Thách thức nợ xấu vẫn lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng đã nỗ lực xử lý nợ xấu thời gian qua, nhưng vẫn không thể tránh được nợ xấu tăng do dịch, cho nên đây vẫn là thách thức rất lớn trong thời gian tới.
Dịch bệnh khiến nợ xấu tại các ngân hàng tăng nhanh. Ảnh: Dũng Minh Dịch bệnh khiến nợ xấu tại các ngân hàng tăng nhanh. Ảnh: Dũng Minh

Gian nan xử lý nợ xấu

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank (mã STB) cho biết, Ngân hàng đã thu hồi, xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng đạt doanh số gần 9.000 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát tốt, giảm 0,05% so với đầu năm 2021, xuống mức 1,42% tính đến cuối tháng 9/2021.

Trước đó, lãnh đạo Sacombank cho hay, năm 2021, Ngân hàng đặt mục tiêu xử lý khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu vì lượng nợ xấu tồn đọng đã giảm dần. Các tài sản còn lại cần giải quyết chủ yếu là tài sản đảm bảo cho những khoản nợ tồn đọng từ SouthernBank khi sáp nhập Sacombank và sẽ được đẩy mạnh xử lý trong năm nay.

Thực tế, Sacombank vừa bán thành công 5 lô đất tại Khu công nghiệp Sóng Thần cho TTC Land, thu về khoảng 2.000 tỷ đồng. Đây là một trong những bất động sản từng được Sacombank nhiều lần mang ra đấu giá, với mức giá khởi điểm hơn 2.300 tỷ đồng, tới nay mới bán xong với mức giá giảm khoảng 13%.

Sau thời gian giãn cách xã hội, Vietcombank (mã VCB) bắt đầu phát mại nhiều tài sản bảo đảm gồm bất động sản, máy móc... để thu hồi nợ. Mục tiêu của Vietcombank là đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong quý IV/2021 để đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 1%. Mới đây nhất, Vietcombank - Chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội) thông báo phát mại tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Phú Tường GSF với giá khởi điểm hơn 24,5 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là bất động sản diện tích hơn 14.500 m2 tại xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, gồm 2 nhà xưởng sản xuất.

Tại TP.HCM, Vietcombank rao bán 2 tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và nhà ở của 2 cá nhân, trong đó một khu đất tọa lạc tại số 7, phường An Phú Đông, quận 12, diện tích gần 384 m2 và khu còn lại nằm tại số 811 Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú, giá khởi điểm lần lượt là 12 tỷ đồng và 13,5 tỷ đồng.

Nợ xấu của Vietcombank có xu hướng tăng mạnh trong quý III/2021 và lũy kế đến cuối tháng 9/2021 ở mức 10.884 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm. Nguyên nhân là do nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đột ngột tăng mạnh, đạt 3.122 tỷ đồng tính đến ngày 30/ 9/2021, tăng 4 lần trong quý III và tăng tới 14 lần so với đầu năm. Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) cũng tăng 122% lên 1.483 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 45% lên 6.279 tỷ đồng và chiếm 58% trong tổng nợ xấu.

Như vậy, sau thời gian dài duy trì dưới mức 1% (dao động quanh ngưỡng 0,6-0,8%), đến cuối tháng 9/2021, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Vietcombank đã tăng lên 1,16%. Đồng thời, nợ tái cơ cấu tăng hơn gấp hơn gấp đôi, từ 4.100 tỷ đồng cuối quý II/2021 lên 9.000 tỷ đồng vào cuối quý III/2021, điều đó khiến việc giảm tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này trở nên khó khăn trong thời gian tới.

Quả thực, nợ xấu tuyệt đối của các ngân hàng niêm yết tính đến cuối tháng 9/2021 đã tăng khoảng 26% so với đầu năm, nợ tái cơ cấu của nhiều ngân hàng cũng tăng mạnh. Đây là lý do khiến nhiều ngân hàng phải tăng rất mạnh trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu so giai đoạn trước.

Bản thân các ngân hàng cũng đã quyết liệt xử lý nợ xấu khi thời gian qua, hàng loạt tài sản, khoản nợ đã được đưa ra chào bán, nhưng để bán được là không dễ dàng, ngay cả khi liên tục giảm giá, bởi thực tế là có những khoản nợ được rao bán hàng chục lần, giá giảm tới phân nửa mà vẫn không có người mua.

Thách thức còn nhiều

Trên thực tế, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng trở nên khó khăn hơn thời gian qua, song nguyên nhân sâu xa dẫn tới công tác xử lý nợ xấu chưa hiệu quả là bởi thị trường mua bán nợ tại Việt Nam còn nhiều vướng mắc. Vì thế, để công tác xử lý nợ đảm bảo hiệu quả, tăng thu hút nhà đầu tư tham gia mua bán nợ xấu, theo các chuyên gia trong ngành, bên cạnh sớm tạo lập một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, Việt Nam cần có những cải cách táo bạo trong giao dịch mua bán nợ xấu, chẳng hạn như bỏ yêu cầu cần có sự đồng ý của bên vay (chủ sở hữu tài sản) khi xử lý tài sản đảm bảo...

Liên quan tới hoạt động mua bán nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết, tính đến 31/10/2021, tổ chức này đã mua nợ theo giá trị thị trường với tổng giá mua đạt 1.922 tỷ đồng, mới hoàn thành 38,44% kế hoạch mua nợ năm 2021. Theo VAMC, kết quả này được thực hiện chủ yếu trong 5 tháng đầu năm, còn từ tháng 6/2021 đến nay là không đáng kể do giãn cách kéo dài.

“Tính đến 30/9/2021, VAMC xử lý được 18.358 tỷ đồng nợ xấu, bằng 61% kế hoạch xử lý, thu hồi nợ cả năm. VAMC đã áp dụng nhiều biện pháp thu hồi nợ, nhưng vì khách hàng vay nợ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh nên không đảm bảo nguồn thu trả nợ theo dự kiến”, đại diện VAMC nói.

Tổng giám đốc ABBank (mã ABB) - ông Lê Hải cho hay, trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng số nợ xấu Ngân hàng đã xử lý là 1.664 tỷ đồng. Theo đánh giá của ông Hải, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, dự báo xu hướng nợ xấu toàn ngành sẽ tiếp tục tăng trong quý IV/2021 và nửa đầu năm 2022.

“Điều này đặt ra thách thức lớn cho các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu cũng như hoàn thành mục tiêu kinh doanh để ra. Vì thế, các ngân hàng buộc phải kiểm soát chặt hơn chất lượng khoản vay, hạn chế nợ xấu”, ông Hải nhấn mạnh.

Thông tin từ VPBank (mã VPB) cho biết, bằng cách đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thông qua công cụ số hóa, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất trong 3 quý vừa qua của ngân hàng này đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 73,8% so cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế được cải thiện thông qua việc chú trọng công tác thu hồi nợ, tối ưu hóa chi phí hoạt động. Trong 9 tháng đầu 2021, chi phí hoạt động hợp nhất của VPBank đã giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất tính đến cuối tháng 9/2021 ở mức 23,7%.

Tại Eximbank (mã EIB), trong 9 tháng đầu năm 2021, ngân hàng này dành gần 503 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chất lượng nợ của Eximbank cũng được cải thiện, khi tính đến ngày 30/9/2021, tổng nợ xấu ở mức 2.299 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm, cơ cấu nợ xấu dịch chuyển từ nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn, trích lập 100%) sang nợ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn), tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ giảm từ mức 2,52% đầu năm xuống 2,18% vào cuối tháng 9/2021.

Ông Trịnh Bằng, Giám đốc Tài chính Techcombank thông tin, chất lượng tài sản của Ngân hàng vẫn tích cực trong mùa dịch, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,6% tính đến cuối quý III/2021, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ mức 259% cuối quý II xuống 184% vào cuối quý III/2021.

“Techcombank thường xuyên rà soát khách hàng trong quá trình tái cấu trúc nợ và nhiều khách hàng đã cải thiện được tình hình kinh doanh cũng như cam kết được khả năng trả nợ. Vì thế, con số nợ xấu có thể tăng, nhưng tỷ lệ nợ xấu sẽ không gây tác động đáng kể lên hoạt động Ngân hàng”, ông Bằng nói.

Về phía cơ quan quản lý, một mặt đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời đối với khách hàng trong mùa dịch, nhưng mặt khác, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng lưu ý rằng, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu, do đó các ngân hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng, có chính sách hỗ trợ phù hợp để vừa giúp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, vừa đảm bảo an toàn hoạt động.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục