Ứng xử với dịch vụ tài chính số

Sự xuất hiện của một loạt dịch vụ dịch tài chính số, ngân hàng số không nằm trong sự quản lý của bất kỳ văn bản nào lần lượt xuất hiện trong thời gian ngắn gần đây không chỉ thách thức các ngân hàng truyền thống, mà còn khiến cơ quan quản lý đau đầu.
Các fintech hoạt động trong lĩnh vực cho vay và huy động đang dần xuất hiện. Các fintech hoạt động trong lĩnh vực cho vay và huy động đang dần xuất hiện.
Trong khi cơn sốt đầu tư tiền ảo chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, sự xuất hiện của một công ty cho vay ngang hàng (tương tự Uber, Grab trong cho vay) cuối tuần qua khiến lĩnh vực dịch vụ ngân hàng càng thêm nóng.
Tính từ năm 2016 đến nay, đã có 4-5 doanh nghiệp cho vay ngang hàng (P2P) ra đời dưới các hình thức đăng ký kinh doanh, tên gọi khác nhau. Với hình thức này, thông qua “môi giới” là công ty P2P, người dân có thể cho nhau vay tiền dễ dàng, không cần tài sản thế chấp. Các ngân hàng truyền thống - trước đây, độc quyền về huy động vốn và cho vay - nay đe dọa thị phần.

Sự xuất hiện của loại hình công ty P2P không chỉ khiến nhiều công ty tài chính lo ngại, mà các nhà băng lớn ở nhiều nước cũng phải dè chừng.

Riêng tại Trung Quốc, mô hình này mới xuất hiện 7 năm, nhưng đã có tới hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động, quy mô cho vay lên tới hàng trăm tỷ USD, khiến nhiều ngân hàng lao đao. Trên phạm vi toàn cầu, dự báo, tổng giá trị thị trường P2P có thể lên tới trên 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Nhưng P2P không phải là đối thủ duy nhất. Sự ra đời rầm rộ của các fintech cũng đang làm đau đầu các ngân hàng truyền thống. Tại Việt Nam, 25 fintech đã được cấp phép, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán.Với sự phát triển của công nghệ, chắc chắn các fintech trong lĩnh vực huy động, cho vay, dịch vụ ngân hàng… sẽ xuất hiện ngày càng nhiều.

Không chỉ các fintech nhỏ bé trong nước, hiện Alipay, Wechat Pay và nhiều fintech trong khu vực đã nhòm ngó thị trường tài chính Việt Nam. Với hệ sinh thái đi kèm là hệ thống bán lẻ trực tuyến, một khi tìm được cách “gửi chân” vào thị trường Việt Nam, các fintech này không chỉ đè bẹp fintech nội, mà còn cạnh tranh trực tiếp với các nhà băng. 

Nếu không chuyển đổi mạnh, tất yếu nhiều ngân hàng sẽ phải chấp nhận đứng nhìn khách hàng lần lượt ra đi cho dù có đầu tư, có bắt tay hợp tác với fintech. Một thực tế là, do mạng lưới quá lớn, lại vướng quy định pháp lý, nên đa phần ngân hàng vẫn đang loay hoay tìm cách chuyển mình.

Không chỉ ngân hàng, các cơ quan quản lý cũng đang lúng túng khi ứng xử với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi phải đau đầu xây dựng đề án quản lý tiền ảo và đang phải nghiên cứu các sáng tạo của thị trường như P2P, fintech, eKYC (xác nhận danh tính điện tử)… 

Đáng mừng là hiện nay, cơ quan quản lý có quan điểm rất cởi mở về các dịch vụ ngân hàng số, đặc biệt là sự xuất hiện của fintech và cả mô hình P2P khi cho rằng, sự đa dạng về các kênh cung cấp dịch vụ tài chính sẽ giúp người dân có thêm cơ hội để tiếp cận dịch vụ tài chính.

Mặc dù vậy, chắc chắn cơ quan quản lý cũng không thể không lo ngại về những biến tướng có thể phát sinh từ những dịch vụ số mới xuất hiện, chưa kể nguy cơ mất an toàn bảo mật, lừa đảo người tiêu dùng…

Rõ ràng, trong bối cảnh 40-50% dân số chưa có tài khoản ngân hàng như hiện nay, thì việc phát triển dịch vụ tài chính số, ứng dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng tới đông đảo người dân, đặc biệt tới nhóm khách hàng yếu thế khó tiếp cận vốn ngân hàng là rất cần thiết, tránh việc khách hàng phải tìm tới tín dụng đen.

Song để đảm bảo an ninh tiền tệ, các cơ quan quản lý, trong đó có Ngân hàng Nhà nước phải nhanh chóng xây dựng thí hành lang pháp lý, tạo không gian cho các sáng tạo ngân hàng số được thể nghiệm. Một hành lang pháp lý phù hợp không chỉ giúp các fintech phát triển, mà còn giúp ngân hàng chuyển hướng nhanh hơn.

Việc hình hành một hành lang pháp lý phù hợp cũng sẽ giúp các dịch vụ tài chính, ngân hàng số mới ra đời đi vào khuôn khổ, quyền lợi người dân cũng như doanh nghiệp tham gia được đảm bảo, đồng thời tăng cơ hội tiếp cận vốn cho người dân… 

Ngân hàng số cũng là xu hướng của tương lai. Do vậy, việc đưa ra hành lang pháp lý chạy thử trong thời gian vài năm trước khi chính thức ban hành các quy định pháp lý chính thống có thể xem là giải pháp tình huống cần khẩn trương thực hiện.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục