Thực chất, các vấn đề của một số ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc đã nổi lên trong vài năm qua, theo đài CNBC. Việc ngân hàng Baoshang phá sản, còn một số ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam (miền trung của Trung Quốc) đóng băng tài khoản, khiến khách hàng lo lắng về khoản tiền tiết kiệm của họ.
Ông Zhu Min, Phó chủ tịch Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu chính sách do nhà nước hậu thuẫn, cho biết, vấn đề của các ngân hàng trên là các vấn đề cục bộ. Chuyên gia này đánh giá, mặc dù cơ cấu và hoạt động của các ngân hàng đó không rõ ràng, nhưng chúng không gây rủi ro hệ thống cho nền kinh tế.
Ông Zhu Min, cựu Phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết, sau 3-4 năm thực hiện quy định của Trung Quốc, tình hình ngân hàng cũng đã được cải thiện.
Trong khi đó, vấn đề của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã chỉ ra rủi ro vĩ mô của ngành ngân hàng Mỹ. Cần lưu ý rằng, ngân hàng cho vay cỡ trung này có đủ vốn và thanh khoản trước khi sụp đổ.
Theo lý giải của ông Zhu Min, rủi ro vĩ mô là một vấn đề đáng lo ngại hơn nhiều. Chuyên gia này cho rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ liên quan đến rủi ro hệ thống, từ việc khách hàng muốn chuyển hướng khoản tiền tiết kiệm để hưởng lãi suất cao hơn.
Trong nỗ lực chống lạm phát leo thang kỷ lục, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mạnh tay tăng lãi suất nhiều đợt liên tiếp. Đồng đô la Mỹ cũng đã mạnh lên so với các loại tiền tệ khác, còn lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023, Phó chủ tịch Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc khẳng định rằng, vấn đề hiện này của ngân hàng Mỹ trái ngược với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt nguồn từ sự sụp đổ của đế chế Lehman Brothers.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023 đề cao sự cần thiết phải hợp tác trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh sự ổn định tương đối của Trung Quốc khi nước này thoát khỏi đại dịch.
Nền kinh tế Trung Quốc năm 2022 đạt tăng trưởng 3%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, do bất động sản lao dốc và các biện pháp kiểm soát Covid-19 đè nặng lên tăng trưởng. Quốc gia này bắt đầu nới lỏng chính sách chống Covid-19 vào cuối năm ngoái và đang cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Zhu Min đánh giá, tiêu dùng vẫn là một điểm yếu rõ rệt của nền kinh tế Trung Quốc, trong khi ngành sản xuất hiện đại và các nỗ lực giảm lượng phát thải carbon được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Cũng theo, Phó chủ tịch Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, các công ty tư nhân đã đi đầu trong công cuộc “chuyển đổi xanh” của Trung Quốc.
Trong vài tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tân Thủ tướng Lý Cường đã nhiều lần đề cập đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân.
Trung Quốc cũng vừa quyết định đặt định chế tài chính và công nghệ - những lĩnh vực hiện do nhà nước quản lý - dưới sự kiểm soát trực tiếp của Đảng Cộng sản.
Ông Zhu Min cho biết, hy vọng việc điều chỉnh chính sách này sẽ giúp hoạt động giám sát tài chính trở nên phù hợp hơn và cảnh báo về một giai đoạn điều chỉnh. Về tổng thể, nó sẽ làm cho các quy định tài chính của Trung Quốc hiệu quả và minh bạch hơn.