Thương mại toàn cầu phục hồi mạnh mẽ sau đợt suy thoái do đại dịch Covid-19, nhưng điều này lại trở thành tác nhân gây ra các vấn đề từ thiếu hụt container và công suất kho bãi, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn tại nhiều cảng biển trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ - nơi hàng ngàn container ách tắc nằm chờ thông quan.
"Điều này sẽ mất khá nhiều thời gian để giải quyết", ông Tim Huxley, Giám đốc điều hành hãng vận tải biển Mandarin Shipping (Hong Kong - Trung Quốc) nhận định. Đại diện Mandarin Shipping cho rằng, dù ngành vận tải biển đang ra sức phát triển thêm các đội tàu container, nhưng hầu hết công suất mới sẽ không thể đưa vào hoạt động cho đến năm 2023. Như vậy cho đến lúc đó, tình trạng thiếu tàu container vẫn diễn ra.
Ngoài ra, CEO Tim Huxley lưu ý những khoản đầu tư bổ sung vào cơ sở hạ tầng như cảng biển và cầu đường là cần thiết, nhưng cũng mất vài năm các công trình đó mới có thể đi vào hoạt động và phát huy tác dụng.
"Tất cả những vấn đề này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới", ông Tim Huxley nhấn mạnh. "Vì vậy, tôi e rằng điều này thực sự sẽ khiến tạo thêm gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng và sự thiếu hụt một số mặt hàng", đại diện Mandarin Shipping lưu ý.
Những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng đã đe dọa nguồn cung hàng hóa trên toàn cầu, từ thực phẩm, đồ uống, đồ điện tử tiêu dùng, đến các món đồ trang trí Giáng sinh.
Những ách tắc đó cộng với chi phí phát sinh càng đẩy lạm phát tăng cao. Một số chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng lạm phát của các nước có thể tăng cao hơn dự kiến trong thời gian dài.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết họ đồng tình với đánh giá rằng mức giá cả tăng cao hiện nay sẽ giảm dần về sau, nhưng họ vẫn lưu ý rằng dự báo đó là không chắc chắn vì rủi ro lạm phát ở các quốc gia phát triển, trong đó có Mỹ và Anh.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng khuyến cáo các ngân hàng trung ương nên chuẩn bị thắt chặt chính sách trong trường hợp lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.