Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đang giao dịch ở mức 103,2 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 16/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.918 VND/USD, tăng 37 đồng so với phiên trước. Như vậy sau 3 phiên liên tiếp, tỷ giá trung tâm đã tăng 81 đồng.
Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.723 - 25.113 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 23.815 VND/USD (mua vào) và 24.155 đồng/USD (bán ra).
Trong khi đó, giá vàng trong nước đã có những điều chỉnh nhất định trong bối cảnh thị trường quốc tế gặp nhiều khó khăn và tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng. Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,9 - 67,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán ra. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng.
Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới vào khoảng hơn 12 triệu đồng/lượng.
Mặc dù thị trường vàng vẫn đang được giao dịch ở mức thấp nhất trong vòng 5 tháng, nhưng đà rơi đã tạm thời được "hãm" lại nhờ sự sụt giảm của đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ trong phiên giao dịch ngày hôm nay.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,14% lên 1.904,34 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York giảm 0,02% xuống 1.934,9 USD/ounce.
Edward Moya, chuyên gia cao cấp phân tích thị trường châu Mỹ tại OANDA nhận định, mức 1.900 USD/ounce là mốc giá quan trọng đối với những nhà đầu tư tập trung vào vàng. Về mặt kỹ thuật, có thể thấy một số vùng hỗ trợ quan trọng của vàng xung quanh mốc giá này. Ngoài ra, dữ liệu doanh số bán lẻ tích cực mới được công bố cho thấy sức khỏe của nền kinh tế Mỹ vẫn chưa bị suy yếu. Điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc về triển vọng tăng lãi suất cao hơn.
Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo doanh số bán lẻ trong tháng 7 tăng 0,7% so với tháng 6, cao hơn dự báo của các chuyên gia.
Doanh số bán hàng cốt lõi của Mỹ, loại bỏ doanh số bán xe, đã tăng 1% trong tháng trước, vượt xa kỳ vọng của thị trường là 0,4%. Nhóm chỉ số chính của báo cáo, loại bỏ ô tô, khí đốt, vật liệu xây dựng và dịch vụ ăn uống, cũng vượt trên kỳ vọng của thị trường, tăng 1%, cao hơn so với mức tăng 0,2% như dự đoán trước đó.
Điều này cho thấy, nhu cầu của người dân vẫn ổn định bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát, nhờ tiền lương tăng mạnh từ việc thị trường lao động được thắt chặt
Trước bộ dữ liệu trên, các chuyên gia kinh tế tại Capital Economics cho rằng, khả năng phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ không phải là vấn đề đối với Fed, miễn là lạm phát tiếp tục có xu hướng giảm.
Ở một diễn biến khác, Fitch Ratings cảnh báo rằng hàng chục ngân hàng Mỹ đang có nguy cơ bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Mặc dù, Fitch Ratings đã hạ đánh giá sức khoẻ của ngành ngân hàng Mỹ vào tháng 6 nhưng động thái này hầu như không được chú ý vì Fitch không hạ xếp hạng của các nhà băng. Tuy nhiên, một đợt hạ đánh giá khác từ AA- xuống A+ sẽ buộc Fitch phải điều chỉnh lại xếp hạng của hơn 70 ngân hàng Mỹ mà tổ chức này theo dõi. Có thể thấy, Fitch muốn báo hiệu cho thị trường tài chính rằng việc hạ xếp hạng của một số ngân hàng là một rủi ro thực sự.
Nếu Fitch tiếp tục hạ đánh giá toàn ngành xuống A+, xếp hạng của hai nhà băng lớn nhất tại Mỹ theo tổng tài sản là JPMorgan và Bank of America sẽ bị cắt giảm từ AA- xuống A+.
Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới đang có những diễn biến trái chiều đáng chú ý. Nếu như Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa thông báo giảm lãi suất lần thứ hai trong 3 tháng, nhằm tăng tốc đà phục hồi kinh tế thì Ngân hàng Trung ương Nga vừa nâng lãi suất mạnh tay trong cuộc họp được tổ chức khẩn cấp sau khi đồng ruble lao dốc.