Vai trò của Điều lệ

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Điều lệ luôn được những người hành nghề luật đánh giá là một văn bản vô cùng quan trọng trong doanh nghiệp. Thậm chí có thể coi đó là một bản Hiến pháp của doanh nghiệp.

Ảnh Internet Ảnh Internet

Bản thân Luật Doanh nghiệp 2014 hay Luật Doanh nghiệp 2020 sắp sửa có hiệu lực cũng đều có rất nhiều quy định cho phép Điều lệ được quy định khác đi hoặc mở rộng thêm những vấn đề khác so với nội dung tại các điều luật đó.

Cung cấp quyền quản trị dành cho cổ đông sáng lập có nguồn lực tài chính thấp thông qua cơ chế về cổ phần ưu đãi biểu quyết

Câu chuyện nhiều người có ý tưởng kinh doanh, muốn khởi sự thành lập doanh nghiệp nhưng lại không có đủ nguồn lực tài chính để hiện thực hóa những ý tưởng của mình không phải là hiếm. Khi một bên có ý tưởng, một bên có nguồn vốn dồi dào, thì hiển nhiên có thể cùng hợp tác để kinh doanh, nhưng khi đó vấn đề phân chia quyền quản trị doanh nghiệp sẽ không hề đơn giản.

Về nguyên tắc chung, quyền quản trị của một cổ đông trong công ty thường sẽ tương ứng với phần vốn, nguồn lực tài chính của cổ đông đó đặt trong mối liên hệ, so sánh với các cổ đông khác. Chẳng hạn như ở công ty cổ phần, điều kiện để thông qua các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông là phải được số cổ đông đại diện ít nhất 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, hoặc đối với những vấn đề quan trọng, thì tỷ lệ này là 65%.

Như vậy, nếu cổ đông không đủ nguồn lực tài chính để mua cổ phần nhằm đạt được các tỷ lệ này thì không thể nắm quyền kiểm soát công ty. Tuy nhiên, nếu có thể vận dụng xây dựng Điều lệ ngay từ thời điểm thành lập doanh nghiệp, thì vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết được, thông qua cơ chế về cổ phần ưu đãi biểu quyết dành cho cổ đông sáng lập.

Cụ thể, ngoài cổ phần phổ thông thông thường, thì cổ đông sáng lập có thể sở hữu thêm cổ phần ưu đãi biểu quyết. Đây là ưu đãi chỉ dành riêng cho cổ đông sáng lập và cổ đông là tổ chức được Chính phủ ủy quyền.

Theo đó, mặc dù mệnh giá (giá mua) các loại cổ phần này đều bằng nhau nhưng số phiếu biểu quyết lại có sự khác biệt. Nếu mỗi cổ phần phổ thông chỉ tương ứng với 01 phiếu biểu quyết, thì số lượng phiếu biểu quyết của cổ phần ưu đãi biểu quyết lại hoàn toàn do Điều lệ quy định.

Điều lệ có thể quy định 01 cổ phần ưu đãi biểu quyết sẽ tương ứng có 02, 03 hoặc thậm chí là 10 phiếu biểu quyết, mà không hề có giới hạn về mức tối đa. Thông qua cơ chế này, cổ đông sáng lập có thể chỉ bỏ ra một số vốn bằng những cổ đông khác để mua cổ phần, nhưng quyền hạn có thể gấp 2, 3 hoặc 10 lần tùy thuộc vào quy định của Điều lệ.

Điều chỉnh tỷ lệ thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ)

Các điều luật hiện nay về điều kiện để thông qua nghị quyết của ĐHĐCĐ bên cạnh việc quy định phải đạt % tỷ lệ nhất định, đều mở cho doanh nghiệp được quyền điều chỉnh tỷ lệ này trong những chừng mực mà luật cho phép.

Chẳng hạn, nếu Điều lệ không có quy định khác, thì việc tổ chức lại, giải thể công ty, quyết định về dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, sẽ được thông qua nếu đạt được sự chấp thuận của số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông dự họp tán thành.

Tuy nhiên, nếu các cổ đông cho rằng đây là những vấn đề hệ trọng và cần phải có một tỷ lệ cao hơn để thông qua, thì hoàn toàn có thể bỏ phiếu biểu quyết về việc điều chỉnh lại tỷ lệ này và quy định rõ ràng tại Điều lệ.

Theo đó, tỷ lệ thông qua một vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ có thể được nâng lên cao hơn, ví dụ như phải đạt được 80% hoặc kịch trần đến 100%. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu quản trị và mối quan hệ giữa các cổ đông để có thể thiết kế và lựa chọn một tỷ lệ % phù hợp quy định tại Điều lệ.

Giảm thiểu rủi ro nghị quyết ĐHĐCĐ bị hủy do vi phạm về thủ tục

Một trong những nguyên nhân thường được các bên viện dẫn trong các vụ kiện yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ là do vi phạm các vấn đề về trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHĐCĐ.

Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 dành một điều luật riêng biệt (Điều 146) để điều chỉnh, quy định về thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại ĐHĐCĐ. Nội dung của Điều luật này khá dài, gồm 09 khoản khác nhau, điều chỉnh chi tiết các vấn đề bầu chủ tọa, thư ký, ban kiểm phiếu, thông qua chương trình, nội dung cuộc họp, thảo luận và biểu quyết các vấn đề trong nội dung chương trình,… Nếu có bất kỳ bước nào trong quy trình này bị doanh nghiệp thực hiện khác đi thì sau này đều có thể trở thành căn cứ để Tòa án tuyên hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ.

Tuy nhiên, rủi ro này hoàn toàn có thể được kiểm soát và giảm thiểu thông qua việc xây dựng Điều lệ. Bởi lẽ, ngay tại Điều 146 Luật Doanh nghiệp 2020 đã trao cho Điều lệ quyền hạn được quy định khác đi so với nội dung của điều luật.

Vì vậy, doanh nghiệp có thể xây dựng các quy định riêng về thể thức họp và ra quyết định của ĐHĐCĐ theo hướng đơn giản hơn, phù hợp hơn với tình hình doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp chỉ cần tuân theo quy định tại Điều lệ, giảm thiểu khả năng nghị quyết của ĐHĐCĐ bị hủy do không tuân theo thể thức tại Luật Doanh nghiệp 2020.

Những nội dung trên chỉ là một vài ví dụ điển hình trong số rất nhiều nội dung mà pháp luật doanh nghiệp cho phép Điều lệ có thể quy định khác đi hoặc mở rộng hơn. Nếu có thể dựa vào đó để xây dựng bản Điều lệ phù hợp với đặc trưng của doanh nghiệp, thì khi đó Điều lệ mới thật sự trở thành văn bản nền tảng phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Tô Hồng Dung – Công ty Luật BASICO

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục