UPCoM: nhiều cổ phiếu nóng khiến nhà đầu tư “ôm hận”

(ĐTCK) Việc cổ phiếu rớt giá mạnh sau khi tăng nóng là “trái đắng” cho các nhà đầu tư không kịp thoát hàng. Nhiều cổ phiếu sau thời gian tăng phi mã đã lùi sâu, khó có thể sớm tạo sóng trở lại.
UPCoM: nhiều cổ phiếu nóng khiến nhà đầu tư “ôm hận”

Cổ phiếu TVB của Công ty Chứng khoán Trí Việt có thị giá được ghi nhận tăng gấp 5 lần từ cuối năm 2016 đến tháng 2/2017. Tuy nhiên, từ mức giá đỉnh 28.600 đồng/CP hồi đầu tháng 2, TVB đã tụt dốc rất nhanh. Từ cuối tháng 3 đến nay, TVB được giao dịch quanh mức 10.000 đồng/CP.

TVB tăng giá trong bối cảnh doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khả quan năm 2016, lãi hơn 20 tỷ đồng, trong khi năm 2015 lãi vỏn vẹn 637 triệu đồng. Nhờ đó, TVB đã xóa hết khoản lỗ lũy kế hơn 14 tỷ đồng từ các năm trước và dành gần như toàn bộ số lợi nhuận còn lại để chia cổ tức, tỷ lệ 5,6%.

Cuối tháng 4/2017, TVB công bố kết quả kinh doanh quý I/2017 với 7,5 tỷ đồng doanh thu và hơn 4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (doanh thu 8,3 tỷ đồng, lợi nhuận 4,2 tỷ đồng).

Một cổ phiếu khác có kịch bản “tăng nóng, giảm sốc” trên UPCoM gần đây là mã SEA của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Seaprodex. Trong tháng 3/2017, SEA ghi nhận chuỗi 12 phiên tăng giá liên tiếp, từ 13.400 đồng/CP lên 32.900 đồng/CP (chốt phiên 21/3). Kể từ phiên giao dịch lập đỉnh giá này, cổ phiếu SEA liên tục giảm mạnh, hiện giá ghi nhận là 16.900 đồng/CP khi kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (19/5).

Giống như TVB, SEA công bố mức lợi nhuận năm 2016 ấn tượng, đạt hơn 308 tỷ đồng, gấp 4,2 lần năm 2015, trong đó lợi nhuận Công ty mẹ là 302 tỷ đồng.

Thông tin về SEA còn có điểm nóng là sự thay đổi cổ đông lớn khi nhóm cổ đông liên quan đến Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) thoái toàn bộ vốn và ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco quyết định từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT SEA.

Kết quả kinh doanh quý I/2017 vừa được SEA công bố, với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt 386,6 tỷ đồng; lãi sau thuế 71,3 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận Công ty mẹ là 68,99 tỷ đồng. Số lãi kỳ này bằng khoảng 23% lợi nhuận cả năm 2016 (quý I/2016, SEA không lập báo cáo hợp nhất).

Cổ phiếu DPG của Công ty cổ phần Đạt Phương gia nhập UPCoM từ đầu năm nay cũng ghi nhận diễn biến giá cổ phiếu tương tự SEA và TVB. Các chỉ tiêu tài chính của DPG được công bố tương đối tích cực, nhưng việc cổ phiếu này có chuỗi tăng giá nhanh và mạnh, hơn 350% gây không ít bất ngờ.

Cụ thể, từ mức giá chào sàn 31.000 đồng/CP, trong vòng gần 2 tháng, giá cổ phiếu DPG leo lên 140.000 đồng/CP (30/3/2017). Hiện tại, giá DPG giảm còn 85.400 đồng/CP. Dù vẫn ở mức cao so với giá chào sàn, song những nhà đầu tư đua lệnh trước đó đang “buốt ruột” khi DPG đang có 7 phiên giảm liên tiếp.

Cuối năm 2016, thông tin Habeco, Sabeco lên sàn và Chính phủ sẽ thoái vốn khỏi các doanh nghiệp này khiến một loạt cổ phiếu ngành bia tại UPCoM nổi sóng. Thực tế, các doanh nghiệp có tình hình kinh doanh tương đối ổn định và cổ tức cao. Dẫu vậy, với việc giá cổ phiếu được đẩy lên quá cao, sau cơn sóng đã rơi tự do và lình xình suốt mấy tháng qua.

Trong giai đoạn tăng nóng, cổ phiếu các công ty con, liên kết của Sabeco như Bia Sài Gòn - Phú Thọ (BSP), Bia Sài Gòn - Miền Trung(SMB), Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB) được nhà đầu tư tích cực giải ngân nhất.

BSP lập đỉnh kể từ khi lên UPCoM ở mức giá 48.500 đồng/CP nhưng bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 12/2016, giao dịch dưới 30.000 đồng/CP từ đầu năm 2017, hiện dao động trong khoảng 25.000 - 27.000 đồng/CP.

Tương tự, WSB từ đỉnh giá 94.000 đồng/CP ngày 5/12/2016 giảm còn 51.000 đồng/CP; SMB rơi từ đỉnh 52.000 đồng/CP ngày 5/12/2016 xuống 28.000 đồng/CP.

Kết quả kinh doanh quý I/2017 của BSP và WSB tích cực, nhưng giá cổ phiếu không có dấu hiệu cải thiện. Trong kỳ, BSP lãi 13,4 tỷ đồng, WSB lãi 34,8 tỷ đồng, đều tăng xấp xỉ 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Khác nhóm này, một số cổ phiếu tăng nóng giai đoạn cuối năm 2016 và đầu năm 2017 giữ được xu hướng tăng giá, hoặc điều chỉnh không đáng kể như TIS, SSN, SGR, NTC.

Nguyễn Gia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục