Trăn trở thanh khoản UPCoM

(ĐTCK) Với giá trị giao dịch bình quân một phiên chưa đến 2 tỷ đồng trong năm 2013, UPCoM, sàn giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã không phát triển đúng với kỳ vọng của những người tạo lập.
Trăn trở thanh khoản UPCoM

Thế nhưng, giải quyết bài toán thanh khoản cho UPCoM lúc này quả thực không dễ.

“Cơ chế hoạt động đã thuận lợi nhất”

Nói về thanh khoản trên UPCoM, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HNX cho biết, thanh khoản trên UPCoM năm 2012 dù thấp, nhưng cũng khả quan hơn rất nhiều so với năm nay. Bình quân cả năm 2013, giá dịch giao dịch trên sàn này chỉ đạt chưa đến 2 tỷ đồng/phiên.

Con số 2 tỷ đồng giá trị giao dịch bình quân trong một phiên cho thấy hoạt động của sàn UPCoM năm 2013 rất èo uột. Giải thích về hiện tượng này, ông Dũng cho rằng, có 3 nguyên nhân chính.

Một là, các DN trên UPCoM đa phần là DN có quy mô vốn hóa nhỏ, kết quả kinh doanh không mấy tốt. Với tổng giá trị vốn hóa thị trường năm 2013 thời điểm cao nhất đạt 30.780 tỷ đồng, hiện tại đạt khoảng 26.000 tỷ đồng, chỉ bằng vốn hóa của một DN tầm trung đang niêm yết; trong đó, có một lượng lớn cổ phần được sở hữu bởi các cổ đông lớn, cổ đông nhà nước, ban lãnh đạo DN, thì “mảnh đất” cho thanh khoản của thị trường này hẹp là điều đương nhiên.

Trăn trở thanh khoản UPCoM ảnh 1

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa các NHTM lên sàn chứng khoán được kỳ vọng sẽ tạo nguồn cung dồi dào cho UPCoM

Điều thứ hai khiến cho NĐT ít quan tâm đến UPCoM là nhiều DN tốt, quy mô vốn hóa lớn, khi có đủ điều kiện niêm yết thường chuyển sang niêm yết trên TTCK chính thức. Đây là nguyên nhân khiến UPCoM dù đôi khi vẫn có hàng tốt, nhưng thị trường bị tâm lý UPCoM là hàng… chất lượng thấp hơn, dù thực tế, nhiều mã chứng khoán vẫn chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ rất cao.

Nguyên nhân thứ ba chính là yêu cầu công bố thông tin đối với các DN đăng ký giao dịch trên UPCoM hiện khá thấp so với các DN niêm yết, nên mức độ cập nhật thông tin của NĐT về DN không lớn. Đây chính là lý do, NĐT vốn đã ít quan tâm đến UPCoM do yếu tố mới, tâm lý hàng chất lượng không cao, lại thêm phần e ngại về tình hình kinh doanh của DN.

Với các nguyên nhân này, ông Dũng cho rằng: “Rất khó để một mình Sở có thể vực lại thanh khoản UPCoM lúc này. Điều lớn nhất mà Sở làm được là đã tạo một cơ chế giao dịch, công bố thông tin thuận lợi nhất cho DN, NĐT. Với hạ tầng hiện nay, UPCoM chỉ còn thiếu 2 yếu tố, đó là đa dạng hàng hóa và tăng quy mô thị trường để thu hút đầu tư”.

 

Kỳ vọng 2015

Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 có hiệu lực từ 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, trong đó bổ sung hành vi vi phạm cam kết đưa chứng khoán chào bán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, được kỳ vọng sẽ thổi một làn gió mới cho UPCoM.

Với quy định này, hàng hóa trên TTCK sẽ đa dạng hơn và theo đó, UPCoM được hưởng lợi, do không phải công ty đại chúng nào cũng đáp ứng yêu cầu về niêm yết (ví dụ, không đáp ứng tiêu chí lãi, tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu…).

Đặc biệt, trong chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa các ngân hàng TMCP lên giao dịch trên sàn chứng khoán, hàng hóa trên UPCoM được dự báo sẽ có đột biến trong tương lai.

“Với hàng loạt chủ trương mới, từ năm 2014, UPCoM có thể sẽ đón nhận thêm nhiều DN đăng ký giao dịch. Khi lượng hàng hóa đa dạng hơn, đặc biệt nếu có sự tham gia của các NHTM, tôi tin giao dịch trên UPCoM sẽ sôi động do thu hút được sự chú ý của cộng đồng NĐT. Năm 2015 có thể là bước khởi đầu đó”, ông Dũng nói.

Nhận xét về xu hướng này, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng độc lập cho biết, việc bắt buộc đưa các DN vào UPCoM hay niêm yết là một hướng đi đúng đắn, bởi nó không những giúp thị trường có căn cứ để theo dõi trong các báo cáo tài chính, mà còn là động lực để tạo nên sự minh bạch trong hệ thống ngân hàng, nhất là vấn đề nợ xấu và sở hữu chéo.

Vì thế, theo ông Hiếu, sự phát triển của UPCoM trong tương lai là điều tất yếu.

>>Sàn UPCoM, dấu hỏi về triển vọng       

>>GBS sẽ chuyển sang giao dịch trên UPCoM

Uyên Phạm
Uyên Phạm

Tin cùng chuyên mục