Nhiều “ông lớn” kinh doanh tích cực
Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp lớn tại UPCoM đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2017, trong đó ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Chẳng hạn, ACV ghi nhận lãi ròng hơn 1.320 tỷ đồng trong quý II/2017 và 2.076 tỷ đồng trong nửa đầu năm khi công còn chịu lỗ tỷ giá như các quý trước. GEX và SWC lãi đột biến so với cùng kỳ năm trước nhờ khoản thu lớn từ hoạt động thoái vốn.
6 tháng, SWC lãi ròng 450,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi hơn 42 tỷ đồng. GEX đạt 805,5 tỷ đồng lãi sau thuế sau 2 quý đầu năm nay, tăng 162% cùng kỳ năm trước và hoàn thành 77% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
6 tháng đầu năm 2017, QNS báo lãi sau thuế gần 526 tỷ đồng, tuy giảm 10% so với cùng kỳ 2016, song đã vượt 185% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm sau 6 tháng. Một số doanh nghiệp lớn khác như FOX, TVN... lợi nhuận đều tăng trưởng.
Với khối ngân hàng, kết thúc 6 tháng đầu năm nay, KLB ghi nhận lãi trước thuế 137 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ năm trước và hoàn thành 54,8% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. VIB đạt 380 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 24% cùng kỳ và đạt 51% kế hoạch năm.
Ở nhóm cổ phiếu thanh khoản, NTC và DRI có kết quả tăng trưởng vượt bậc. Quý II/2017, nhờ tiếp tục ghi nhận doanh thu cao từ hợp đồng thuê đất mới và tiền lãi gửi ngân hàng, NTC lãi sau thuế 55,7 tỷ đồng, gấp 3 lần quý II/2016.
Lũy kế 6 tháng, NTC đạt 74,7 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 130% cùng kỳ và vượt 37% kế hoạch năm 2017. “Tân binh” DRI ghi nhận lợi nhuận sau thuế 82,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 40,2 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, bên cạnh những, cũng có không ít “đại gia” có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm không nhiều khả quan. Đơn cử, HVN chỉ lãi sau thuế 823 tỷ đồng trong 6 tháng 2017, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ 2016 do hụt các khoản thu tài chính và thu nhập khác, dù doanh thu thuần tăng trưởng.
Với VOC, sau khi bán đi Dầu Tường An vào cuối năm ngoái, lợi nhuận 6 tháng cũng giảm 40% so với cùng kỳ. Tương tự, lãi hợp nhất sau thuế 6 tháng của MCH cũng giảm 33,5% cùng kỳ, đạt 711,7 tỷ đồng…
Hiện tại, UPCoM vẫn đang chờ đợi kết quả kinh doanh của những cái tên đáng chú ý khác như SSN, DVN, SDI... Đặc biệt, cổ phiếu DVN sau chuỗi ngày tăng kịch trần khi lên sàn, hiện đang lao dốc mạnh. Liệu kết quả quý II có tạo sức bật cho cổ phiếu có thanh khoản hàng đầu UPCoM này?
Điểm mặt hàng mới
Tháng 8, UPCoM chào đón cổ phiếu thứ 600 lên giao dịch trên sàn này. Cụ thể, ngày 2/8 vừa qua, cổ phiếu ART của CTCK Artex chính thức chào sàn UPCoM. Thành lập từ 2008, Artex (tên gọi trước là CTCK FLC) có quy mô khiêm tốn và hoạt động không mấy nổi bật. Nhưng gần đây, ART gây chú ý khi xuất hiện trong Top 10 CTCK có thị phần môi giới cao nhất trên HOSE.
3 năm gần nhất, ART đều kinh doanh có lãi (lần lượt đạt 24,2 tỷ đồng; 24,7 tỷ đồng và 5,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, do gánh khoản lỗ từ giai đoạn trước, nên tính đến cuối năm 2016, ART vẫn còn lỗ lũy kế 269 triệu đồng. 6 tháng đầu năm nay, ART bứt hẳn lên khi đạt 70,4 tỷ đồng doanh thu và 46 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Giá trị sổ sách cổ phiếu ART ghi nhận đến cuối 2016 là 10.060 đồng/CP, nhưng ART xác định mức giá chào sàn chỉ 5.000 đồng/CP.
Cũng sắp lên UPCoM là CTCP Mai Linh miền Bắc (MLN), công ty con của Tập đoàn Mai Linh. MLN hiện chưa ấn định ngày lên sàn, nhưng đã nhận được văn bản chấp thuận từ HNX.
MLN có vốn điều lệ hơn 486,2 tỷ đồng (Tập đoàn Mai Linh nắm 47,18% vốn). Hai năm 2015 và 2016, MLN đều ghi nhận doanh thu hoạt động trên 1.000 tỷ đồng, song vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh chính do chi phí quá cao. MLN báo lãi ròng 25,3 tỷ đồng và 29,6 tỷ đồng trong hai năm này chủ yếu nhờ khoản thu nhập khác. Quý I/2017, MLN đạt 299 tỷ đồng doanh thu và 6,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giá trị sổ sách cổ phiếu tại thời điểm này là 11.834 đồng/CP.
Một số cái tên đáng chú ý cũng chuẩn bị là “tân binh” của UPCoM như CTCP Du lịch Dịch vụ Hà Nội (TSJ) với quy mô vốn điều lệ khá lớn gần 750 tỷ đồng; CTCP Xuất nhập khẩu y tế TP.HCM (YTC) có quy mô vốn nhỏ, song kinh doanh tương đối hiệu quả, với tỷ suất ROE đạt lần lượt 22,2% và 21% trong 2 năm gần nhất, mức cổ tức chi trả đạt trên 20% từ 2014 đến nay.