Vắc-xin Covid-19 dồn dập về Việt Nam trong quý IV, vắc-xin Pfizer khoảng 47- 50 triệu liều

0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng Y tế, vắc-xin có thể về Việt Nam dồn dập trong quý IV, riêng vắc-xin Pfizer khoảng 47- 50 triệu liều.
Dự kiến quý IV, khoảng 47- 50 triệu liều vắc-xin Pfizer sẽ về Việt Nam. Dự kiến quý IV, khoảng 47- 50 triệu liều vắc-xin Pfizer sẽ về Việt Nam.

Có vắc-xin nào tiêm ngay vắc-xin đó, không lựa chọn vắc-xin

Sáng 2/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và tập huấn về tăng cường công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng chống Covid-19 tại điểm cầu Bộ Y tế ở TP.HCM.

Tại cuộc họp khẩn trực tuyến về phòng chống dịch Covid-19 sáng 2/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết vừa ký văn bản yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không giới hạn điểm tiêm, không giới hạn số lượng tiêm trong một buổi, thời gian chờ đợi sau tiêm có thể thay đổi theo quyết định của địa phương. Các tỉnh, thành phố phải lập kế hoạch tiêm nhanh chóng nhất có thể nhưng phải đảm bảo an toàn.

Theo Bộ trưởng Y tế, trong quý III, số lượng vắc-xin về có thể chưa nhiều, nhưng tới quý IV thì dồn dập. Riêng vắc-xin Pfizer sẽ về Việt Nam khoảng 47- 50 triệu liều.

Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ, huy động tổng lực các lực lượng tham gia tiêm chủng.

Ngay cả khi có ít vắc-xin vẫn phải đẩy nhanh tốc độ tiêm để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm cho các đợt tới. Đặc biệt, tại các vùng phong toả càng phải tổ chức tiêm ngay.

“Có vắc-xin nào tiêm ngay vắc-xin đó, không lựa chọn vắc-xin. Tất cả các loại vắc-xin Bộ Y tế cấp phép đều đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép và sử dụng ở các nước”, ông Long nói.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 17,6 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik-V, Sinopharm.

Bộ Y tế đã phân bổ hơn 16 triệu liều vắc-xin theo 16 đợt cho các địa phương, bộ ngành, đơn vị. Tính tới sáng 2/8, cả nước đã có gần 6,5 triệu liều vắc-xin đã được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân. Trong đó có gần 660.000 người đã tiêm đủ 2 mũi.

Nói về công tác phòng chống dịch Covid-19, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, rất khó để đưa ca mắc về bằng 0 do vậy các địa phương cần nghiêm túc quan tâm trong công tác phòng chống dịch để tránh xảy ra tình trạng hoang mang, bị động khi dịch xảy ra trên diện rộng.

Theo người đứng đầu ngành Y tế, khi kiểm tra tại nhiều địa phương cho thấy kkịch bản chuẩn bị đều thấp hơn thực tế, có địa phương chuẩn bị kịch bản cao nhưng cũng chưa tính hết thực tế, chưa chuẩn bị chu đáo cho phòng chống dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thừa nhận, vẫn còn thực trạng một số địa phương chưa phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống dịch.

Hai mũi nhọn chống dịch

Để kiểm soát dịch, theo Bộ trưởng Y tế, cần quan tâm đến hai nội dung là điều trị và xét nghiệm.

Về công tác điều trị, theo Bộ trưởng, hiện nay năng lực ứng phó của các địa phương về điều trị Covid-19 vẫn chủ yếu trông chờ vào cơ sở đang có, nhưng trên thực tế hệ thống điều trị chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bộ Y tế đã phân tầng điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng”, theo đó tầng 1 không nên chọn các cơ sở y tế mà nên chọn các cơ sở cách ly F1 để triển khai thiết lập địa điểm theo dõi sức khoẻ.

Đối với những bệnh nhân không có triệu chứng phân bổ vào điều trị ở tầng này, không cần nhiều nhân lực y tế. Sau điều trị 7 ngày nếu xét nghiệm âm tính, chỉ số tải lượng virus CT > 30 thì cần cho ra viện.

Nếu bệnh nhân có triệu chứng trung bình thì đưa vào điều trị tại cơ sở y tế tuyến quận, huyện - tầng thứ 2 của tháp điều trị. “Tại tuyến điều trị này phải có hệ thống ô- xy và ô- xy trung tâm, nhân viên y tế phải được trang bị máy thở HFNC để sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân khi cần”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Nếu bệnh nhân diễn biến nặng cần đưa ngay lên tầng 3 - tầng điều trị cao nhất. Tại tầng điều trị này, các địa phương phải thiết lập khu vực điều trị hồi sức tích cực.

“Việc phân tầng điều trị rất quan trọng, trong đó có vai trò điều tiết bệnh nhân đến các tầng phù hợp để tránh đưa bệnh nhân chưa nặng lên tầng cao, tránh để bệnh nhân có nguy cơ tử vong ở tầng 1 và tầng 2. Việc điều phối, vận chuyển bệnh nhân, tiếp nhận bệnh nhân phải được thực hiện bài bản", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, quan điểm là đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt, do đó các địa phương phải chuẩn bị cho điều trị để khi dịch xảy ra không bị động, lúng túng. Để chuẩn bị về điều trị hiệu quả, yếu tố nhân lực hết sức quan trọng.

Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch.

“Cả y tế công lập và tư nhân phải cùng đồng hành chống dịch. Ngay bây giờ kể cả các địa phương chưa có dịch cần phải rà soát ngay nhân lực biết sử dụng máy thở, tập huấn lại trên toàn tuyến”, Bộ trưởng yêu cầu.

Một vấn đề được Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại hội nghị là chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng, chống dịch như máy thở, oxy, thuốc men, vật tư tiêu hao.

“Địa phương phải phát huy tối đa “4 tại chỗ”, trung ương chỉ hỗ trợ trong tình huống cần thiết cho các trung tâm hồi sức tích cực của trung ương trên địa bàn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói rõ.

Trong chuẩn bị hậu cần cho điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân Covdid-19 phải chuẩn bị sẵn về oxy và máy thở.

“Đây là 2 yếu tố cần thiết trong điều trị, do đó Bộ Y tế đã phải có vài văn bản đôn đốc vấn đề này. Chúng ta không thiếu oxy nhưng nhiều chỗ không có bồn chứa ô-xy, vận chuyển khó khăn. Vì vậy các cơ sở y tế phải rà soát ngay, lên phương án chuẩn bị ngay”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu.

Trưa 2/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 7 giờ đến 12 giờ ngày 2/8, TP ghi nhận 52 ca mắc mới trong đó, 31 ca tại cộng đồng và 21 ca tại khu cách ly. Trước đó, sáng ngày 2/8 TP ghi nhận 45 ca mắc mới tại các ổ dịch.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 1.344 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 820 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 524 ca.

D.Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục