Nếu ví thị trường tài chính - tiền tệ, tín dụng như môi trường của các hoạt động sản xuất - kinh doanh thì nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể coi như chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường đó. Nợ xấu là tất yếu khách quan phát sinh trong quan hệ giữa người cho vay - các ngân hàng thương mại, các TCTD phi ngân hàng - và người đi vay - các doanh nghiệp, các tổ chức và các cá nhân, hộ gia đình.
Theo thông lệ quốc tế, khi tỷ lệ nợ xấu vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng cho vay thì nợ xấu trở thành nguy cơ đầu độc không chỉ môi trường tài chính - tín dụng, mà còn cả nền kinh tế. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu vượt trên 10% suốt giai đoạn 2011-2017 do các nguyên nhân cả chủ quan từ phía các TCTD và người đi vay lẫn khách quan từ khó khăn của nền kinh tế và rủi ro từ bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán… thì nỗ lực xử lý nợ xấu đã trở thành nhiệm vụ không chỉ của các TCTD, của ngành ngân hàng, mà còn của toàn bộ hệ thống kinh tế - tài chính.
Mặc dù hàng loạt cơ chế, chính sách đã được ban hành, từ Quyết định số 254/2012/QĐ-TTg, Quyết định 339/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến Nghị quyết số 01/2015/NQ-CP và nhất là thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC)…, song kết quả xử lý nợ xấu vẫn rất hạn chế do thiếu biện pháp xử lý nợ xấu một cách dứt điểm, kịp thời và thông suốt. Cục nợ xấu không những không giảm, mà thậm chí có nguy cơ tăng cao trở lại, đầu độc môi trường tài chính - tín dụng do chất thải nợ xấu mới chủ yếu được “chôn lấp”, chứ chưa được xử lý hữu hiệu để làm trong sạch môi trường, tạo điều kiện khơi thông dòng tín dụng với lãi suất phù hợp.
|
TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế |
Thực tế, kể từ sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực đến nay đã xử lý được khoảng 350.000 tỷ đồng nợ xấu và chỉ từ năm 2018 đến đầu năm 2021, VAMC đã bán đấu giá thành công các khoản nợ và tài sản đảm bảo trị giá 3.000 tỷ đồng. Nghị quyết xử lý nợ xấu tại các TCTD đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xử lý cơ bản vấn đề nợ xấu không chỉ trong hiện tại, mà còn tạo tiền đề xử lý nợ xấu trong tương lai sau khi Quốc hội thảo luận và thông qua Luật Xử lý nợ xấu với các nội dung quan trọng sau:
Thứ nhất, đối tượng xử lý nợ xấu theo Luật là toàn bộ số nợ xấu đã, đang và sẽ phát sinh, chứ không phải chỉ là số nợ xấu đã phát sinh trước ngày 15/8/2017 và thời gian để xử lý là 5 năm kể từ ngày Nghị quyết số 42 có hiệu lực thi hành (ngày 15/8/2017). Khối lượng nợ xấu tồn đọng tại các TCTD và tại VAMC đã lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng có cơ hội sớm được giải tỏa dứt điểm, đồng thời các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo cơ sở và tiền đề xây dựng hệ thống công cụ xử lý nợ xấu một cách căn bản, phù hợp với thực tế và tiến trình hội nhập kinh tế - tài chính của nước ta trong tương lai xa hơn dưới hình thức một văn bản luật. Khoản 3, Điều 19 - Nghị quyết 42 chỉ rõ Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội kết quả xử lý nợ xấu hàng năm và báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2022, đồng thời “đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm”.
Nhu cầu luật hóa xử lý nợ xấu không chỉ từ yêu cầu cải cách thể chế, đồng bộ hóa hệ thống luật pháp liên quan đến tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp, đất đai, dân sự, chống tham nhũng lãng phí..., mà còn đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ cuộc sống khi nợ xấu có nguy cơ tăng cao với tính chất phức tạp ngày càng phức tạp do tác động của Covid-19.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ sau 8 tháng đầu năm 2021 đã có 85.500 doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9%; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Tuy đa số doanh nghiệp giải thể, phá sản có quy mô vốn nhỏ (10.822 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng), song cũng có tới 140 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng.
Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác; kinh doanh bất động sản; vận tải, kho bãi; giáo dục, đào tạo; thông tin và truyền thông; nông, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất phân phối điện, nước, gas.
Nợ xấu ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi doanh nghiệp, mỗi TCTD, đặc biệt khi quy mô dư nợ tín dụng cho nền kinh tế tính đến tháng 7/2021 đã tăng lên đến hơn 9,8 triệu tỷ đồng, trong đó có tới gần 2/3 dành cho khu vực dịch vụ - khu vực kinh tế chịu tác động nặng nề nhất bởi Covid-19. Bên cạnh đó, Luật Xử lý nợ xấu còn là “cứu tinh” của hệ thống các TCTD có tổng tài sản lên đến gần 14 triệu tỷ đồng (tính đến cuối tháng 1/2021) và tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.
Thứ hai, giải tỏa những vướng mắc về pháp lý và thực thi trong xử lý tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp liên quan đến nợ xấu theo hướng công nhận và khẳng định quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ hợp pháp của người cho vay trong khi vẫn đảm bảo quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ hợp pháp của người đi vay nhằm tạo hành lang pháp lý xử lý các khoản nợ xấu có tài sản thế chấp chủ yếu là bất động sản. Cơ chế cho phép người cho vay thu hồi, nắm giữ và xử lý tài sản thế chấp để giải quyết nợ xấu sẽ khơi thông những ách tắc trong quá trình xử lý nợ xấu hiện nay, đồng thời giảm bớt gánh nặng lên các cơ quan pháp luật đối với những vụ việc liên quan.
Luật Xử lý nợ xấu ra đời sẽ góp phần tích cực thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ, nhất quán giữa các cơ quan chức năng, các địa phương trong xử lý nợ xấu, nhất là trong các khâu xử lý tài sản đảm bảo, định giá khoản nợ và tài sản đảm bảo...
Do ảnh hưởng của Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng từ mức 1,69% vào cuối năm 2020 lên 1,78% vào cuối tháng 4/2021 và còn có xu hướng tiếp tục tăng cao hơn nữa. Báo cáo tài chính quý II/2021 cho thấy, hơn 1/2 số ngân hàng đã ghi nhận số dư nợ quá hạn tăng cao so với cuối năm 2020, đặc biệt nợ xấu ghi nhận ở VietinBank tăng tới 52% (riêng nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi lên gần 12.300 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm 2021), còn ở Vietcombank cũng tăng tới 31,3% và ở Agribank tăng 13,5%; trong khi nhiều ngân hàng thương mại khác như ACB, SHB, MSB, ABBank... cũng ghi nhận tăng trưởng nợ xấu ở mức 2 con số.
Hơn nữa, thực trạng nợ xấu của các TCTD vẫn chưa bộc lộ hết do đang được phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan này dự báo tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2-3%, còn tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý cùng với nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có thể lên tới 4-4,5% vào cuối năm 2021. Theo đó, các TCTD sẽ nắm giữ không dưới 200.000 tỷ đồng tài sản đảm bảo liên quan đến nợ xấu cần xử lý.
Thứ ba, tạo dựng thị trường mua bán nợ xấu có sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với định giá các khoản nợ xấu theo cơ chế thị trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh. Theo đó, người bán nợ xấu có quyền định giá khoản nợ xấu theo nguyên tắc thị trường mà không bị ràng buộc bởi giá trị sổ sách của các khoản nợ đó, cũng như không phải chịu trách nhiệm nếu giá bán khoản nợ xấu nào đó dưới giá trị sổ sách. Người mua khoản nợ xấu cũng an tâm khi không còn bị quy trách nhiệm tiếp tay làm thất thoát tài sản của TCTD, thậm chí của Nhà nước.
Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 42, sàn giao dịch nợ xấu vẫn còn manh nha với một câu lạc bộ gồm 23 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại (AMC) của các TCTD và các hình thức mua bán nợ cạnh tranh thông qua đấu giá, cũng như nghiệp vụ phái sinh chưa trở thành hiện thực.
Hy vọng báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 sớm được thực hiện, qua đó cải thiện và bổ sung thêm các công cụ hữu hiệu trong việc xử lý nợ xấu, làm lành mạnh hóa thị trường tài chính tín dụng của nước ta không chỉ trong tương lai gần mà còn tạo tiền đề cho cả các năm sau nữa.