Ước thiệt hại được bảo hiểm sau bão Yagi lên tới 12.811 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại tọa đàm “Bảo hiểm - Giải pháp phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Phạm Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm, tính đến chiều ngày 16/10/2024, ước tính thiệt hại do bão Yagi được bảo hiểm lên tới 12.811 tỷ đồng.
Ước thiệt hại được bảo hiểm sau bão Yagi lên tới 12.811 tỷ đồng

Thiệt hại chủ yếu thuộc nhóm bảo hiểm về tài sản kỹ thuật, xe cơ giới (chiếm đến 96%). So với tổng số thiệt hại do bão là trên 80.000 tỷ đồng, tổng giá trị thiệt hại được bảo hiểm khoảng 17%. Đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng, bồi thường, chi trả bồi thường 213 tỷ đồng.

Không thuộc Top doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường lớn sau bão, ông Nguyễn Hồng Phong, Bảo hiểm Agribank (ABIC) cho biết, đến thời điểm này, Công ty ghi nhận gần 600 vụ tổn thất trên diện rộng của khách hàng với số tiền dự kiến bồi thường gần 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ABIC ghi nhận bồi thường thiệt hại lớn như vậy do hậu quả từ thiên tai.

Tại Công ty bảo hiểm VietinBank (VBI), bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành cho biết, đến thời điểm này, Công ty đã tạm ứng trên 50 tỷ đồng sau 2 đợt bồi thường và đang triển khai đợt bồi thường thứ 3, nâng tổng số tiền bồi thường lên khoảng 100 tỷ đồng.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh, hàng chục nghìn tỷ đồng thiệt hại do bão Yagi, đại dịch Covid-19… nếu doanh nghiệp, người dân không tham gia bảo hiểm, thì chắc chắn sẽ mất trắng. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của bảo hiểm trong hạn chế tối đa thiệt hại do những rủi ro như cháy nổ, lụt lội, bão hoặc động đất, trộm cắp, tai nạn khi đi du lịch… gây ra.

Tuy vậy, nhìn vào tỷ lệ tham gia bảo hiểm cũng cho thấy, tỷ lệ tham gia bảo hiểm là rất nhỏ. Việt Nam đang nằm trong nhóm thấp của các nước về tỷ lệ bảo hiểm

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, nhìn ra các nước trên thế giới, vừa qua, cơn bão Milton đổ bộ vào Mỹ đã gây tổn thất dự kiến khoảng 170 tỷ USD. Tỷ lệ được bảo hiểm tại Mỹ là rất cao, giá trị được bảo hiểm là 125 tỷ USD. Việt Nam tỷ lệ được bảo hiểm mới chỉ khoảng 17%, trong khi tại Mỹ tỷ lệ được bảo hiểm là 71%.

“Hiện, nguồn lực của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam còn non trẻ. Tổng vốn của các nghiệp bảo hiểm Việt Nam năm 2023 khoảng 190.000 tỷ đồng, cho thấy sự phát triển của ngành bảo hiểm Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng và chưa tương xứng với tiềm năng”, ông Tuấn nói.

Nguyên nhân là do nhiều cá nhân và tổ chức vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm phi nhân thọ. Đặc biệt, khủng hoảng niềm tin liên quan đến việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đã gây ra không ít trở ngại cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo ông Phạm Văn Đức, cần có những giải pháp đột phá nhằm mở rộng phạm vi bảo hiểm, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường niềm tin của khách hàng. Đặc biệt, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, góp phần phát triển thị trường bảo hiểm bền vững hơn. Vừa rồi, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính về sửa Nghị định 98/2013 về xử phạt vi phạm hành chính, theo đó sẽ bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm nếu sai phạm trong tư vấn bảo hiểm sẽ bị xử phạt hành chính.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục