Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Bộ Kế hoạch Đầu tư quyết giữ vững ngọn cờ cải cách, vì lợi ích chung của đất nước

(ĐTCK) Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn cầu thị, lắng nghe và tiếp thu để ngày càng hoàn thiện hơn, quyết tâm giữ vững ngọn cờ cải cách, đổi mới, dũng cảm vượt qua chính mình, vì lợi ích chung của đất nước, không vì lợi ích cục bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nghị quyết 01 và 02 năm 2020 của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2019, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, tác động không nhỏ đến nền kinh tế, nhưng tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; đạt mức tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao hàng đầu khu vực và thế giới; chất lượng tăng trưởng được nâng lên; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định, đạt được kết quả ấn tượng, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, khẳng định vai trò, vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Đánh giá về tình hình năm 2020, Bộ trưởng lưu ý, bối cảnh thế giới dự báo còn chứa đựng nhiều yếu tố khó lường. Ở trong nước, năm 2020, là năm cuối của nhiệm kỳ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi phải làm cho được nhiệm vụ kép. Đó là một mặt cần phải tiếp tục cần có sự bứt phá hơn nữa, không chỉ là phấn đấu tiếp tục đạt kết quả toàn diện của năm 2020 mà còn phải về đích thành công, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược 10 năm (2011-2020) và Kế hoạch 5 năm (2016-2020).

Mặt khác, sự phát triển bứt phá của năm 2020 chính là nền tảng, tạo đà thuận lợi cho cả chặng đường phát triển sắp tới của đất nước, cụ thể là Kế hoạch 5 năm (2021-2025), Chiến lược 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045.

Trong khi đó, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại cần phải giải quyết. Chất lượng tăng trưởng cũng như năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh tuy đã có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu. Kết quả của sự đổi mới về thể chế, pháp luật, chính sách mới chỉ ở tầm cao mà chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Chặng đường đổi mới, sáng tạo, dựng xây và phát triển đất nước còn dài, khó khăn, thách thức còn nhiều và những hạn chế, tồn tại còn cần phải tiếp tục khắc phục triệt để... Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành tham mưu các giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài nhằm giải quyết các vấn đề.

“Bộ sẽ tập trung nghiên cứu, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo, cảnh báo kinh tế - xã hội, tiến tới kết nối, chia sẻ dữ liệu kinh tế - xã hội. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, thống kê dân số, nhà ở, đánh giá quy mô GDP theo chuỗi số liệu đến năm 2020 để phục vụ đại hội Đảng các cấp”, Bộ trưởng cho biết.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, sẽ luôn cầu thị, lắng nghe và tiếp thu để ngày càng hoàn thiện hơn, quyết tâm giữ vững ngọn cờ cải cách, đổi mới, dũng cảm vượt qua chính mình, vì lợi ích chung của đất nước, không vì lợi ích cục bộ, dám nghĩ, dám làm, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, đổi mới sáng tạo, kiến tạo phát triển, vươn lên, cống hiến.

“Chúng tôi sẽ không ngừng củng cố bản lĩnh của một cơ quan đầu ngành trong quản lý nhà nước, tham mưu chiến lược cho Đảng và Chính phủ; triển khai toàn diện các nhiệm vụ được giao. Từ đó, nắm chắc cơ hội, hành động nhanh, chính xác, kịp thời; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra không chỉ của riêng ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn của cả nước, giúp đất nước ngày một giàu mạnh, phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của năm 2020, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh trên cơ sở tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu tích cực đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ, đúc rút kinh nghiệm của giai đoạn trước, trong năm 2020, bám sát tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ, với phương châm “Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo, đổi mới và hành động quyết liệt hơn nữa, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, Bộ trưởng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và cũng là những nội dung quan trọng của cả nền kinh tế mà Bộ sẽ tập trung chỉ đạo để nỗ lực hoàn thành. Cụ thể 6 nhiệm vụ bao gồm:

(1) Dành ưu tiên cao nhất, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong việc nghiên cứu, xây dựng Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

(2) Tập trung cao độ mọi nguồn lực và thời gian cho công tác thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, xuyên suốt của toàn ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê và cũng là nhiệm vụ cốt lõi của nền kinh tế. Cụ thể, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý và tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp triển khai công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Sớm hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù, vượt trội đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến.

Đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế và xây dựng các giải pháp để ứng dụng, phát triển mô hình “kinh tế ban đêm”. Chuẩn bị tốt các dự án Luật, Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn có liên quan.

Tổ chức lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương xây dựng hoặc kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các ngành, lĩnh vực và địa phương, phục vụ Đại hội Đảng các cấp và xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn tới. Thực hiện phân lại vùng làm cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và quy hoạch vùng hợp lý, hiệu quả.

(3) Tiếp tục phát huy vai trò và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ điều phối kinh tế vĩ mô, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc theo dõi, phân tích tình hình, chủ động xây dựng, cập nhật các kịch bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tham mưu các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh thế giới được dự báo là còn chứa đựng nhiều yếu tố khó lường, góp phần cùng các bộ, ngành tham mưu các giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài nhằm giải quyết cho được những vấn đề bức xúc nhất của xã hội và nhân dân hiện nay về ô nhiễm môi trường, quản lý nguồn nước, xử lý rác thải, tắc nghẽn giao thông, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...

Tập trung nghiên cứu, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo, cảnh báo kinh tế - xã hội, tiến tới kết nối, chia sẻ dữ liệu kinh tế - xã hội, triển khai có hiệu quả Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, thống kê dân số, nhà ở, đánh giá quy mô GDP theo chuỗi số liệu đến năm 2020 để phục vụ đại hội Đảng các cấp.

(4) Phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tập trung cụ thể hóa các giải pháp nhằm tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh công tác giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng cơ hội của thời kỳ dân số vàng. Sớm khởi công xây dựng một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Triển khai nghiên cứu và xây dựng cơ chế, chính sách để kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt trong phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới; Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025; Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển doanh nghiệp và kinh tế tư nhân trở thành trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một số định hướng và giải pháp lớn về tập trung phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạnh lần thứ 4 để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo.

Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là việc đảm bảo quyền đối với nhà đầu tư cần tiếp tục được tăng cường để ngày càng khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

(5) Thực hiện đổi mới cơ chế huy động, phân bổ, sử dụng để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Trong đó, tập trung tổ chức triển khai hiệu quả Luật Đầu tư công năm 2019, kế hoạch đầu tư công năm 2020 và xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai; xây dựng các tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc và Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển; xây dựng định hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế giai đoạn 2021-2030.

(6) Triển khai tốt công tác tổ chức đại hội các cấp trong Đảng bộ cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2020-2025) tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ và những định hướng nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BKHĐT ngày 06/1/2020, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, trách nhiệm đơn vị chủ trì và chế độ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện bảo đảm đúng tiến độ với chất lượng tốt.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng:

Là một bộ tham mưu tổng hợp, đây là bộ được giao nhiều nhất các nhiệm vụ, 650 nhiệm vụ. Nhưng đến nay chỉ còn 5 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Đây là bộ có tỷ lệ có nhiệm vụ quá hạn, không hoàn thành thấp nhất. Có 53/511 đề án, nhưng đến nay không còn đề án nào nợ, dù nhiều đề án khó.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có sự phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng với các cơ quan liên quan, hiến kế tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phát triển kinh tế xã hội, góp phần tích cực trong cải cách thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tham mưu nhiều cho Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, một cửa liên thông…

Ở lĩnh vực này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận hơn 500 phản ánh của dân và đã trả lời hơn 93%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời không né tránh, đi thẳng vấn đề, được đánh giá cao.

Về phương hướng trong năm 2020 và thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung vào 3 trọng tâm: Trước hết, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tạo dư địa cho tăng trưởng, rà soát luật, nghị định để kịp thời sửa đổi, sớm ra đời Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tiếp tục đưa ra các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho khởi sự doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư. Trong Nghị quyết 02 đã nêu rõ các mục tiêu này.

Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để xây dựng chính phủ điện tử, làm sao tích hợp thủ tục cho doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử.

Hôm nay, tôi quan sát thấy Trung tâm Chỉ đạo điều hành của Bộ rất là tốt. Nếu kết nối được hệ thống trung tâm chỉ đạo điều hành quốc gia thì rất hiệu quả,

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung:

Chúng ta đã đi qua năm 2019 với nhiều kết quả kinh tế - xã hội toàn diện. Với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đóng góp phần quan trọng trong thành công chung đó.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một trong những bộ có đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, đổi mới; Bộ đã quyết liệt, kiên trì trong xây dựng cơ chế chính sách, đặc biệt là gỡ bỏ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; tập trung cải cách hành chính, đổi mới sáng tạo, nhất là khi tham mưu Chính phủ xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Từ cuối 2018, tôi đã đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn đối với vấn đề văn hóa - xã hội, năm nay, tôi thấy Chính phủ đã gắn liền giữa kinh tế với xã hội, ở đây vai trò tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất rõ.

Liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, trước thách thức về chất lượng lao động còn thấp, cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu cho Chính phủ xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, quan tâm nhiều hơn đối với các chính sách xã hội.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục