Vẫn lúng túng việc thoái vốn, tái cấu trúc
Hội nghị phổ biến một số chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK theo Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ, do UBCK phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) tổ chức ngày 9/10 với 500 người tham dự. Sức nóng của chủ đề Hội nghị đã thu hút sự quan tâm lớn của không chỉ cơ quan quản lý, mà còn của đông đảo đại diện các DN, thành viên thị trường.
Hàng loạt câu hỏi thẳng thắn đã được DN nêu ra với mong muốn cơ quan quản lý có giải pháp tháo gỡ sớm, nhằm thực hiện có hiệu quả các giải pháp đột phá được quy định tại Quyết định 51/2014.
Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC nêu kiến nghị: Bộ Tài chính cần hướng dẫn cụ thể hơn cho SCIC trong quá trình xây dựng quy chế tham gia mua cổ phần lần đầu của các DN CPH và mua lại phần vốn đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho SCIC trong việc tiếp cận mua lại phần vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại các ngân hàng thương mại sớm, chứ không phải đợi sau khi NHNN không tiếp nhận phần vốn này, hoặc các ngân hàng thương mại từ chối mua, SCIC mới tham gia...
Đại diện NHNN cho biết, sẽ xem xét đề xuất của SCIC, nhằm phát huy đa dạng các nguồn lực trong quá trình mua lại phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư tại các ngân hàng thương mại, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.
Ông Lai cũng đề nghị Chính phủ xem xét về vai trò của SCIC tham gia tái cơ cấu DNNN, trong đó có những trường hợp DN chưa có điều kiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngay, thay vì SCIC sử dụng vốn của mình để mua cổ phần, thì nên giao cho SCIC đứng ra nhận phần vốn Nhà nước tại DN theo phương án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để chuyển DN sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Sau đó SCIC tiến hành thoái vốn Nhà nước tại DN theo quy định. Cũng cần xác định rõ vai trò của SCIC trong tham gia mua cổ phần lần đầu tại các DN CPH là quy định bắt buộc hay tùy nghi.
Trong trường hợp tùy nghi, cần xác định rõ các tiêu chí, để xác định đối tượng DN mà SCIC sẽ tham gia vào Ban chỉ đạo CPH hoặc mua cổ phần lần đầu, để tập trung nguồn lực, đồng thời xác định rõ tỷ lệ tham gia của SCIC khi mua cổ phần, đảm bảo phù hợp với tỷ lệ sở hữu tối đa của Nhà nước tại DN sau khi CPH.
Các DN khác đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chế tài xử phạt đối với DN nếu không tuân thủ thời hạn đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK như quy định tại Quyết định 51/2014, cũng như việc thoái vốn ra sao khi giá trị phần vốn góp tại các DN là giá trị thương hiệu, chứ không phải bằng “tiền tươi”…?
Vừa gỡ, vừa buộc dN lên sàn
Bên cạnh những giải đáp mang tính giải thích những quy định đã có, đại diện cơ quan quản lý còn ghi nhận những kiến nghị, đề xuất mới của các DN, để có hướng tháo gỡ sớm, nhằm thúc đẩy CPH, gắn hoạt động IPO chặt hơn với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK.
Giải đáp câu hỏi DN có vốn dưới 10 tỷ đồng, hiện không đáp ứng các yêu cầu về đăng ký giao dịch trên UPCoM, nhưng theo Quyết định 51/2014 vẫn phải đăng ký giao dịch, DN phải ứng xử ra sao, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK cho biết, UBCK sẽ phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính xây dựng hướng dẫn trong thời gian tới.
Liên quan đến câu hỏi, nếu DN vi phạm thời hạn về đăng ký giao dịch trên UPCoM, hoặc niêm yết như quy định tại Quyết định 51/2014, có chế tài nào xử phạt? Ông Hải cho hay, ngay tại văn bản này đã quy trách nhiệm rõ ràng cho đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước nếu vi phạm thời gian đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK. Sau khi Quyết định 51/2014 có hiệu lực (ngày 1/11 tới), Bộ Tài chính, UBCK sẽ có hướng dẫn về chế tài xử lý các trường hợp vi phạm.
“Để gia tăng sức hấp dẫn cho các phương án CPH, qua đó thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, Cục Tài chính doanh nghiệp, UBCK đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế giải quyết các bất cập hiện tại, để gắn CPH chặt hơn với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK…”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nói.
“Sẽ kiến nghị miễn đăng ký với UBCK khi DNNN bán cổ phần ra công chúng”
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK
“Liên quan đến việc thoái vốn, CPH DNNN, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp còn có những vướng mắc mà vướng mắc lớn nhất là việc đấu giá hoặc việc chào bán ra công chúng. Doanh nghiệp thực hiện chào bán ra công chúng thì phải đăng ký UBCK. Tuy nhiên, các thủ tục đăng ký đôi khi làm chậm quá trình CPH. Nếu miễn đăng ký với UBCK thì mới chỉ tháo gỡ được vấn đề doanh nghiệp thua lỗ vẫn được chào bán ra công chúng, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến việc chào bán ra công chúng. Kể cả những doanh nghiệp không đủ vốn 10 tỷ đồng mà muốn chào bán ra công chúng thì cũng có những vướng mắc. Chúng tôi dự kiến phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp trình Chính phủ ban hành quyết định tiếp tục miễn việc đăng ký với UBCK để làm sao tháo gỡ việc này.
Chúng tôi cũng thấy, khi đăng ký với UBCK, doanh nghiêp còn vướng vấn đề kiểm toán chấp thuận. Nếu doanh nghiệp không phải đăng ký với UBCK thì sẽ tạo ra bước đột phá để thúc đẩy việc này nhanh hơn và cũng thúc đẩy một loạt vấn đề vướng mắc mà các tổ chức tư vấn nêu trong thời gian vừa qua.
“HNX đã sẵn sàng đáp ứng cho làn sóng DN lên sàn UPCoM”
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HNX
Nhiều ý kiến băn khoăn khi Quyết định 51/2014 có hiệu lực sẽ xuất hiện làn sóng DN lên UPCoM, thì hệ thống công nghệ, nhân sự của HNX có đáp ứng được sự gia tăng đột biến này.
Chúng tôi khẳng định, với hệ thống công nghệ hiện đại được nâng cấp thành công từ năm ngoái, cùng đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm vận hành sàn UPCoM từ năm 2009 đến nay, HNX đã sẵn sàng đáp ứng cho làn sóng DN lên đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Nhiều DN có ý kiến không muốn đăng ký giao dịch trên UPCoM, mà sau khi IPO nếu đủ điều kiện, sẽ niêm yết thẳng lên HNX hoặc HOSE.
Điều này là khó khả thi, vì theo quy định tại Quyết định 51/2014, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, DN CPH phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại VSD và đăng ký giao dịch trên UPCoM, nên nếu bỏ qua công đoạn đăng ký giao dịch trên UPCoM mà lên thẳng niêm yết, thì khoảng thời gian này quá eo hẹp.
Lý do là bởi, sau CPH, các DN còn phải hoàn tất nhiều thủ tục: đăng ký DN, ĐHCĐ… Đó là chưa kể một loạt điều kiện về thời hạn hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tỷ lệ cổ phần bán ra đại chúng…, mà các DN sau CPH phải đáp ứng mới thỏa mãn tiêu chí niêm yết.
Hơn nữa, nếu DN không đăng ký giao dịch trên UPCoM là trái với quy định của Quyết định 51/2014, nên nếu muốn lên thẳng niêm yết, DN phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Đổi mới, Sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, năm 2011 có 54 DN được sắp xếp, trong đó CPH 12 DN, con số này lần lượt trong năm 2012 là: 21 DN và 13 DN, năm 2013: 101 DN và 74 DN. 9 tháng năm 2014: có 92 DN được sắp xếp, trong đó CPH 71 DN. Cũng theo số liệu từ Cục Tài chính doanh nghiệp, giá trị đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty tại thời điểm năm 2013 vào các lĩnh vực nhạy cảm là 21.417 tỷ đồng, trong đó chứng khoán: 467 tỷ đồng; quỹ đầu tư: 354 tỷ đồng; bảo hiểm: 1.544 tỷ đồng; tài chính, ngân hàng: 15.242 tỷ đồng; bất động sản: 3.808 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty có kế hoạch thoái vốn trong năm 2014 tổng cộng 3.568 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay đã thoái 3.488 tỷ đồng. Giá trị vốn còn lại phải thoái trong năm 2015 là 16.367 tỷ đồng. |