9 tháng, cổ phần hóa được 1 doanh nghiệp
Theo số liệu cập nhật của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2018, trong số 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, Tổng công ty Vinalines đã thực hiện cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là hơn 18.000 tỷ đồng; trong đó, giá trị vốn nhà nước là hơn 11.000 tỷ đồng.
Tổng công ty Phát điện 3 thuộc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (Genco3) hoàn thành cổ phần hóa năm 2018 và hiện đang thực hiện quyết toán cổ phần hóa.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, mới có thêm một doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV In và phát hành biểu mẫu thống kê do SCIC làm chủ sở hữu hoàn thành cổ phần hóa.
Trong khi đó, VNPT mới dừng ở việc thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo. Với hai tổng công ty phát điện còn lại là Genco 1 và Genco 2, đại diện Ủy ban cho biết, hiện đang lấy ý kiến về thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; đồng thời chờ phê duyệt việc xử lý chi phí cổ phần hóa công ty mẹ Genco1 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Ðối với Genco2, đến nay, Ủy ban đã có quyết định về dự toán chi phí và lựa chọn tư vấn cổ phần hóa tổng công ty, thông qua dự toán chi phí cổ phần hóa, kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và tư vấn lập phương án cổ phần hóa Tổng công ty.
Ðối với các doanh nghiệp còn lại, vừa qua, Ủy ban đã có báo cáo đề nghị điều chỉnh lộ trình cổ phần hóa 6 doanh nghiệp thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2020, đều là các “ông lớn” nhà nước như TKV, Vinafood1, Vinachem, Mobiphone, VNPT, Vinacafe.
Theo đánh giá sơ bộ của Ủy ban, tổng giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này vào khoảng 138.878 tỷ đồng, dự kiến cổ phần hóa thành công sẽ thu về khoảng 48.764 tỷ đồng.
Vướng vì… đất
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất mà Ủy ban cũng như các doanh nghiệp phải đối mặt trong tiến trình thực hiện cổ phần hóa vẫn là câu chuyện sắp xếp lại các cơ sở nhà đất của các doanh nghiệp trước khi thực hiện các bước tiến hành cổ phần hóa theo quy định.
“Do vậy, việc cổ phần hóa đúng tiến độ đối với 6 tập đoàn, tổng công ty sẽ rất khó khăn trong bối cảnh không còn nhiều thời gian để thực hiện”, ông Hoàng Anh cho biết.
Phần lớn các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Ủy ban đều có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tài sản phân bố tại nhiều địa phương, chưa kể đều thuộc diện Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp nên bản thân Ủy ban và các doanh nghiệp đều khó có thể chủ động kiểm soát về tiến độ thực hiện.
Thực tế triển khai việc sắp xếp đất đai tại các tập đoàn, tổng công ty như VNPT và Vinafood 1 đã cho thấy rõ những khó khăn, bất cập này khiến tiến độ cổ phần hóa của các doanh nghiệp bị kéo dài so với thời hạn quy định, trong đó chậm ở tất cả các khâu chính như phê duyệt kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án cổ phần hóa, phê duyệt quyết toán cổ phần hóa…
“Mọi công việc liên quan đến cổ phần hóa chỉ có thể triển khai thực hiện sau khi phương án sử dụng đất được phê duyệt. Doanh nghiệp không thể thực hiện song song việc lập phương án sử dụng đất và xác định giá trị doanh nghiệp, do đó, không thể đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.
Ngay cả các doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn chuyển tiếp giữa Nghị định 126 thay thế cho Nghị định 59 hiện nay cũng đang gặp nhiều vướng mắc khi thực hiện quyết toán cổ phần hóa”, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết.