Vấn đề về chuỗi cung ứng và lạm phát sẽ kéo dài hơn dự báo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các giám đốc điều hành hàng đầu của nhiều công ty bluechip châu Âu cho biết, các vấn đề về chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu lao động và áp lực lạm phát sẽ còn kéo dài hơn những gì mà các nhà hoạch định chính sách mong đợi.
Vấn đề về chuỗi cung ứng và lạm phát sẽ kéo dài hơn dự báo

Vấn đề về chuỗi cung ứng còn kéo dài

Các công ty trên khắp thế giới đang phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do nhu cầu tăng đột biến sau đại dịch kết hợp với tiến trình sản xuất công nghiệp đang phải vật lộn để bắt kịp sau thời gian dài ngừng hoạt động do Covid-19 gây ra.

Giám đốc tài chính của Ahold Delhaize, Natalie Knight cho biết, mặc dù bà tự tin về chiến lược của các cửa hàng tạp hóa Bỉ - Hà Lan để đối phó với những áp lực như vậy, nhưng chúng không có dấu hiệu giảm bớt.

“Tôi cho rằng những gì chúng ta đang thấy chắc chắn là lạm phát đang tăng lên, trong đó thực phẩm chỉ là một phần nhỏ trong một rổ hàng hoá. Rất nhiều loại hàng hoá khác cũng tăng, thậm chí còn cao hơn”, bà cho biết.

Các nhà hoạch định chính sách ở các ngân hàng trung ương lớn phần lớn đều giữ quan điểm rằng, thời kỳ lạm phát cao ở các nền kinh tế và các vấn đề cung ứng toàn cầu gây ra chỉ là “tạm thời”. Tuy nhiên, nhiều công ty đã cảnh báo về áp lực chi phí gia tăng.

Các vấn đề về chuỗi cung ứng đã trở nên trầm trọng hơn ở các khu vực khác nhau trên thế giới bởi các yếu tố địa chính trị khác nhau. Ví dụ, tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sản xuất trong những tháng gần đây, trong khi ở Anh, Brexit là nguyên nhân lớn gây ra tình trạng thiếu tài xế xe tải và công nhân trong lĩnh vực nông nghiệp.

Những lo ngại về sự tồn tại dai dẳng của những vấn đề này đã được lặp lại bởi ông Christian Bruch, Giám đốc điều hành Siemens Energy. Theo Bruch, thế giới công nghiệp sẽ phải đối mặt với vấn đề này "trong một thời gian khá dài”.

“Vấn đề này sẽ diễn ra vào năm 2022 và tôi tin, quản lý chuỗi cung ứng sẽ là yếu tố gắn bó với chúng tôi trong một thời gian dài. Đó sẽ là năng lực thực sự cốt lõi của những công ty như chúng tôi để đảm bảo rằng có thể quản lý những vấn đề trên chuỗi cung ứng, không chỉ về nguyên liệu, mà còn về mặt hậu cần”, ông cho biết.

Ông cho biết thêm, ngành công nghiệp năng lượng nói riêng sẽ cần phải cải thiện việc quản lý tình trạng thiếu hụt do nhu cầu về nguyên liệu thô tăng lên cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Áp lực lạm phát đang rất lớn

Các dữ liệu lạm phát gần đây nhất đã không làm giảm bớt lo ngại về lạm phát ngày càng có xu hướng tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 6,2% trong tháng 10 so với một năm trước, là mức tăng hàng năm mạnh nhất trong 30 năm và vượt xa mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc tăng 13,5% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá sản xuất của Mỹ tăng 8,6% trong tháng 10 so với một năm trước và đang đạt mức cao kỷ lục.

Trong khi đó, tại Anh, lạm phát bất ngờ chậm lại xuống mức 3,1% vào tháng 9, nhưng các nhà phân tích cho rằng, đây sẽ là thời gian điều chỉnh ngắn ngủi sau mức tăng 3,2% vào tháng 8 và cũng là mức cao nhất kể từ khi kỷ lục bắt đầu vào năm 1997.

Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến ​​lạm phát giá tiêu dùng sẽ đạt mức 5% trước khi điều chỉnh vào cuối năm 2022 và vào năm 2023, nhưng Giám đốc điều hành của Standard Chartered, Bill Winters gần đây cho biết rằng, kinh nghiệm gần đây của Standard Chartered cho thấy lạm phát cao hơn đang trở thành cơ cấu.

“Tôi thấy áp lực tiền lương khá nhiều ở mọi nơi chúng tôi hoạt động do thiếu lao động. Dù chi phí sẽ tự giảm theo thời gian, nhưng tôi cho rằng, giá năng lượng sẽ còn cao trong một thời gian nữa, vì hoạt động kinh tế là mạnh mẽ. Điều đó cho thấy áp lực lạm phát đang rất lớn”, ông Bill Winters cho biết.

Tương tự, ông Alan Jope, Giám đốc điều hành Unilever cho biết: “Áp lực lạm phát trong hai thập kỷ đã xuất hiện”.

“Chúng ta đang thấy giá mọi loại hàng hoá đang tăng lên, từ hàng hóa nông nghiệp, hàng hóa hóa dầu, giấy và bìa, vận tải, hậu cần, năng lượng, lao động... Phản xạ đầu tiên của chúng tôi là kích hoạt các chương trình tăng năng suất, cố gắng tiết kiệm chi phí nhiều nhất có thể và tránh bị ép giá, tuy nhiên, đây là áp lực lạm phát lớn nhất trong hai thập kỷ, vì vậy chúng tôi đã tăng giá”, ông cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục