Tỷ giá không còn “nguy hiểm”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng những dự đoán về hạ lãi suất chính sách, tuần qua xuất hiện tin đồn sẽ hạ dự trữ bắt buộc. Không phải bỗng dưng có tin đồn, nhưng tin đồn chỉ là tin đồn.
Tỷ giá có nhịp tăng vọt trên thị trường liên ngân hàng vào đầu tháng 7 và đầu tháng 8 năm nay Tỷ giá có nhịp tăng vọt trên thị trường liên ngân hàng vào đầu tháng 7 và đầu tháng 8 năm nay

Chênh lệch lãi suất gây sức ép

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam là lãi suất cho vay ở mức cao, bất chấp nỗ lực giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua.

“Lãi suất thực hiện nay ở mức 10%/năm là quá cao, nhưng nguyên do bởi nhà điều hành lo ngại biến động tỷ giá hối đoái”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét.

Thực tế, những ngày đầu đầu tháng 7/2023, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng hơn 200 điểm, lên quanh mức 23.800. Sau đó, tỷ giá hạ nhiệt, dao động giằng co trong biên độ 23.600 - 23.700 cho đến cuối tháng.

Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, tỷ giá “nổi sóng” trong những phiên đầu tháng 7 bắt nguồn chủ yếu từ đà tăng tỷ giá USD/CNY trên thị trường quốc tế, với tỷ lệ tăng khoảng 5% trong vòng 2 tháng, lên mức 7,25. Đồng thời, nhu cầu ngoại tệ kỳ hạn nhằm bảo hiểm rủi ro gia tăng trong bối cảnh chi phí giao dịch hoán đổi (swap) ở mức rất thấp.

“Ngoài ra, tâm lý thị trường chịu ảnh hưởng nhất định khi tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh trong giai đoạn này. Tuy nhiên, đà tăng của tỷ giá nhanh chóng hạ nhiệt sau đó, khi cân đối cung - cầu ngoại tệ trong nước có xu hướng dồi dào hơn”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 7 đạt thặng dư 2,15 tỷ USD - mức cao nhất trong nhiều năm gần đây và củng cố cho xu hướng thặng dư kể từ đầu năm 2023, lên mức kỷ lục 15 tỷ USD. Giải ngân FDI cũng có xu hướng hồi phục mạnh mẽ, đạt 1,72 tỷ USD trong tháng 7, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022 - mức tăng lớn nhất kể từ đầu năm.

Một yếu tố thuận lợi nữa là trên thị trường quốc tế, đồng USD biến động nhẹ, chỉ số USD Index (DXY) dao động phổ biến trong khoảng 99 - 102, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,25% vào ngày 26/7/2023, không nằm ngoài dự báo của thị trường.

Vị lãnh đạo BIDV đánh giá: “Nhìn chung, tỷ giá USD/VND duy trì xu hướng ổn định kể từ đầu năm. Đây là điều kiện quan trọng để cơ quan quản lý thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp”.

Vậy nhưng, áp lực tỷ giá tiếp tục xuất hiện vào đầu tháng 8. Ngày 3/8/2023, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giao dịch ở mức 23.761, tăng gần 0,8% so với cuối tháng 6. Tính từ đầu năm 2023, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng khoảng 0,5%, còn tỷ giá trên thị trường tăng 1%.

Cẩn trọng cuối năm 2023

Có nhiều yếu tố giúp tỷ giá USD/VND khó có thể “sốt” trở lại trong những tháng cuối năm 2023.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, trong những tháng cuối năm 2023 có thể xuất hiện những yếu tố gây sức ép lên tỷ giá. Cụ thể, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD thu hẹp thêm do lãi suất điều hành của Fed có khả năng duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi Ngân hàng Nhà nước định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Đồng thời, lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023.

“Tuy vậy, tỷ giá USD/VND sẽ được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại duy trì mức cao. Bên cạnh đó, FDI và kiều hối ổn định. Ngoài ra, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ và Việt Nam là quốc gia hiện duy trì lãi suất thực cao. Tôi cho rằng, tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, nhưng không quá +/- 2% so với đầu năm”, ông Hinh nói.

Đồng quan điểm, vị lãnh đạo BIDV kỳ vọng, sự ổn định của tỷ giá USD/VND liên ngân hàng sẽ được duy trì ngay trong tháng 8, với biên độ dao động khoảng 0,5% khi môi trường quốc tế duy trì tình trạng “giằng co”. Cụ thể, lạm phát tại Mỹ giảm dần, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu, trong khi thị trường lao động khá vững vàng, khiến Fed có thể duy trì mặt bằng lãi suất cơ bản ở mức cao và xác suất xảy ra kịch bản kinh tế Mỹ hạ cánh mềm trở nên lớn hơn.

“Tại Trung Quốc, phiên họp của Bộ Chính trị cho thấy cam kết của cơ quan quản lý nhằm bình ổn đồng Nhân dân tệ có thể là yếu tố hạn chế đà giảm của đồng tiền này. Theo đó, nếu không có những cú sốc bất ngờ, chỉ số DXY dự kiến dao động chủ đạo trong khoảng 100 - 103 và tỷ giá USD/CNY dao động dưới ngưỡng 7,2”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cân đối cung - cầu ngoại tệ trong nước là điểm tựa lớn cho tỷ giá trong giai đoạn vừa qua và diễn biến trong tháng 8 có thể không phải là ngoại lệ. Số liệu lịch sử cho thấy, tháng 8 là giai đoạn cao điểm của xuất siêu, với mức thặng dư cán cân thương mại dự báo đạt 2,5 - 3,0 tỷ USD trong năm nay, khi xuất khẩu có thể cải thiện nhờ việc Samsung ra mắt dòng sản phẩm mới.

“Ngoài ra, kỳ vọng giao dịch bán vốn của VPBank cho đối tác nước ngoài cũng sẽ sớm được thực hiện trong thời gian tới để cải thiện nguồn cung ngoại tệ trên thị trường (ước tính khoảng 1,3 - 1,5 tỷ USD)”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Một yếu tố khác được vị lãnh đạo BIDV nhấn mạnh là tình trạng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ không còn phổ biến khi các chủ thể đã phần nào rút ra bài học sau những biến động của tỷ giá vào năm ngoái. Niềm tin của thị trường ngày càng được củng cố với những biện pháp điều hành chủ động, linh hoạt nhằm ổn định giá trị tiền đồng của cơ quan quản lý.

Xung quanh vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu 3 yếu tố giúp tỷ giá USD/VND khó có thể “sốt” trở lại để Ngân hàng Nhà nước có thể thêm dư địa giảm lãi suất điều hành.

Một là, chỉ số DXY đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái xuống 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. Chỉ số khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay.

Hai là, giá hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng, nhất là giá nhiên liệu, gây áp lực lên tỷ giá, song Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp như giảm thuế, phí đối với xăng dầu.

Ba là, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương.

“Đây là các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nguy hiểm, Ngân hàng Nhà nước có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Dự đoán, tỷ giá năm 2023 - 2024 sẽ duy trì ổn định. Với một quốc gia mở cửa như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Quay trở lại với câu chuyện tin đồn, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Theo Thông tư 14/2018/TT-NHNN ban hành ngày 29/5/2018 về việc hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, 6 tháng 1 lần sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam thấp hơn so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng trong từng thời kỳ theo tiêu chí quy định. Theo đó, tổ chức tín dụng xác định tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn bình quân theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư này. Trường hợp đáp ứng tiêu chí áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo quy định, tổ chức tín dụng gửi văn bản đề nghị áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục