Ủy ban châu Âu: Việc áp trần giá khí đốt sẽ đi kèm với rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (28/9), Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo các nước EU rằng, việc áp trần giá khí đốt có thể phức tạp và gây ra rủi ro cho an ninh năng lượng trong bối cảnh các nước kêu gọi Brussels can thiệp để chế ngự giá nhiên liệu cao.
Ủy ban châu Âu: Việc áp trần giá khí đốt sẽ đi kèm với rủi ro

EC đã chia sẻ một tài liệu với các nước Liên minh châu Âu (EU), trong đó phân tích các kịch bản lựa chọn khác nhau mà EU có thể xem xét để kiềm chế giá khí đốt cao, sau khi 15 trong số 27 nước thành viên của khối trong tuần này thúc giục EU đề xuất áp trần giá khí đốt.

Hiện tại, đang có lo ngại rằng Tổng thống Vladimir Putin (Nga) có thể đóng cửa hoàn toàn việc vận chuyển khí đốt đến châu Âu để trả đũa việc EU áp đặt giá trần lên khí đốt tự nhiên của Nga.

"Liệu có bất kỳ quyết định chính trị nào mâu thuẫn với các hợp đồng không? Đúng vậy, chúng tôi sẽ không thực hiện chúng. Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì nếu nó mâu thuẫn với lợi ích của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, than đá, dầu sưởi ấm - chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì", Tổng thống Putin cho biết.

Theo Reuters, tài liệu của EC cho biết kịch bản xảy ra nếu áp giá trần. Cụ thể, mức trần giá bán buôn cho các giao dịch trao đổi - bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng và nguồn khí đốt cung cấp qua đường ống - có thể làm gián đoạn dòng chảy nhiên liệu giữa các nước EU.

EC cho biết, đó là do các yếu tố về giá sẽ không còn giúp thúc đẩy dòng chảy khí đốt đến các khu vực có nhu cầu cao hoặc nguồn cung khan hiếm. Việc áp trần giá như vậy chỉ có thể hoạt động nếu một thực thể mới được thành lập để phân bổ và vận chuyển nguồn cung cấp nhiên liệu khan hiếm giữa các quốc gia trong khối.

Ủy ban cho biết, EU cũng sẽ cần "nguồn lực tài chính đáng kể" để đảm bảo các nước có thể tiếp tục thu hút nguồn cung khí đốt từ các thị trường toàn cầu, trong bối cảnh những người mua khác có thể sẵn sàng trả giá cao hơn mức trần giá của EU.

Giới hạn giá khí bán buôn ở quy mô lớn sẽ gây ra "rủi ro gây gián đoạn nguồn cung" từ các nhà cung cấp nước ngoài lớn hơn so với giới hạn chỉ đối với việc vận chuyển khí đốt theo đường ống.

EC đã phân tích các lựa chọn khác để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, nhưng trong đó vẫn có bao gồm áp trần giá khí đốt.

Tài liệu cho biết, EU có thể áp trần giá nhập khẩu khí đốt của Nga hoặc áp trần giá khí đốt được sử dụng để sản xuất điện như một cách để chế ngự giá điện cao.

EC khuyến nghị EU đàm phán với các nhà cung cấp "đáng tin cậy" để giảm giá và cho biết, việc mua khí đốt chung cũng có thể giúp các nước chia sẻ công bằng nguồn cung cấp thêm.

Các nước EU cũng bất đồng về việc liệu mức trần giá khí đốt có giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung và tăng giá năng lượng do Nga cắt giảm nguồn cung cấp cho châu Âu hay không.

Hôm 27/9, Pháp, Ý, Ba Lan và 12 quốc gia khác đã thúc giục Brussels đề xuất mức trần giá khí đốt bán buôn để giúp kiềm chế lạm phát gia tăng. Trong khi Đức, Hà Lan và Đan Mạch nằm trong số những nước phản đối.

Các cuộc thảo luận về áp trần giá khí đốt có thể sẽ tiếp tục diễn ra tại cuộc họp ngày thứ Sáu (30/9) của các bộ trưởng năng lượng EU, trong đó cũng bao gồm thuế đối với các công ty năng lượng.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục