VAMC lập Sàn giao dịch nợ xấu, muốn nhà đầu tư nước ngoài tham gia

0:00 / 0:00
0:00
Ngoài ra, VAMC cũng ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác như KAMCO, SAM nhằm kết nối các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ tại Việt nam.
Ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) Ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC)

Lập Sàn giao dịch nợ xấu

Ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) cho hay, sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời, hiệu quả xử lý nợ xấu tăng mạnh. Không chỉ quyền chủ nợ của VAMC và tổ chức tín dụng được đảm bảo mà ý thức trả nợ của khách hàng cũng cao hơn trước. Cơ chế của Nghị quyết 42 cũng tạo động lực khuyến khích TCTD bán nợ, giúp tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ.

Tính đến tháng 8/2020, lũy kế mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đạt 329.007 tỷ đồng. Trong đó, mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đạt 67.612 tỷ đồng, mua nợ theo giá trị thị trường từ 2017 đến 2020 đạt 8.341 tỷ đồng.

Kết quả xử lý nợ tại VAMC sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực: Từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/8/2020, thu hồi nợ ước đạt 94.370 tỷ đồng, gấp 1,5 lần tổng thu hồi nợ giai đoạn trước đó, từ 2013 đến 14/8/2017.

Thu giữ thành công một số tài sản đảm bảo có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ. Kết quả thu hồi nợ từ biện pháp xử lý tài sản đảm bảo tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước đó. Thu hồi từ biện pháp bán nợ tăng gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước đó…

Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 42 ra đời, VAMC được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng nhằm tăng cường nguồn lực phục vụ hoạt động mua nợ theo giá trị thị trường, nâng cao năng lực tài chính, uy tín trên thị trường mua bán nợ.

Từ đó, công ty đã triển khai một loạt giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ: Xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/tài sản bảo đảm; Xúc tiến thành lập Câu lạc bộ AMC nhằm tạo lập diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư…

Cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư ngoại

Ngoài tạo lập thị trường mua bán nợ, VAMC cũng đã triển khai nhiều giải pháp kết nối nhà đầu tư. Thời gian qua, VAMC đã tham gia thành viên IPAF, ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác như KAMCO, SAM để chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ và kết nối các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.

Dù vậy, VAMC cũng cho rằng, khó khăn hiện nay là hành lang pháp lý cho phát triển thị trường mua bán nợ còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường. Chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ làm cơ sở cho các tổ chức thẩm định giá thực hiện. Sự phối hợp của các đơn vị liên quan trong việc xử lý nợ xấu đôi khi còn chưa đồng bộ và thống nhất…

Vì vậy, để tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ, ông Giang Nam cho rằng, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện, thành lập Hiệp hội các AMC nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, minh bạch thông tin về hàng hóa (nợ xấu và tài sản bảo đảm)…

Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư (kể cả nhà đầu tư nước ngoài) tham gia thị trường mua bán nợ (tăng quyền của chủ nợ).

Để làm được điều này, cần sớm luật hóa Nghị quyết 42 và hoàn thiện hành lang pháp lý, xem xét sửa đổi một số Luật chuyên ngành liên quan: Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự… để đồng bộ với các quy định tại Nghị quyết 42.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục