Ứng xử với 4.0

Doanh nghiệp Việt đang rất hào hứng với các thông điệp của Chính phủ về 4.0, về nền kinh tế số. Những nội dung này vượt quá mong đợi của doanh nghiệp, chỉ cần thực thi một phần, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.
Ứng xử với 4.0

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đã nói như vậy sau bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Kinh tếViệt Nam 2019.

Bộ trưởng Hùng đã nói khá dài, nhưng tựu trung, thông điệp là nếu chấp nhận cái mới, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới, thì người tài sẽ ở lại Việt Nam, sẽ đến Việt Nam, nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện và Việt Nam sẽ là cái nôi để tạo ra các tập đoàn công nghệ số… Quan trọng hơn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nói, mọi sự chấp nhận phải nhanh, vì sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu là người cuối cùng chấp nhận.

Nhưng trên thực tế, dường như mọi việc vẫn đang xoay quanh chữ “nếu”.

Cho đến thời điểm này, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn khá lúng túng khi tìm phương thức ứng xử với các mô hình kinh tế chia sẻ, như mô hình hoạt động của Grab, Airbnb trong lĩnh vực vận tải hành khách, dịch vụ lưu trú… đã xâm lấn khá sâu nền kinh tế Việt Nam. Đang có những quan điểm ép khuôn cũ vào các mô hình mới để quản lý.

Thói quen quản lý các sản phẩm của lĩnh vực công nghệ, thông tin - truyền thông theo hướng là sản phẩm văn hóa thay vì sản phẩm của một ngành công nghiệp số, công nghiệp giải trí đang tiếp tục tạo nên không ít rào cản phi lý đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Tư duy can thiệp vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục có mặt trong nhiều quy định yêu cầu doanh nghiệp phải được sự công nhận của cơ quan quản lý nhà nước về những hoạt động nội bộ…

Hệ quả của những lúng túng này là sự đối đầu kéo dài giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo phương thức truyền thông và mô hình kinh doanh mới; là sự ấm ức của các doanh nghiệp đang chịu rào cản về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính của cách thức quản lý truyền thống và sự chông chênh của các doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng các mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới… Điều quan trọng nhất là một hệ sinh thái an toàn để các doanh nghiệp sẵn sàng thử nghiệm ý tưởng kinh doanh sáng tạo chưa có điều kiện hình thành…

Cách đây khoảng 10 năm, các nhà mạng di động tại Việt Nam từng trải qua cuộc đấu trí căng thẳng. Thời điểm đó, do giá cước cao, doanh thu của nhà mạng dựa chủ yếu vào tin nhắn, thoại. Khi dịch vụ OTT (ứng dụng được cung cấp trên nền tảng Internet) ra đời, thì doanh thu của các nhà mạng giảm mạnh. Từ đó đã xuất hiện những cuộc vận động từ phía doanh nghiệp nhằm ngăn chặn các dịch vụ OTT trên điện thoại di động…

Song rất may, các nhà quản lý đã chấp nhận cái mới và cơ hội để những dịch vụ mới như Zalo, gọi điện miễn phí trên Internet… phát triển. Bản thân nhà mạng cũng buộc phải thay đổi, bước vào giai đoạn phát triển mới ở tầm cao hơn.

Bài học cũ, nhưng việc thay đổi tư duy quản lý và cách thức ứng xử với cái mới vẫn còn nguyên giá trị. Cũng phải nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc Chính phủ xác định kinh tế số có vai trò động lực, là cỗ máy tiên phong cho mục tiêu phát triển nganh và bền vững của Việt Nam.

Đường đi đã rõ, nhưng quan trọng là trong sân chơi 4.0, tốc độ đang là chìa khóa tạo nên mọi sự bứt phá.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục