Kỳ vọng VN-Index sớm cân bằng trở lại
Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch chấn động ngày 3/4/2025 được các nhà đầu tư gọi là Phiên thứ Năm đen tối (Black Thursday) khi lực bán ồ ạt xuất hiện ngay từ đầu phiên, khiến VN-Index đóng cửa ở dưới 1.230 điểm, giảm gần 7% - mức giảm sâu nhất lịch sử hình thành thị trường.
Đây là phản ứng mạnh mẽ của thị trường trước thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam - nằm trong Top 3 nước bị áp thuế cao nhất, áp dụng từ ngày 9/4/2025.
Phiên sau đó, VN-Index có thời điểm lùi xuống dưới 1.160 điểm trước khi đóng cửa trên ngưỡng 1.210 điểm, nên chỉ còn giảm thêm hơn 1,5%. Với việc lực cầu gia tăng, thị trường được kỳ vọng sẽ sớm cân bằng quanh ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm.
Trên thực tế, chưa có thông tin rõ ràng về việc Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 46% đối với một số mặt hàng cụ thể hay áp dụng chung cho tất cả các mặt hàng. Bên cạnh đó, cách Mỹ xác định mức thuế rất cao cho Việt Nam đang gây tranh luận, vì tính bằng 50% tổng mức thâm hụt thương mại trên tổng mức nhập khẩu từ Việt Nam năm 2024 được cho là không hợp lý.
Ông Đồng Thanh Tuấn, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, các nhịp giảm trên 6% của thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối hiếm, trong khi các nhịp phục hồi thường xuất hiện ngay sau đó. Ngoại trừ giai đoạn sơ khai của thị trường năm 2000 - 2001, tính đến nay chỉ có 4 phiên VN-Index ghi nhận mức giảm trên 6% (bao gồm phiên 3/4/2025) và diễn biến ở 2 tuần tiếp theo thường là phục hồi.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng theo dõi diễn biến ở các phiên sắp tới, chờ đợi các tín hiệu tích lũy và ổn định của VN-Index trước khi giải ngân, tránh rủi ro thị trường có thể giảm sâu hơn do áp lực bán giải chấp hoặc giảm tỷ lệ đòn bẩy ở các nhà đầu tư sử dụng giao dịch ký quỹ.
Trong kịch bản thận trọng, việc đàm phán thu hẹp mức thuế đối ứng về 10% như Mỹ áp dụng với hầu hết các nước trên thế giới không thành công, tâm lý giao dịch tiếp tục bi quan, khiến áp lực bán kéo dài, VN-Index có thể lùi về vùng 1.125 - 1.150 điểm.
Nhà đầu tư cần bình tĩnh trở lại
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital cho biết, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp lớn tại Mỹ không kỳ vọng mức thuế của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cao hơn đáng kể so với mức 10%. Họ không đẩy mạnh nhập khẩu từ Việt Nam từ trước thời điểm Mỹ công bố mức áp thuế, nhưng tăng cường nhập khẩu từ Trung Quốc và tăng nhập khẩu ô tô từ EU.
Trên thị trường chứng khoán, VN-Index giảm gần 7% trong phiên 3/4/2025, với lực bán trải đều trên toàn thị trường, cho thấy nhà đầu tư cần thêm thời gian và thông tin để đánh giá tác động thực sự của chính sách thuế quan của Mỹ đến nền kinh tế và các doanh nghiệp niêm yết. Đơn cử, cổ phiếu FPT của công ty cung cấp dịch vụ gia công phần mềm giảm tới 7%, mặc dù mức thuế mới của Mỹ không tác động gì đến sản phẩm của doanh nghiệp này.
Trên thị trường ngoại hối, phản ứng ban đầu của tỷ giá USD/VND không quá mạnh, mức mất giá của VND chưa đến 1% sau thông tin Mỹ áp thuế, lũy kế kể từ đầu năm 2025 giảm khoảng 2%. Dựa trên kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các trường hợp khác (ví dụ Mexico), thị trường ngoại hối của những quốc gia bị Mỹ áp thuế thường chứng kiến đồng nội tệ mất giá khoảng một nửa so với mức thuế được áp. Thực tế, biến động của tỷ giá USD/VND phản ánh việc còn nhiều chi tiết chưa rõ ràng liên quan đến thuế đối ứng, bao gồm khả năng sẽ có các ngoại lệ cho một số mặt hàng cụ thể mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Michael Kokalari chia sẻ, VinaCapital đang đánh giá tác động của mức thuế đối với các kịch bản đã thiết lập cho các danh mục đầu tư khác nhau và đang tìm kiếm cơ hội mua vào khi giá cổ phiếu giảm mạnh trong ngắn hạn trong bối cảnh thuế quan tác động tiềm tàng lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Đợt bán tháo này đang tạo ra cơ hội cho các nhà quản lý quỹ chủ động mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và ít bị tác động trực tiếp bởi chính sách thuế từ Mỹ, với mức định giá hấp dẫn hơn.
Những doanh nghiệp có thể hưởng lợi rõ rệt nhất là các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ từ các nỗ lực của Chính phủ nhằm bù đắp tác động của thuế quan đối với tăng trưởng GDP. Trong tháng 2/2025, Chính phủ đã công bố kế hoạch tăng chi cho đầu tư công, vốn đã rất tham vọng trong năm nay và thông tin về chính sách thuế quan của Mỹ sẽ càng củng cố quyết tâm thúc đẩy các biện pháp kích cầu nội địa này.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Sài Gòn kỳ vọng, mức thuế đối ứng của Mỹ đối với Việt Nam sẽ không kéo dài, mà có thể sớm được đàm phán xuống mức thấp hơn.
Khi tin xấu ra, với nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ xem xét các nhóm ngành mục tiêu đang có mức định giá hấp dẫn hơn trước đó. So với định giá ở thời điểm chiến tranh thương mại năm 2018, P/E ở mức 23 - 24 lần, thì nay chỉ bằng một nửa.
“Những thông tin như thế này có thể được các nhà đầu tư tổ chức dùng để đánh giá lại vị thế của họ tại thị trường Việt Nam, có thể sẽ theo chiều hướng tốt”, ông Hưng nói.
Bên cạnh đó, ngày 9/4/2025, Mỹ áp dụng mức thuế quan mới cũng là thời điểm FTSE Russell đưa đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam liên quan đến việc nâng hạng. Triển vọng thị trường được nâng hạng sẽ hạn chế phần nào tâm lý tiêu cực từ tác động thuế quan.
Theo ông Hưng, hiện tại, nhà đầu tư trên toàn thế giới có lẽ đang tạm đặt câu chuyện tăng trưởng sang một bên và tìm đến các cổ phiếu giá trị trong khi chờ đợi các vấn đề ổn định trở lại. Giá trị ở đây liên quan định giá thấp, doanh thu ổn định bất kể kinh tế biến động.
Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc nghiên cứu của quỹ Dragon Capital nhận định, doanh thu các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE của Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Thống kê cho thấy, tổng doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết (ngoại trừ ngành tài chính và bất động sản) năm 2024 đạt khoảng 111 tỷ USD. Trong đó, chỉ 18% đến từ các công ty có hoạt động xuất khẩu và 2% doanh thu là xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ.
Kế hoạch ứng phó của doanh nghiệp
Ông Kazuhisa Okawa, Tổng giám đốc Olympia Lighting, doanh nghiệp có nhà máy sản xuất thiết bị chiếu sáng tại Bình Dương cho biết, đối tác dự kiến nhập hàng tại Seatle (Mỹ) đã thông báo tạm ngưng trao đổi để xem xét mức thuế quan mà Mỹ sẽ áp dụng cho Việt Nam tới đây. Các bên sẽ chờ sau ngày 9/4/2025 để tiếp tục nối lại trao đổi.
Olympia Lighting Vietnam được thành lập cuối năm 2012, hoạt động ban đầu tập trung vào sản xuất sản phẩm OEM/ODM cho các thương hiệu Nhật Bản. Kể từ năm 2017, Công ty phát triển dòng sản phẩm chiếu sáng dành riêng cho thị trường Việt Nam, đáp ứng nhu cầu các dự án nhà máy, tòa nhà, chung cư, trung tâm thương mại tại Việt Nam. Doanh nghiệp có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ, nhưng mức thuế quan mới nếu chính thức áp dụng có thể khiến dự án không theo tiến độ đề ra.
“Mức thuế 10% chúng tôi có thể cầm cự hoạt động, chứ cao hơn sẽ rất khó khăn”, ông Kazuhisa Okawa nói.
Với JA Solar, đây từng là một nhà đầu tư lớn tại Khu công nghiệp Quang Châu của KBC, nhưng toàn bộ nhà máy hiện nay đã dừng hoạt động, buộc phải đóng cửa do pin năng lượng mặt trời xuất khẩu từ Việt Nam bị Mỹ áp thuế 60%. Hàng ngàn công nhân của JA Solar mất việc, doanh nghiệp phải rao cho thuê lại đất nhà xưởng nhưng chưa thực hiện được. Đây là ví dụ về ảnh hưởng lớn của thuế quan Mỹ nếu các bên không sớm đàm phán để giảm thuế xuống mức phù hợp.
Đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) chia sẻ, hiện chưa biết chính xác các mặt hàng gỗ sẽ chịu mức thuế bao nhiêu, kỳ vọng mặt hàng gỗ sẽ không bị Mỹ áp thuế. Hội cần chờ thêm thông tin chính thức từ phía Mỹ trước khi đưa ra đánh giá tác động cụ thể.
Theo HAWA, Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành gỗ Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang Mỹ đạt hơn 9 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2023 và chiếm hơn 50% tổng lượng đồ nội thất xuất khẩu. Trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng, nhiều doanh nghiệp trong ngành lo ngại sẽ gặp khó khăn, nhưng cũng đã có sự chuẩn bị từ trước.
Đối với ngành thuỷ sản, thông tin về mức thuế 46% từ Mỹ là không thể tin nổi và có lẽ không ai dự báo được mức này, hiện đang chờ đợi thêm các thông tin chi tiết và kỳ vọng vào kết quả đàm phán sắp tới sẽ có mức thuế thấp hơn.
Thủy sản Việt Nam là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tỷ đô sang Mỹ trong năm 2024, nếu bị áp thuế 46% thì gần như sẽ không thể cạnh tranh trong thời gian tới, đặc biệt khi Ecuador chỉ chịu thuế 10%. Trường hợp không có giải pháp, không thể đàm phán để điều chỉnh mức thuế, thì việc một số doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam buộc phải rút khỏi thị trường Mỹ là điều được nhiều bên tính đến.
Chuyên gia Dragon Capital cho rằng, mức thuế mới mà Mỹ áp dụng lên hầu hết sản phẩm nhập khẩu sẽ làm cho giá hàng hóa tại đây tăng lên, qua đó giảm nhu cầu tiêu dùng. Vì vậy, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này dự kiến sẽ giảm, nhất là khi mức áp thuế với hàng Việt Nam cao hơn các nước khác, dẫn tới nguy cơ bên nhập khẩu chuyển hướng sang mua hàng từ các quốc gia chịu mức thuế thấp hơn.
Dragon Capital ước tính, thuế mới tác động đến nhu cầu hàng hóa của Mỹ từ 66 - 315 tỷ USD. Mức thuế xuất khẩu trung bình tất cả quốc gia vào Mỹ khoảng 25%, tổng nhu cầu nhập khẩu của Mỹ có thể giảm 7,33%, tương đương gần 250 tỷ USD.
Nhu cầu hàng hóa Mỹ giảm sẽ làm sức cầu giảm. Với tác động của chính sách thuế mới thì kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ dự kiến giảm hơn 13 tỷ USD.
Lưu ý, thuế suất 46% ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời sẽ có mức chênh lệch thuế suất với từng loại sản phẩm, nên các doanh nghiệp có thể dịch chuyển hàng hóa sang các nước khác khoảng 24 tỷ USD. Theo đó, tổng tác động từ thuế quan mới của Mỹ đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khoảng 37,5 tỷ USD, tương đương 9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
TS. Chu Thanh Tuấn, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá, thuế quan mới của Mỹ có thể định hình lại mặt bằng xuất khẩu của Việt Nam, khiến thị trường chao đảo và thách thức khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Tác động trực tiếp đến Việt Nam là rất rõ nét. Các ngành xuất khẩu chủ lực, bao gồm dệt may, điện tử, da giày, thủy sản và đồ gỗ, đều phụ thuộc không nhỏ vào thị trường Mỹ. Gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hướng đến người tiêu dùng Mỹ. Việc Mỹ áp thuế ở mức 10 - 40% có thể làm xói mòn lợi thế cạnh tranh về giá, dẫn đến nguy cơ bị hủy đơn hàng và buộc doanh nghiệp hoặc phải chấp nhận giảm biên lợi nhuận hoặc phải chuyển hoạt động sản xuất sang khu vực khác.
Hệ quả không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp. “Bạn tôi, giám đốc điều hành một công ty sản xuất sợi không xuất khẩu sang Mỹ, chia sẻ rằng: Chúng tôi không vận chuyển hàng hóa sang Mỹ, nhưng loại thuế này đang bóp nghẹt cả ngành”, ông Tuấn kể.
Lo lắng đó phản ánh mối quan ngại trên khắp cộng đồng doanh nghiệp. Thuế quan nhắm vào hàng Việt Nam xuất đi Mỹ có thể gây gián đoạn trên toàn bộ chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí đầu vào và làm giảm nhu cầu trên nhiều lĩnh vực trong nước.
Những hiệu ứng kép này đã dẫn tới phản ứng mạnh từ thị trường chứng khoán. Mức giảm gần 7% trong phiên 3/4/2025 cho thấy, tâm chấn không dừng lại ở các doanh nghiệp xuất khẩu, mà còn lan tới tâm lý nhà đầu tư và niềm tin kinh doanh trên toàn thị trường.
Tác động gián tiếp cũng không kém phần lo ngại, bao gồm: gián đoạn chuỗi cung ứng, khi người mua từ phía Mỹ cắt giảm đơn hàng hoặc yêu cầu đàm phán lại mức giá; sụt giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt từ các nhà sản xuất định hướng xuất khẩu; ảnh hưởng dây chuyền tới các lĩnh vực trong nước như logistics, tài chính, đóng gói và tuân thủ quy chuẩn; biến động tỷ giá, bắt nguồn từ tâm lý thị trường bất ổn và áp lực vĩ mô gia tăng.
Một số việc cần làm ngay
Giám đốc tài chính một doanh nghiệp sản xuất SPC xuất khẩu sang Mỹ cho biết, ông đang có chuyến công tác tại Trung Quốc nên đến cuối tuần này, doanh nghiệp mới họp bàn để đề ra các kịch bản ứng phó với mức thuế quan mới của Mỹ.
Trước đây, doanh nghiệp đã nộp dữ liệu báo cáo đến cơ quan quản lý và Bộ Công thương để có những hành động cần thiết nhằm ứng phó với tình trạng hàng hóa một số nước “mượn” xuất xứ hàng hóa Việt Nam. Đây sẽ là động thái cơ quan quản lý phải quyết liệt để chứng minh nỗ lực với phía Mỹ trong thời gian tới.
Về phần mình, doanh nghiệp chỉ có cách hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín, chứng minh nguồn gốc nguyên liệu và sản phẩm rõ ràng, chứng minh sản xuất thuần Việt với các nhà nhập khẩu. Không chỉ là thuế quan, nếu có các dấu hiệu gian lận về sản xuất, tàu chở hàng xuất khẩu đều phải quay đầu vì bị phía Mỹ trả về.
TS. Chu Thanh Tuấn cho rằng, để giảm thiểu tác động từ mức thuế quan mới của Mỹ, cả Chính phủ và doanh nghiệp phải hành động nhanh chóng và đồng bộ, trước mắt tập trung vào hoạt động ngoại giao.
Ngày 3/4/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo các bộ, ngành chủ chốt nhằm ứng phó với quyết định áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam của Mỹ. Tại cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ công tác phản ứng nhanh và yêu cầu các bộ liên quan phối hợp chặt chẽ, đồng thời thu thập ý kiến từ các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Trong các cuộc làm việc sắp tới do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, cũng như trong các phiên họp liên ngành sau đó, Việt Nam cần nhấn mạnh vai trò kinh tế chiến lược của mình đối với các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động theo từng ngành để ngăn chặn những hệ lụy lan rộng.
Về phần mình, các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng kế hoạch dự phòng ngắn hạn cho nhiều kịch bản thuế quan khác nhau như 10%, 20%, 30% và cao hơn. Các kế hoạch này nên bao gồm điều chỉnh giá bán, tái cơ cấu chi phí, đàm phán lại điều khoản giao hàng và đánh giá tác động với các hợp đồng đã ký trước thời điểm Mỹ chính thức áp thuế.
Việt Nam và cả các doanh nghiệp nên tích cực truyền thông rằng, thặng dư thương mại với Mỹ chủ yếu đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ nước này đang hoạt động tại Việt Nam, với lợi nhuận đáng kể quay trở lại các công ty mẹ ở Mỹ. Việc truyền thông lại câu chuyện này là điều quan trọng giúp giảm bớt ấn tượng về sự không công bằng dẫn đến các chính sách bảo hộ.
Khi các rủi ro trước mắt được kiểm soát, cần chuyển hướng chú ý sang giảm thiểu các phụ thuộc mang tính cấu trúc và nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế, bao gồm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tăng các khâu có giá trị gia tăng trong nước và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu trung gian từ Trung Quốc, thường bị soi xét trong khâu kiểm tra xuất xứ từ Hải quan Mỹ; nâng cấp hệ thống truy xuất nguồn gốc và đầu tư vào công nghệ tuân thủ sẽ hỗ trợ cho nỗ lực này; tìm hiểu thêm về sản xuất xuyên biên giới.
“Việt Nam phải thực thi nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ để ngăn chặn việc hàng hóa Trung Quốc đội lốt xuất xứ Việt Nam. Đây là vấn đề nhạy cảm với giới chức thương mại Mỹ và nếu không kiểm soát tốt, Việt Nam có thể phải đối mặt với các hình phạt bổ sung”, TS. Tuấn nói.
|
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) |
Doanh nghiệp dệt may như TCM đều bất ngờ và sốc với mức áp thuế quá cao của Mỹ. Trước đó, chúng tôi dự đoán, tỷ lệ áp thuế từ 5 - 7%, cao nhất là 25%.
Các nền kinh tế phía Nam Trung Quốc đều bị Mỹ áp thuế ở mức cao tương tự Việt Nam như Lào 48%, Campuchia 49%. Có thể thấy, phía Mỹ muốn chặn đường xuất xứ hàng hóa Trung Quốc qua một nước khác trước khi xuất sang Mỹ.
Chúng tôi đang chờ thông tin về các cuộc đàm phán của Chính phủ với phía Mỹ, hy vọng sẽ có mức thuế phù hợp hơn. Hiện mức thuế riêng cho ngành dệt may vẫn chưa có nên TCM cần “nghe ngóng” thêm.
Đa dạng thị trường xuất khẩu là việc làm cần thiết và quan trọng. Tôi đã chia sẻ câu chuyện này nhiều lần với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên. Tại TCM, tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ đang là 25 - 27%, thị trường chủ lực của chúng tôi vẫn là châu Á. Thời gian này, chúng tôi tập trung mở rộng thị trường tại các nước có Hiệp định CPTPP do có ưu đãi thuế, trong đó tập trung vào Canada, Úc.
Tại thị trường châu Âu, trước đây, dệt may Việt Nam chưa thể cạnh tranh do chính sách thuế cao. Tuy nhiên, sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi và đến năm 2025, hầu như các thuế suất ngành dệt may về 0%, doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ “dễ thở” hơn. Đây được xem là lợi thế so với những năm trước. Thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ tại châu Âu để tìm kiếm khách hàng.