Sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra.
Theo Ủy ban Kinh tế, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Chính phủ trình Quốc hội đã đề xuất 6 nhóm giải pháp, nguồn lực thực hiện. Đây là các nhóm giải pháp mang tính vĩ mô, đột phá và cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong quá trình tổ chức, thực hiện quy hoạch.
Bên cạnh đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch cũng như nhiều định hướng phát triển lớn.
Riêng định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội đã bao gồm 4 vùng động lực quốc gia, 10 hành lang kinh tế, 2 khu vực lãnh thổ cần bảo tồn và vùng hạn chế phát triển và 03 ngành quan trọng cần phát triển.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến cho rằng, các giải pháp thực hiện chưa cụ thể hoá các định hướng đã đề ra. Do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát, cân đối các giải pháp, nguồn lực thực hiện để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước.
Cụ thể, về giải pháp về huy động vốn đầu tư, với mục tiêu tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch tổng thể Quốc gia dự kiến cần 48,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020 (khoảng 15 triệu tỷ đồng) và đề xuất một số giải pháp cơ bản.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, các giải pháp này đang thực hiện, chưa có giải pháp mới, đột phá. “Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng, làm rõ hơn để bảo đảm tính khả thi cho quy hoạch”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh báo cáo trước Quốc hội.
Theo Báo cáo quy hoạch, với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cần huy động khoảng 9,7 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư. Trong đó, dự kiến vốn đầu tư công thời kỳ 2021-2030 là 6,78 triệu tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025 là 3,05 triệu tỷ đồng, bao gồm 2,87 triệu tỷ đồng vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hơn 176 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giai đoạn 2026-2030 là 3,73 triệu tỷ đồng), vốn của DNNN và nguồn vốn khác thời kỳ 2021-2030 là 2,88 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết định là 2,87 triệu tỷ đồng.
Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc, tính toán kỹ về định hướng khả năng thu ngân sách nhà nước, mức bội chi và nợ công trong giai đoạn tương ứng, từ đó xác định nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển hợp lý và gắn chặt với an ninh tài chính quốc gia.
Cho rằng, báo cáo quy hoạch mới chỉ đưa ra một số yêu cầu sơ lược về nhu cầu tài chính cùng với những giải pháp huy động vốn đầu tư khá chung chung, đồng thời, cần làm rõ hơn nguồn lực cho các mục tiêu phát triển, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung những giải pháp cụ thể hóa nhu cầu tài chính cũng như việc cân đối các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Ủy ban Kinh tế cũng nhận thấy nhu cầu về vốn đầu tư cho xây dựng các công trình thuỷ lợi, đê điều, công trình phòng, chống ngập, úng, giao thông đường sắt… tại Báo cáo quy hoạch là rất lớn, trong khi nguồn lực của đất nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng trên cơ sở kịch bản 2 (kịch bản phấn đấu). Vì vậy, đề nghị nghiên cứu rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý để bảo đảm tính khả thi cho các dự án.
|
Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa V sẽ làm việc từ ngày 5/1 đến ngày 9/1/2023 |
Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế,các giải pháp cơ chế, chính sách vẫn được đánh giá là còn chung chung và chưa có các giải pháp cụ thể, đột phá, quy định cụ thể thời hạn, lộ trình phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ quan trọng. Ví dụ như: thời gian phải hoàn thành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia, huy động đầu tư theo hình thức đối tác công tư....
Do vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, làm rõ hơn. Đồng thời, báo cáo thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung về nội dung chính sách phát triển giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực toàn diện, phát huy và sử dụng nguồn lực có hiệu quả. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn; coi trọng chất lượng giáo dục phổ thông với các chỉ số đánh giá chi tiết và có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của các khu vực miền núi, khó khăn.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung các định hướng về chính sách xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và công tác dân số trong bối cảnh, tình hình mới.