UOB: Lạm phát là mối quan ngại lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một điểm sáng với triển vọng tích cực vào năm 2024. Dự báo tăng trưởng của UOB cho Việt Nam trong năm nay là 6,0%, phù hợp với mục tiêu của Chính Phủ là 6-6,5%.
UOB: Lạm phát là mối quan ngại lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam

Doanh nghiệp quan ngại lạm phát

Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2024 của UOB đã khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp (cả doanh nghiệp nhỏ và vừa - SME và doanh nghiệp lớn) tại 7 thị trường trọng điểm trên khắp ASEAN và Trung Quốc, trong đó có 525 doanh nghiệp tại Việt Nam, kết quả cho thấy hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại.

Khảo sát của Ngân hàng UOB đo lường tâm lý của 525 chủ doanh nghiệp Việt Nam từ cuối 2023 đến quý I/2024 cho thấy, 5 mối quan ngại lớn nhất với doanh nghiệp là lạm phát, giá cả hàng hóa biến động, chi phí vận hành, lãi suất tăng và đà phục hồi kinh tế chậm.

Lạm phát cao đã khiến chi phí vận hành của 3 trên 5 doanh nghiệp được hỏi, cho biết tăng lên. 57% doanh nghiệp cũng phản ánh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng do lạm phát. Nhóm ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm bất động sản, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, sản xuất kỹ thuật.

Theo UOB, lạm phát đã tăng lên trong những tháng gần đây và hướng tới mức trần mục tiêu của NHNN. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tỷ lệ lạm phát trong 2 năm qua là chi phí thực phẩm, nhà ở, giáo dục và y tế tăng cao.

Điều này rất quan trọng cần theo dõi vì mức tăng giá thực tế của những mặt hàng này mà người tiêu dùng phải đối mặt có thể nhanh hơn và lớn hơn mức được biểu thị bằng CPI. Với việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1 tháng 7, áp lực tăng lương sẽ còn lớn hơn nữa.

Để giải quyết vấn đề lạm phát, theo ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, điều quan trọng là chính phủ phải tăng chi tiêu để giúp tăng nguồn cung ở những khu vực như thực phẩm, giáo dục, y tế… trong thời gian dài, chẳng hạn như bằng cách nâng cao năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong ngắn hạn, tăng nguồn cung, chẳng hạn như đối với thực phẩm, bằng cách cho phép nhập khẩu nhiều hơn từ nhiều quốc gia sẽ là một giải pháp khác.

Triển vọng 2024 vẫn tích cực

Tuy lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2023, nhưng triển vọng năm 2024 vẫn tích cực.

Mặc dù tâm lý kinh doanh nhìn chung là tích cực, nghiên cứu cho thấy có sự sụt giảm trong số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam đạt mức doanh thu tăng trong năm 2023 so với năm trước. Lạm phát cao, giá cả hàng hóa bất ổn và sự phục hồi sau suy thoái kinh tế là ba yếu tố vĩ mô hàng đầu tác động đến doanh nghiệp trong năm 2023.

Lạm phát cao cũng khiến chi phí cung ứng của gần 50% doanh nghiệp tại Việt Nam tăng cao trong năm 2023, trở thành thách thức hàng đầu trong việc quản lý chuỗi cung ứng bên cạnh những thách thức từ việc mua sắm vật tư, nguyên liệu thô.

Để đối phó với những thách thức này, các doanh nghiệp xây dựng một kế hoạch thận trọng trong đó kết hợp giữa các biện pháp ngắn hạn như: giảm chi phí và các biện pháp dài hạn như đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm quan hệ đối tác kinh doanh mới để hợp tác trong vòng 1 đến 3 năm tới.

Mặc dù căng thẳng địa chính trị đã tác động đến chuỗi cung ứng của gần 50% doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023, tuy nhiên nghiên cứu cũng cho thấy, một xu hướng tích cực khi số lượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi vấn đề này đã giảm đi so với một năm trước.

Về triển vọng trong tương lai, gần 90% doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng triển vọng vào năm 2024 sẽ tích cực với hiệu quả kinh doanh được cải thiện.

Nhưng để đạt được điều này, các doanh nghiệp đang lên kế hoạch để tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật số, nâng cấp trang thiết bị hoặc cơ sở vật chất để nâng cao năng suất và đa dạng hóa các kênh bán hàng để thúc đẩy tăng trưởng.

Khoảng 60% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam cho biết động lực hàng đầu của họ cho việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài là để tăng doanh thu. Các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới là một phương tiện phổ biến để mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, với hơn 9 trên 10 doanh nghiệp quan tâm đến việc sử dụng kênh này.

Khi nhìn vào các khu vực mà các doanh nghiệp Việt Nam đang nhắm tới cho việc đầu tư ra nước ngoài trong 3 năm tới, ASEAN là lựa chọn hàng đầu, với gần 7 trên 10 doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ra khu vực này.

Trung Quốc đại lục là thị trường trọng điểm thứ hai, với 37% doanh nghiệp muốn đầu tư vào quốc gia này. Trong ASEAN, Thái Lan là quốc gia quan trọng nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào, tiếp theo là Singapore, Malaysia và Indonesia.

Tuy nhiên, việc mở rộng ra nước ngoài là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam do một số rào cản chính: Thiếu khách hàng tại (các) thị trường mới (41%); Thiếu hỗ trợ về pháp lý, quy định, tuân thủ và thuế (39%); Khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp tác (38%).

Để thành công trong việc mở rộng ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp ở Việt Nam đang mong đợi những hỗ trợ tài chính như ưu đãi thuế hoặc hoàn thuế (42%), các nguồn tài trợ hoặc trợ cấp dành cho các thị trường mới (40%).

Bên cạnh những hỗ trợ tài chính này, hơn 40% doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm các hỗ trợ phi tài chính, như kết nối với các doanh nghiệp lớn là khách hàng tiềm năng mà công ty của họ có thể cung cấp ở thị trường nước ngoài.

Chưa hết thách thức

Nghiên cứu Triển vọng Doanh Nghiệp năm 2024 của UOB cũng cho thấy, gần 9 trên 10 doanh nghiệp ở Việt Nam đã áp dụng số hóa ở ít nhất một bộ phận trong doanh nghiệp.

Trong đó, khoảng 41% doanh nghiệp đã số hóa trên toàn bộ hoạt động kinh doanh, tỷ lệ này là cao nhất trong khu vực. Hơn 80% doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch chi nhiều hơn cho hoạt động số hóa vào năm 2024, với hầu hết ngân sách đều tăng từ 10-25%.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp dự kiến sẽ phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm những lo ngại về vấn đề an ninh mạng, thiếu hụt về kỹ năng kỹ thuật số trong đội ngũ nhân viên và rủi ro gia tăng về xâm phạm dữ liệu.

Các doanh nghiệp cho biết, họ muốn có thêm các hỗ trợ như ưu đãi thuế, hoàn thuế, giúp kết nối với các nhà cung cấp giải pháp và công nghệ phù hợp cũng như có các chương trình đào tạo để nâng cao hoặc bổ túc kỹ năng cho nhân viên trong việc áp dụng số hóa.

Nhận thức cao về tính bền vững nhưng cần nhiều hỗ trợ hơn để thúc đẩy quá trình thực hiện. Tính bền vững được 94% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam đánh giá là quan trọng. Tuy nhiên, chỉ có 45% đã triển khai các hoạt động bền vững vào năm 2023.

Hơn một nửa số doanh nghiệp nhận thấy giá trị của việc áp dụng tính bền vững để nâng cao danh tiếng, xây dựng thương hiệu tốt hơn và thu hút các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, các rào cản hàng đầu cản trở việc áp dụng tính bền vững nhiều hơn bao gồm thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp cho năng lượng tái tạo (38%), thiếu các lựa chọn tốt về tài chính bền vững (34%) và lo ngại về tác động tiêu cực đến lợi nhuận (34%).

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục