Cụ thể, Hà Nội được lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật đấu thầu; trong 10 ngày làm việc, Bộ KH&ĐT phải thẩm định xong nhà đầu tư dự án PPP cho Hà Nội.
Về nguyên tắc các dự án PPP, trong đó có BOT - (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao, kinh doanh) phải thông qua đấu thầu công khai. Tuy nhiên, theo cơ chế đặc thù Hà Nội được lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để giải quyết ùn tắc giao thông.
Cụ thể, lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Điều 26 Luật Đấu thầu đối với các dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng giao cho UBND TP.
Hà Nội xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với từng dự án cụ thể (trong đó lưu ý làm rõ yếu tố đặc thù của từng dự án), gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp các bên liên quan thẩm định phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Phó Thủ tướng yêu cầu: Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ do Hà Nội cung cấp, Bộ KH&ĐT phải hoàn thiện việc thẩm định phương án, nhà đầu tư để báo cáo kết quả cho Thủ tướng.
Về ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn của Thành phố ký kết các hợp đồng dự án nhóm A theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng), Phó Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội chủ động quyết định việc ủy quyền theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, Hà Nội chủ động phối hợp với Bộ KH&ĐT đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ Hà Nội xây dựng kế hoạch tổng thể đầu tư hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội trong thời gian tới, trong đó yêu cầu nêu rõ khả năng huy động nguồn lực đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2018.