DN nội vẫn loay hoay
Thống kê của Cục Quản lý Dược cho thấy, trong tổng giá trị thuốc đấu thầu của các bệnh viện, thuốc nhập khẩu đắt tiền chiếm tới 90%. DN nội đa phần nhỏ lẻ, vốn ít với công nghệ lạc hậu vẫn đang loay hoay với bài toán: vốn đầu tư, trang thiết bị, giá cả…
Để cải thiện tình trạng này, một số DN đã tiên phong ứng dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả trong điều trị nhưng số lượng đó chưa nhiều và chưa có cơ chế khuyến khích phù hợp để DN tiếp tục nhân rộng và phát triển.
Không chỉ dừng lại ở đó, thuốc ngoại đang được bảo kê để tung hoành và giữ vị trí độc tôn trong nhiều năm qua. Điển hình trong số đó là việc mới đây nhất, đã có một “chỉ đạo ” không đưa dạng đóng gói “ống nhựa”của các loại thuốc và loại bỏ Cerebrolyzate, Giliatilin ra khỏi danh mục đấu thầu thuốc năm 2016.
Lý do được đưa ra cho các sản phẩm này là nước cất ống nhựa tạo tình trạng “độc quyền giá cao” hay “lạm dụng quỹ”, Gliatilin hoạt chất Cholin Alfoscerate có chi phí lớn (nằm trong Top 20 thuốc có chi phí lớn nhất toàn quốc)… Tuy nhiên, trên thực tế, nước cất ống nhựa ngoài CPC1 Hà Nội, Imexpharm tiên phong thì hiện nay đang có rất nhiều DN khác đầu tư sản xuất sản phẩm này và năm 2015 đã được bệnh viện tại 22 tỉnh trúng thầu đưa vào sử dụng thay thế hàng nhập ngoại của Ấn Độ.
Hay Gliatilin (hoạt chất Choline Alfoscerate) của nhà phân phối Hữu nghị là sản phẩm mang tính sáng chế bị chỉ tên là sản phẩm nằm trong top 20 sản phẩm dược có chi phí lớn, tuy nhiên số liệu hải quan lại cho thấy chi phí nhập khẩu của sản phẩm này chỉ bằng 1/7- 1/10 so với Cerebrolysin-một sản phẩm nhập ngoại khác cùng nhóm được chỉ định điều trị chống đột quỵ, tai biến mạch máu não, sau chấn thương. Cả hai thuốc này đều nằm trong danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, việc triệt tiêu Gliatilin (hoạt chất Choline Alfoscerate) không cho tham gia dự thầu đồng nghĩa với việc triệt tiêu cơ hội sản xuất của các DN trong nước, tạo điều kiện cho Cerebrolysin một mình một sân tiếp tục duy trì vị thế độc tôn như đã duy trì trong suốt 20 năm qua ngay trong các danh mục thuốc của các bệnh viện trên cả nước.
Rõ ràng việc chỉ đạo loại bỏ các sản phẩm của Việt Nam hay các sản phẩm có hoạt chất mà Việt Nam sản xuất được khỏi danh mục đấu thầu như trên là một cách công khai giữ thế độc tôn cho những sản phẩm thuốc ngoại. Điều này đã triệt tiêu sự cạnh tranh của DN.
Bảo vệ cách nào?
Đến hết năm 2015, thuốc sản xuất trong nước đã chiếm gần 50% lượng thuốc tiêu thụ, đáp ứng 2/3 hoạt chất trong Danh mục Thuốc thiết yếu của Việt Nam, một số bệnh viện đã sử dụng tới 80% thuốc nội. Đây có thể coi là một động thái tích cực trong việc thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Tuy nhiên, việc giữ được miếng bánh thị trường không bị rơi vào tay các DN nước ngoài chưa bao giờ là dễ dàng.
Tương tự như với trường hợp của các sản phẩm ống nhựa. Một số DN đã tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến của Mỹ đã đầu tư hàng triệu USD để đầu tư dây truyền hiện đại với hy vọng mang lại các sản phẩm chất lượng cao thay thế hàng nhập ngoại. Sản phẩm sản xuất phục vụ bệnh viện, nhưng với việc chỉ đạo không đưa dạng đóng gói “ống nhựa”của các loại thuốc vào kế hoạch đấu thầu thì triệt tiêu luôn cơ hội sống còn của các DN Việt.
Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước. Nhưng với thực trạng như hiện nay và vẫn còn tình trạng bảo kê cho thuốc ngoại như thư chỉ đạo ngầm của lãnh đạo BHXHVN thật sự mang lại những rào cản cho DN Việt Nam.
Có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Cục quản lý Dược và BHXH VN cần phải nghiêm túc đánh giá lại vấn đề và có phương án cụ thể tháo gỡ những bất cập hiện nay trong cơ chế, chính sách và hạn chế những tiêu cực hiện nay để làm sao tạo ra cơ chế tốt thúc đẩy được ngành sản xuất dược trong nước theo chiến lược quốc gia ngành dược và đáp ứng được tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.