Vai trò và uy tín của Việt Nam ngày càng tăng

(ĐTCK-online) Ngày 20/9/2007, Việt Nam vừa kỷ niệm 30 năm Ngày gia nhập Liên hợp quốc (LHQ) và từ ngày 24-28/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng LHQ tại New York (Mỹ). Nhân dịp này, Báo Đầu tư đã trao đổi với ông John Hendra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam.
Ông John Hendra. Ông John Hendra.

Nhận xét của ông về những thành tựu và nỗ lực của Việt Nam trong 30 năm qua với tư cách là thành viên LHQ?

Nhìn lại 30 năm về trước, bạn có thể thấy Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc trong phát triển kinh tế. Tỷ lệ nghèo đói giảm từ mức khoảng 58% năm 1993 xuống còn 35% vào năm 2000 và chỉ còn khoảng 18% hiện nay. Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) trước thời hạn (năm 2015). Rất nhiều nhà quan sát nói rằng Việt Nam là một mẫu hình của tăng trưởng kinh tế cao và chuyển hoá thành công vào đời sống người dân.

LHQ tự hào là đối tác của Việt Nam trong 30 năm qua. Chúng ta đã làm việc cùng nhau dựa trên sự chia sẻ những giá trị về bình đẳng và thống nhất. Tôi rất ấn tượng trước sự tin tưởng cao mà Việt Nam đã, đang dành cho LHQ và những cam kết mạnh mẽ với LHQ cũng như quá trình cải cách LHQ. Việc LHQ chọn Việt Nam là một trong 8 nước đầu tiên trên thế giới thực hiện thí điểm cải cách LHQ ở cấp quốc gia đã cho thấy, Việt Nam đã và đang đi đầu trong nỗ lực nâng cao hiệu quả viện trợ cũng như mối quan hệ lâu dài và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam với LHQ.

 

Theo ông, đâu là những mục tiêu MDGs mà Việt Nam cần tăng tốc?

Tôi nghĩ Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010 hoặc cuối năm 2009. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Nghèo đói vẫn còn hiện diện ở vùng sâu, vùng xa… Việc ngăn chặn căn bệnh HIV/AIDS- mục tiêu thứ 6 trong 8 mục tiêu thiên niên kỷ cũng là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam . Trong quá trình thực hiện các mục tiêu MDGs, chúng tôi cho rằng, Việt Nam nên chú trọng nhiều hơn vấn đề chất lượng, chứ không chỉ ở số lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và giáo dục.

 

Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của Việt Nam tại LHQ?

Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng tại LHQ. Những năm qua, Việt Nam đã từng nắm giữ những vị trí quan trọng tại LHQ như Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ năm 1997, 2000, 2003, là thành viên của Hội đồng Kinh tế- Xã hội LHQ (ECOSOC) năm 1997-2000, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Nông - Lương năm 2005… Hiện nay, với việc Việt Nam đại diện khu vực châu Á ứng cử vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã chứng tỏ vai trò và uy tín ngày càng tăng của Việt Nam trong LHQ và trên trường quốc tế.

 

Ông nghĩ gì về khả năng Việt Nam có thể trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ?

Theo tôi được biết, cuộc bỏ phiếu lựa chọn thành viên HĐBA sẽ diễn ra vào ngày 16/10 tới. Hiện các nước châu Á ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam ứng cử vào vị trí này. Chúng ta hãy cùng chờ kết quả.

Bình Châu thực hiện.
Bình Châu thực hiện.

Tin cùng chuyên mục