Được biết đến với tư cách người sáng tạo ra tiếp thị thể thao, Arnold Palmer là một trong những vận động viên đầu tiên biến tên gọi của mình thành thương hiệu. Với hình ảnh cũng như sự nhạy bén trong kinh doanh, đế chế Palmer được định giá đến tận xấp xỉ 700 triệu đô la Mỹ khi ông qua đời.
Dưới đây là ba bài học kinh doanh mà những người đứng đầu doanh nghiệp có thể học hỏi từ vị golf thủ huyền thoại này.
1. Rủi ro trong chừng mực để khám phá những cơ hội mới
Khi các vận động viên vẫn chỉ tập trung vào thành tích thi đấu, Palmer chọn cách tạo ra thương hiệu riêng cho mình, cả trong và ngoài đường bóng lăn. Không chỉ với làng golf, cách tiếp cận này còn mới mẻ với các môn thể thao khác, giúp Palmer trở thành vận động viên thành công nhất ngay cả khi ông đã giải nghệ.
Suốt đời mình, Palmer đã kiếm được gần bốn triệu đô la Mỹ qua các giải đấu golf. Tuy nhiên, số tiền bên ngoài ông kiếm được nhiều gấp 100 lần con số đó. Chỉ riêng trong năm 2013, Palmer kiếm được 40 triệu đô dù kể từ năm 2006, ông đã không còn thi đấu bất kỳ trận tranh hạng nào.
Thời đó, việc một golf thủ trở thành cái tên quen thuộc trong từng hộ gia đình còn khá lạ lẫm. Nhưng Palmer là người đầu tiên thành công trong việc phá vỡ các khuôn phép của làng golf và trở thành cái tên phổ biến với nhiều người. Palmer nghĩ rằng giá trị thương hiệu mà ông có được là nhờ những nỗ lực kinh doanh bên ngoài địa hạt golf.
Các dự án kinh doanh mạo hiểm và danh mục gương mặt quảng cáo đa dạng của Palmer đều được thực hiện thông qua công ty mẹ là Arnold Palmer Enterprises. Điều này giúp Palmer đặt tên thương hiệu cho chuỗi câu lạc bộ golf, máy cắt cỏ, kính mát và các sản phẩm khác từ áo khoác len cho đến thuốc lá... Nhiều năm trời, các hãng lớn như Coca-Cola, Rolex, Cadillac, Hertz, United Airlines, Penzoil, Heinz, Callaway... đều mời ông làm gương mặt quảng cáo.
Tài năng trong việc làm thương hiệu của ông còn mở rộng ra cả đến thương hiệu trà đá và nước chanh tự làm với cái tên "Arnold Palmer" (hiện giờ thương hiệu này đã được công ty nước giải khát AriZona Beverage Co., mua lại). Vào năm 2015, chỉ riêng thương hiệu nước giải khát "Arnold Palmer" đã đạt doanh số 200 triệu đô. Các công ty giai đoạn đầu phát triển có thể học hỏi từ mô hình đa dạng hiệu quả của Arnold Palmer.
2. Đổi mới - Phá vỡ - Khai phá lối đi riêng
Truyện kể lại rằng Mark McCormack, đại lý thể thao đầu tiên, và Arnold Palmer, ngôi sao thể thao đầu tiên, cùng bắt tay thỏa thuận làm đại diện cũng như khởi nguồn cho IMG, công ty thể thao lớn đầu tiên trên thế giới. Vào năm 2013, IMG được bán với giá 2,3 tỷ đô.
Trên thực tế, mọi thứ Arnold Palmer làm đều là thương mại. Và ông là người đầu tiên làm vậy. Dưới đây có lẽ là những câu nói hay nhất về ông:
Đầu tiên, chính Arnold Palmer đã nói: "Phần thưởng lớn nhất bạn nhận được trong cuộc đời thường là những thứ trông có vẻ không thể thực hiện được".
"Ông ấy là người về cơ bản đã phát minh ra khái niệm về đại diện thể thao trên các phương tiện truyền thông và tạo ra hẳn một gia tài thông qua việc đó", James Dodson, người viết tiểu sử của Palmer nói.
"Bất kỳ vận động viên nào từng đóng quảng cáo đều cần phải biết ơn Arnold Palmer, vì chính ông là người đã khởi đầu thị trường tiếp thị thể thao", Peyton Manning trả lời kênh Golf Channel.
Trích từ một trang trong cuốn sách của Palmer: “Phá vỡ các ranh giới với tầm nhìn chiến lược và thông điệp thương hiệu vẫn mãi là chìa khóa của thành công trong kinh doanh.”
3. Khai thác sức mạnh thương hiệu
Các doanh nghiệp của Palmer đều dựa trên việc tận dụng thương hiệu cá nhân của ông. Với sự ủng hộ từ người hâm mộ, (được gọi là "Arnie's Army"), Palmer đã đồng sáng lập kênh Golf Channel vào năm 1995. Ngày nay kênh này đã phủ sóng đến 83 triệu hộ gia đình trên 76 vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Thông qua truyền thông chiến lược và quản lý thương hiệu, Arnold Palmer đã trở thành hình mẫu cho tất cả các ngôi sao thể thao hiện nay cũng như cho các doanh nhân thời đại mới