Năm 2007, Trung Quốc ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai ở mức tương đương 10,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), song năm ngoái, con số thặng dư này đã giảm mạnh xuống mức chỉ còn 2,1% GDP. Giới phân tích cho rằng, có hai nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này.
Thứ nhất, trong bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, Bắc Kinh đã chuyển hướng chính sách theo đường lối tăng trưởng dựa trên nhu cầu tiêu thụ nội địa, nhờ các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ đổ vào lĩnh vực bất động sản. Tổng chi tiêu đầu tư tăng từ mức 41% GDP năm 2007 lên 47% GDP năm 2013. Đầu tư nội địa tăng có liên quan tới tiết kiệm trong nước tăng, qua đó giảm tình trạng dòng vốn ròng chảy ra bên ngoài.
Thứ hai, ở giai đoạn trước đây, bất chấp xuất khẩu chậm lại, Bắc Kinh vẫn liên tiếp tăng giá đồng nhân dân tệ (NDT), trong khi phần còn lại của thế giới hạ giá đồng nội tệ. Sự kết hợp giữa đồng NDT mạnh lên và tỷ lệ lạm phát tương đối cao khiến Trung Quốc giảm sút sức cạnh tranh đang kể, trong khi các đối tác thương mại khác đạt được điều ngược lại.
Đặt hai nhân tố nói trên song hành nhau, có thể thấy rằng, những năm gần đây, Trung Quốc là “nhà tiêu thụ cứu cánh cuối cùng”, một vai trò truyền thống vốn do Mỹ nắm giữ. Thử tưởng tượng nếu đầu tư cơ sở hạ tầng Trung Quốc không tăng, giá hàng hóa có thể không phục hồi nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính. Nhiều quốc gia đang nổi cũng sẽ chứng kiến doanh thu xuất khẩu sụt giảm, thậm chí trong một số trường hợp, còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán.
Bên cạnh đó, nếu đồng NDT không tăng giá, phần còn lại của thế giới cũng sẽ không hạ giá đồng nội tệ, các điều kiện tài chính tại nhiều quốc gia sẽ bị thắt chặt hơn. Kết quả là, sức ép giảm phát toàn cầu có thể đã cao hơn rất nhiều so với thực tế hiện nay.
Trung Quốc từng là nhà hấp thụ các cú sốc kinh tế toàn cầu, song chính vai trò này khiến Bắc Kinh trở nên dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là sự bất ổn trong thị trường bất động sản quá nóng, nợ của các chính quyền địa phương tăng cao, biến động trên thị trường chứng khoán và sự sụt giảm lợi suất trên chi tiêu vốn.
Vì thế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) trung tuần tháng Tám đã quyết định can thiệp, thông qua các biện pháp kích thích khác nhau như liên tiếp hạ giá đồng NDT, điều chỉnh thị trường hay mới đây nhất là bơm 93 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối cho hai ngân hàng hàng đầu nước này, nhằm vực dậy nền kinh tế đang lao đao. Đồng thời, ngày 18/8, PBoC đã đổ thêm khoảng 18 tỷ USD vào thị trường tiền tệ thông qua các hoạt động thị trường mở. Đây là lần bơm tiền trong ngày vào thị trường theo hình thức các hợp đồng mua lại đáo hạn lớn nhất kể từ tháng 1/2014.
Điều này được coi là một phần trong những nỗ lực chuyển cán cân rủi ro từ Trung Quốc trở lại phần còn lại của thế giới. Sau tất cả, không nền kinh tế nào có thể là nhà hấp thụ các cú sốc mãi mãi bởi ngay thập kỷ vừa qua, thế giới đã chứng kiến Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới tiêu chuẩn, Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) chìm trong hàng loạt khủng hoảng nợ.
Trong thời gian qua, nền kinh tế Trung Quốc đã liên tiếp hứng chịu các “cơn gió ngược”, khi xuất khẩu, nhu cầu nội địa và đầu tư đều yếu đi. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay dự kiến đạt khoảng 7%, một kết quả tốt so với nhiều nước trên toàn cầu nhưng lại là mức thấp kỷ lục trong 25 năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Kinh tế toàn cầu có thể cần một nhà hấp thụ các cú sốc mới. Hy vọng lần này lại được đổ dồn vào Mỹ, song trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế Mỹ còn khiêm tốn và chưa đạt như kỳ vọng, bên cạnh đồn đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất trước cuối năm nay, khả năng kinh tế Mỹ có thể hấp thụ các cú sốc toàn cầu cho thế giới vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.