Ủy ban Tư Pháp: Một số vụ oan sai kéo dài, gây dư luận không tốt

0:00 / 0:00
0:00
Còn một số vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, kéo dài nhiều năm, gây dư luận không tốt - Uỷ ban Tư pháp đánh giá về tình hình thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về các báo cáo tư pháp. Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về các báo cáo tư pháp.

Sáng 25/3, sau báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về hai báo cáo trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khái quát: nhìn chung kết quả công táccủa Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp, Toà án nhân dân (TAND) các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu trong các Nghị quyết của Quốc hội,đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện; góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, cơ quan thẩm tra cho biết VKSND các cấp đã kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; kéo giảm tỷ lệ oan, sai trong giai đoạn điều tra.

Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh qua các năm đều đạt 99,9%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội.

Tuy nhiên, vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của VKSND. Số vụ Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà Viện kiểm sát chấp nhận còn khá lớn trong đó có nhiềutrường hợp Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới, phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án này còn chưa đáp ứng yêu cầu - Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Với công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC, theo đánh giá của cơ quan thẩm tra thì đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đã kịp thời xác minh, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp và xâm phạm hoạt động tư pháp phức tạp, được dư luận quan tâm. Thụ lý điều tra tăng 28% về số vụ và 42% về số bị can so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ giải quyết năm sau cao hơn năm trước; chưa phát hiện trường hợp nào điều tra, truy tố oan.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nêu rõ, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và tỷ lệ giải quyết án một số năm còn chưa đạt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội.

Đáng lưu ý, năm 2020, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo giảm mạnh so với năm 2019; tỷ lệ giải quyết án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội.

Bên cạnh đó, số vụ án khởi tố trung bình 50 vụ/1 năm thì dư luận cử tri cho rằng, số lượng các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp đã được phát hiện, khởi tố, điều tra chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Trong thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan thẩm tra đánh giá, VKSNDTC đã quan tâm chỉ đạo việc giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự, cơ bản kịp thời, đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị oan. Trong nhiệm kỳ qua, toàn ngành Kiểm sát đã thụ lý 94 trường hợp yêu cầu bồi thường, đã giải quyết 79 trường hợp, trong đó đã thương lượng thành và ra quyết định giải quyết bồi thường 45 trường hợp.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm và kéo dài qua nhiều năm; mặc dù có nhiều nguyên nhân khách quan do vụ việc phức tạp, xảy ra đã lâu nên việc thu thập tài liệu, xác minh thiệt hại gặp nhiều khó khăn nhưng các vụ việc này vẫn gây dư luận không tốt, nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài - Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục