Theo đó, vào giữa tuần, Nhật Bản đưa ra số liệu lạm phát lõi tăng tốc trong tháng 8. Sản lượng công nghiệp bao gồm các lĩnh vực ôtô, phụ tùng và linh kiện điện tử tăng mạnh hơn kỳ vọng và nhu cầu lao động duy trì ở mức cao nhất kể từ khi nước Nhật rơi vào tình trạng giảm phát kể từ năm 1990.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8 của quốc gia này, bao gồm các sản phẩm dầu mỏ và loại trừ thực phẩm tươi, tăng 0,7% so với tháng trước, tương đương dự báo của các chuyên gia. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản đã tăng gần 6% kể từ đầu tháng 9 và neo ở mức cao nhất 2 năm.
Với chương trình kích thích kinh tế Abenomics với 3 mũi tên, nới lỏng tiền tệ, chi tiêu công và cải cách hệ thống tài chính, thị trường cổ phiếu đang là chỉ báo tích cực của nền kinh tế Nhật.
Trong khi đó, thị trường Mỹ cũng có một tuần giao dịch lạc quan sau khi Đảng Cộng hòa đưa ra chương trình cải cách thuế. Kế hoạch khung bao gồm đưa thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% về 20% và thuế thu nhập cá nhân của nhóm có thu nhập cao từ 39,6% về 35%.
Chỉ số chứng khoán S&P 500 tăng lên mức cao nhất trong lịch sử và đạt lợi suất nắm giữ 11,2% kể từ đầu năm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 12,6% và Nasdaq tăng 18,8%.
Ở khu vực châu Âu, các thị trường lớn như Đức và Pháp tiếp diễn đà tăng của tuần trước và tiệm cận mức cao nhất kể từ đầu năm. Chiến thắng của bà Angela Merkel ở vị trí thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp là một trong những nguyên nhân khiến giới đầu tư tin vào sự ổn định trong chính sách điều hành của các quốc gia lớn trong liên minh châu Âu. Đồng Euro sụt giảm nhẹ so với USD sau khi đã tăng giá liên tiếp từ mức 1,05 USD đổi 1 Euro lên mức 1,2 USD đổi 1 Euro kể từ đầu năm.
Diễn biến tích cực của các thị trường phát triển cũng thể hiện trên giao dịch mạnh của các quỹ đầu tư vào nhóm thị trường này. Chứng chỉ quỹ iShares MSCI EAFE đạt lợi suất đầu tư 16% kể từ đầu năm và đang thu hẹp khoảng cách so với nhóm thị trường mới nổi.
Tuần qua, các nhóm ngành xây dựng nhà ở, vật liệu cơ bản, tài chính, công nghiệp và công nghệ tiếp tục thể hiện xu hướng tích cực và thắng được thị trường kể từ đầu năm. Cổ phiếu năng lượng phục hồi mạnh 8% theo giá dầu Brent sau khi mất giá hơn 22% kể từ đầu năm.
Chỉ số giá hàng hóa GSCI tuần qua đi lên do dầu mỏ chiếm trọng số 25% trong rổ hàng hóa, các loại hàng hóa công nghiệp như đồng, nhôm và niken tiếp tục xu hướng tăng trong khi giá kim loại quý điều chỉnh mạnh.
Căng thằng địa chính trị và sự mạnh lên của đồng USD là trở ngại khiến giá vàng không thể duy trì được sự lạc quan trong ngắn hạn. Báo cáo COT của Ủy ban Giao dịch tương lai các loại hàng hóa của Mỹ cho thấy, các vị thế đầu cơ nhiều quá mức so với các vị thế thương mại, điều này có nghĩa là nhu cầu thực tế không lớn như đầu cơ và khiến cho vàng khó duy trì xu hướng tăng ổn định.
Tại nội địa, thị trường cổ phiếu Việt Nam tuần qua tiếp tục điều chỉnh nhẹ sau một giai đoạn tăng giá liên tục. Các nhóm ngành vận tải, càng biển, bất động sản, cao su, thép, thủy sản và sữa thể hiện tốt trong khi cổ phiếu đường, khoáng sản, dệt may và ngân hàng nằm giao dịch yếu.
Cổ phiếu bất động sản, ngân hàng và xây dựng là ưu tiên của chúng tôi khi thị trường chung giao dịch bi quan bởi đây là các nhóm ngành gắn liền với tăng trưởng và là lựa chọn tốt của chiến lược nắm giữ.