Chính phủ cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Chia sẻ tại Hội nghị “Triển vọng và giải pháp thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu và các xu hướng mới” vừa được tổ chức tại TP. HCM, đại diện Deloite cho biết, những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu đều quan tâm chính sách ưu đãi thuế của Nhà nước có đi ngược với cam kết của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) không và mong muốn các chính sách có sự đồng thuận với nhau.
Về bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, theo ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các công ty đa quốc gia đáp ứng ngưỡng doanh thu hợp nhất đạt tối thiểu 750 triệu EUR căn cứ theo báo cáo tài chính của Tập đoàn theo từng quốc gia tính ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm xem xét.
Về các giải pháp thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, theo ông Sử, các biện pháp như trợ cấp bằng tiền mặt và các khoản thuế hoàn lại đủ tiêu chuẩn sẽ không bị ảnh hưởng bởi các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.
Việt Nam sẽ xem xét áp dụng quy tắc Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn vì sẽ cho phép quốc gia được quyền ưu tiên thu thuế bổ sung đối với các khoản đang chịu mức thuế suất thấp hơn 15% trước khi khoản thu nhập này phải nộp bổ sung tại quốc gia khác. Việt Nam cũng đang rà soát về khả năng xung đột pháp lý với các điều khoản về bảo đảm đầu tư theo Luật đầu tư hiện hành.
Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng chia sẻ thêm thông tin theo hướng dẫn của OECD, trợ cấp doanh nghiệp được coi là không phù hợp nếu vi phạm 1 trong 4 yếu tố, đó là đối tượng hỗ trợ không có lợi cho tất cả các doanh nghiệp; chỉ có lợi cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu; việc hưởng trợ cấp là do thực hiện việc đóng thuế tối thiểu toàn cầu; và các chính sách hưởng lợi được ban hành sau khi có quy tắc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), việc ban hành các biện pháp hỗ trợ về thuế hay tài chính chỉ là một trong những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp.
"Quan trọng nhất vẫn là khuôn khổ pháp luật, thủ tục hành chính, chúng ta có rất nhiều rủi ro trong lĩnh vực này. Các nhà đầu tư cần nhất là sự ổn định bình an trong kinh doanh", Chủ tịch VIAC nhấn mạnh và đặt ra các vấn đề bức thiết cần quan tâm thực hiện để duy trì chất lượng của môi trường đầu tư, thu hút được các dòng vốn đầu tư chất lượng cao như cơ chế cải thiện môi trường đầu tư, cơ chế, hướng dẫn về kiểm soát khả năng khiếu nại, xử lý tranh chấp, bảo đảm quyền lợi cho người đầu tư…
Chia sẻ tại hội thảo ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, Việt Nam đang có những lợi thế như ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động có mạng sản xuất phát triển; đất nước ổn định; dân số khá trẻ (60% < 35 tuổi) và chi phí lao động tương đối cạnh tranh... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề chi phí nhân công tăng, “thời kỳ dân số vàng” không dài, lao động kỹ năng thiếu hụt.
Theo ông Thành, để thu hút đầu tư thì ngoài các ưu đãi về thuế, Việt Nam cần cải thiện chung (mặt bằng sản xuất kinh doanh; nhân lực; thể chế và hạ tầng); Môi trường đảm bảo đầu vào và sản xuất kinh doanh xanh; Môi trường số thuận; Thu hút nhân lực chất lượng cao cùng môi trường sống; chất lượng; Hỗ trợ thích hợp khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu; Hợp đồng và xử lý tranh chấp...
“Chiến lược mới trong thu hút FDI của Việt Nam là phải từ tối đa hóa số lượng sang tối ưu hóa chất lượng (kết nối trước - sau, lan tỏa công nghệ và kỹ năng và phát triển bền vững”, ông Thành nói.