Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững

(ĐTCK) Năm 2019 là một năm đầy biến động với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019

Phát biểu trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019 với chủ đề "Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững” đã khai mạc sáng nay 10/1.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì trên 7% năm thứ hai liên tiếp, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định; quy mô thương mại quốc tế vượt mốc 500 tỷ USD; xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc.

Khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng. Lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư chiến lược của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và đang dần vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Đức Thanh)
“Đạt được kết quả đáng khích lệ này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta vững tin bước vào năm 2020 - một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nền kinh tế Việt Nam bởi đây là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030”, Bộ trưởng khẳng định.

Nhận định về bối cảnh năm 2020, Bộ trưởng cho rằng trước tình hình khu vực, thế giới được dự báo tiếp tục có những biến động khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế phục hồi chậm; căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn diễn biến phức tạp; dư địa các động lực tăng trưởng truyền thống thu hẹp dần dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam lựa chọn khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo làm xung lực tăng trưởng mới.

Nhận thức sâu sắc bối cảnh cũng như vận hội mới, sau hơn 30 năm thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Bộ Chính trị về FDI, trong đó xác định rõ quan điểm chỉ đạo, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo định hướng này, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Cũng theo Bộ trưởng, bên cạnh Nghị quyết số 50 về FDI, trong 2 năm qua, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế và Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Đây là những khung khổ chính sách tạo nền tảng cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước thúc đẩy đầu tư sản xuất kinh doanh một cách thuận lợi trong thời gian tới.

 Bộ trưởng khẳng định trong việc hoạch định và thực thi chính sách, Việt Nam luôn coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và luôn cập nhật các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư.

Trong đó, Việt Nam đã thực sự coi FDI là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI là những đội quân chủ lực của nền kinh tế. Khi cả ba loại hình doanh nghiệp này phát triển và bổ sung và hỗ trợ tốt cho nhau, nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh, bền vững.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ lần này với chủ đề “Vai trò và trách nhiệm đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững”, Bộ trưởng cũng một lần nữa nhấn mạnh vai trò trách nhiệm đóng góp của doanh nghiệp FDI trong tiến trình phát triển của Việt Nam, nhất là trách nhiệm tạo mối liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong nước, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển, đồng thời muốn lắng nghe tiếp thu các phản hồi đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp FDI.

“Chúng tôi mong muốn lắng nghe những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia đang cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư”, Bộ trưởng gợi mở.

Bộ trưởng cũng chia sẻ trước cộng đồng doanh nghiệp, thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành chương trình hành động, thể chế hóa các định hướng chính sách quan trọng mà Bộ Chính trị đã đặt ra để đón được dòng vốn đầu tư có chất lượng hơn, tác động tích hơn hơn tới nền kinh tế.

“Cùng với những nỗ lực của Chính phủ, chúng tôi mong muốn luôn có sự đồng hành chủ động, tham gia tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham):

Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất đối với Hoa Kỳ và Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Chúng tôi cam kết hợp tác với cơ quan nhà nước Việt Nam để phát triển môi trường pháp lý, hạ tầng cơ sở vật chất, và nhân tài để xây dựng sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm Việt Nam là nước dẫn đầu trong kinh tế kỹ thuật số và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

"Cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra tại Việt Nam và việc duy trì một nền kinh tế kỹ thuật số mở, tự do là chìa khóa để duy trì tính cạnh tranh, đồng thời phát huy sự đổi mới của Việt Nam", bà Amanda Rasmussen nói.

Đại diện AmCham bày tỏ sẵn sàng cung cấp chuyên gia khi Việt Nam xây dựng các quy định áp dụng đối với các công nghệ mới nổi lên gần đây như thanh toán điện tử, dịch vụ nội dung kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, và thành phố thông minh....

Cụ thể, xây dựng một khung pháp lý công bằng, minh bạch, ổn định, hiệu quả mà trong đó coi trọng sự đổi mới, sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút, duy trì và phát triển thương mại cùng đầu tư chất lượng cao thông qua các doanh nghiệp thành viên AmCham. Các nội dung cụ thể như chính sách thuế ổn định và công bằng, hiện đại hóa hải quan, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại, cấp quyền sử dụng đất nhanh và minh bạch...

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Thời gian qua, Chính phủ có nhiều nỗ lực quan trọng trong tạo lập môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp. Chính phủ cũng chỉ đạo sát sao các bộ, ngành và địa phương có hành động cụ thể để cải thiện điểm số và nâng hạng về môi trường kinh doanh.

VCCI xây dựng báo cáo ghi nhận đánh giá cộng đồng doanh nghiệp về việc các bộ ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 và Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016.

Theo đó, các thủ tục hành chính thuế có sự cải thiện. Thủ tục nộp thuế thuận lợi nhất, song khó thực hiện nhất là thủ tục hoàn thuế và đề nghị miễn giảm thuế. Việc phá sản doanh nghiệp, bảo hộ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu rất ít chuyển biến. Có tới 30% doanh nghiệp gặp khó khăn khi làm thủ tục xác nhận phòng cháy chữa cháy.

Hoạt động thanh tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có tới 33% doanh nghiệp cho rằng cán bộ suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp và 30% doanh nghiệp cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp phản hồi vẫn thường xuyên phải đối mặt.

Tại VBF lần này, cũng sẽ có nhiều kiến nghị của đại diện các Hiệp hội ngành nghề gửi đến cơ quan chức năng và Chính phủ nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục