Ủy ban Thường vụ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị tiến hành phiên họp thứ 11, cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị tiến hành phiên họp thứ 11, với nội dung đầu tiên là cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình những tháng đầu năm 2022.

Theo dự kiến chương trình đã được Chủ tịch Quốc hội quyết định, phiên họp thứ 11 diễn ra từ 11-13/5 và ngày 20/5/2022.

Sáng 11/5, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình kinh tế, xã hội, nội dung được Chính phủ báo cáo tại các phiên khai mạc mỗi kỳ họp Quốc hội.

Báo cáo về nội dung này đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra vào cuối tháng 4/2022.

Một trong những điểm khác biệt của báo cáo năm nay là phần cập nhật tiến độ triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, được thông qua tại kỳ họp bất thường (tháng 1/2022).

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ xác định triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng, quá trình thực thi Nghị quyết 43 đang chậm so với yêu cầu, thời gian tới, cần được thực thi với tinh thần đặc biệt nhanh mới đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi.

Bên cạnh nội dung trên, tại phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia. Gồm dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM và giai đoạn 1 ba dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa -Vũng Tàu.

Một số nội dung khác được đặt lên bàn nghị sự là cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2022, cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội cũng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp này.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét việc dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, việc bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương năm 2022 trong nước phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương.

Chương trình dự kiến còn có việc xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (nếu đủ điều kiện).

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản đối với 3 nội dung: báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Báo cáo kiểm toán việc sử dụng các nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh của Kiểm toán nhà nước; đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục