Đẩy nhanh chương trình tiêm vắc xin, kinh tế sẽ phục hồi trong quý IV

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ nay đến cuối năm, điểm sáng là thế giới phục hồi tương đối tốt, giúp đẩy mạnh xuất khẩu. Trong nước, nếu tiến trình tiêm vắc xin Covid-19 được đẩy nhanh hơn trong quý III, thì đến quý IV sẽ có sự phục hồi.
Đẩy nhanh chương trình tiêm vắc xin, kinh tế sẽ phục hồi trong quý IV

Kỳ vọng kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm phục hồi kinh tế

Tại tọa đàm trực tuyến do Bizlive tổ chức sáng ngày 30/7 với chủ đề: "Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021", TS. Cấn Văn Lực cho rằng, dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, chưa biết đỉnh dịch khi nào sẽ đến. Một kịch bản cơ sở đưa ra có thể trong tháng 8 mới có thể kiểm soát được dịch bệnh.

"Kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm có một số điểm sáng và điểm tối. Mặc dù dịch bệnh phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, chương trình tiêm vắc xin Covid-19 đang được đẩy mạnh triển khai, lạm phát vẫn được kiềm chế tốt so với trước (6 tháng đầu năm tăng 1,64% so với cùng kỳ). Theo đà này, chúng tôi dự báo cả năm nay lạm phát bình quân sẽ ở mức 3%. Về thương mại, xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng tương đối tốt. Xuất khẩu tháng 7 giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng tính 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 26%, nhập khẩu tăng 35%", ông Lực cho hay.

Ông lực dự báo, GDP từ này tới cuối năm có thể tăng trưởng 5,3 - 5,5%, lạm phát được dự báo ở mức đâu đó khoảng 3%, lực cầu còn rất yếu. Do đó, cần phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin Covid-19. Ngoài giãn, hoãn thuế, Chính phủ cần nghiên cứu về gói hỗ trợ mới. Trong lĩnh vực hàng không, cũng cần phải hỗ trợ cho Bamboo hay Vietjet. Ngoài ra, không thể chủ quan với lạm phát, nhưng cùng lúc không nên bóp nghẹt quá.

Với các hiện tượng nóng gần đây liên quan đến bất động sản, chứng khoán, chúng ta cần lưu ý đến bong bóng. Ngoài ra, phải theo dõi sát động thái của quốc tế về các gói nới lỏng định lượng, nâng lãi suất để có phản ứng điều hành kịp thời.

Cũng theo ông Lực, từ nay đến cuối năm, điểm sáng là thế giới phục hồi tương đối tốt, chính vì vậy xuất khẩu của Việt Nam mới tăng trưởng được gần 30% trong 7 tháng. Trong nước, nếu tiến trình tiêm vắc xin Covid-19 được đẩy nhanh hơn trong quý III thì đến quý IV sẽ có sự phục hồi.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực kỳ vọng quý IV kinh tế có thể phục hồi.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực kỳ vọng quý IV kinh tế có thể phục hồi.

Đồng quan điểm, theo TS. Võ Trí Thành, số liệu 7 tháng và riêng tháng 7/2021 đều cho thấy sức khoẻ của doanh nghiệp yếu đi, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp ra nhập và rút đi khỏi thị trường. Muốn thoát “xấu” nhanh thì phải chống dịch tốt.

Ngoài ra, phải có cách thức hỗ trợ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, kiểm soát kinh tế vĩ mô phải gắn với chính sách vĩ mô một cách khéo léo, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa giúp thị trường, doanh nghiệp vượt khó.

Sức chịu đựng của doanh nghiệp với dịch cao hơn

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, con số thống kê thường trễ hơn so với thực tế, nhưng mức ảnh hưởng đến doanh nghiệp, xuất khẩu, sản xuất, lao động chắc chắn sẽ tăng cao hơn trong những tháng còn lại. Số liệu 7 tháng chưa phản ánh hết thực tế, nên những tháng tới cần có giải pháp quyết liệt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.

VCCI nhận thấy, quá nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn, bất lực. Đặc biệt, gần đây nhiều doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Việc tắc nghẽn lưu thông như tắc mạch máu trong cơ thể, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất cũng như lưu thông, xuất khẩu hàng hóa…

Theo ông Tuấn, ngày 29/7, Chính phủ đã có văn bản để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông. Hy vọng điều này sẽ giúp giải tỏa tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Khảo sát của VCCI tiến hành năm ngoái cho thấy, 85 - 87% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, con số này sang năm nay chắc cũng tương đương. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là sức chịu đựng của doanh nghiệp năm nay đã cao hơn.

Ở phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long nêu một thực tế, hiện Công ty đang áp dụng “3 tại chỗ”, tuy nhiên có một số khó khăn do một số khâu có nhân công không thuộc biên chế công ty như khâu bốc vác, vận chuyển…

Ở kênh phân phối, khi đưa hàng về các kho trung chuyển thì có ca dương tính, nên hàng hóa bị kẹt, cũng may công ty đã xây dựng chuỗi 40 cửa hàng nên vẫn hoạt động bình thường. Mỗi ngày Tân Long vẫn đảm bảo đáp ứng từ 2.500 - 3.000 đơn hàng, trong khi Chỉ thị 16 kèm Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM, quy định thắt chặt về quy định giao hàng nên công ty chỉ làm việc đến 4 - 5h chiều, nên cũng gặp khá nhiều khó khăn.

Theo ông Trung, Tân Long đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, không tự tin tăng trưởng 50% như kế hoạch ban đầu, mà chuyển hướng sang xây dựng nội lực, xây dựng các kênh phân phối phục vụ thị trường nội địa. Hiện Tân Long đang có 8 nhà máy quy mô lớn tại Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, ngoài ra còn có các kho trung chuyển ở các tỉnh.

Tiền chảy vào chứng khoán

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích - Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, thống kê của Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, cổ phiếu của nhiều nhóm ngành có tăng trưởng đã chứng kiến sự tăng giá khá mạnh.

Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian tới phụ thuộc khá nhiều vào dòng tiền. Yếu tố tiền rẻ như hiện tại sẽ là động lực hỗ trợ dòng tiền chảy vào chứng khoán. Lãi suất ngân hàng thấp sẽ kích thích dòng tiền đổ vào các kênh sinh lời cao hơn. Với tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán như hiện tại, dòng tiền sẽ đổ vào đầu tư như một kênh sinh lời khả dĩ.

Tổng số tài khoản mở mới 6 tháng đầu năm đến nay lên tới gần 620.000 tài khoản, tăng 58% so với số lượng của cả năm 2020, năm thị trường đã lập kỷ lục lịch sử về số tài khoản cá nhân mới.

Tổng tiền đầu tư của các nhà đầu tư trong nước cũng đã cân hết được lượng tiền rút ra của khối ngoại. Do đó, sự phát triển dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhà đầu tư trong nước và nội lực trong nước nhiều hơn.

Tóm lược về thị trường chứng khoán những tháng sắp tới, TS. Võ Trí Thành cho rằng, có hai điểm quan trọng cần chú ý. Thứ nhất là khả năng chống dịch của Việt Nam và thứ hai là tình hình kinh tế vĩ mô, vì trong một năm qua, thị trường chứng khoán có vẻ thuận chiều hơn với những biến động của kinh tế vĩ mô chứ không thay đổi liên tục như những năm trước.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục