để khai thác hoặc cùng hợp tác với các tác giả để hiện thực hóa ý tưởng, tạo ra sản phẩm có thể ứng dụng vào thực tế. Hiện nay, một số ý tưởng đã được chúng tôi triển khai, ứng dụng, đó là máy cắt, tỉa rau muống, hay như dùng ý tưởng từ nước mưa rơi tuột trên lá sen để ứng dụng trên kiếng xe hơi...

Dù một số ý tưởng sáng tạo được đưa vào ứng dụng nhưng để trở thành thương hiệu thì Biofarms còn rất nhiều việc phải làm. Mong muốn của tôi là có một sàn giao dịch ý tưởng, có một quỹ đầu tư và hệ thống triển khai để thúc đẩy sáng tạo. Sàn giao dịch ý tưởng ra đời được vào thời điểm này là rất tốt vì hiện nay tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo đang được phát động, trong khi các star-up chính là đội ngũ tạo ra ý tưởng và từ ý tưởng mới có đột phá.

Là người mê đọc sách và học hỏi rất nhiều từ sách, đồng thời là thành viên Ban quản trị Công ty Sách Trí Việt (First News), ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ?

Tính lan tỏa của sách rất lớn. Mỗi người là mỗi cuộc đời và những người đi sau có thể rút ngắn hành trình sự nghiệp qua học hỏi từ sách viết về thành, bại của người đi trước. Đó là lý do tôi tham gia vào Trí Việt, như một đóng góp cho ý nghĩa này được nhân rộng.

Có một điểm hay khác, đó là những người yêu sách, làm sách đều có tâm hồn phóng khoáng. Đã "chơi sách" thì ai cũng dành tâm huyết cho văn hóa hướng đến nhận thức, tri thức và tinh thần cộng đồng nên có sự đồng điệu, thân tình, cởi mở khi đến với nhau.

Hiện nay văn hóa đọc bị mất dần vì sự bùng nổ của công nghệ số. Như vậy rất dễ mất đi chiều sâu tâm hồn. Đọc sách chính là quá trình của học - hỏi - hiểu - hành, thiếu điều này thì con người dễ hời hợt.

Để lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp đó, sắp tới First News sẽ IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu). Mục tiêu của chúng tôi là mỗi người đến với First News là sẽ có thêm tri thức.

Theo DNSG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục