Bổ sung hoạt động trung gian thanh toán
Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, hôm nay (7/9) Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Dự thảo gồm 4 chương và 63 điều (giữ nguyên số chương và tăng 10 điều, bỏ 1 điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành).
Tờ trình Dự án Luật do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký cho biết, một trong những vấn đề cần được sửa đổi là đối tượng báo cáo.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, đối tượng báo cáo của Luật Phòng, chống rửa tiền bao gồm 2 nhóm: các tổ chức tài chính (FIs) và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan (DNFBPs). Nhưng, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số hoạt động mới cần được bổ sung vào đối tượng báo cáo, như hoạt động trung gian thanh toán.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng luật, cơ quan chủ trì soạn thảo (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) có đề xuất bổ sung đối tượng báo cáo mới, nhưng chưa có khung pháp lý điều chỉnh, là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay trên nền tảng công nghệ.
Sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đánh giá tính khả thi, đồng thời để đảm bảo quy định có tính bao quát đối với các hoạt động phát sinh trong tương lai, Dự thảo Luật đã được điều chỉnh lại. Hướng điều chỉnh là giao Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động mới phát sinh là đối tượng báo cáo.
Đồng thời, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền.
Theo đó, trên cơ sở đánh giá kết quả rủi ro về rửa tiền và việc hoàn thiện khung pháp lý đối với các hoạt động mới phát sinh về rủi ro về rửa tiền, Chính phủ sẽ xem xét việc bổ sung đối tượng thực hiện các hoạt động mới là đối tượng báo cáo của Luật Phòng, chống rửa tiền.
Giải trình thêm về vấn đề này trong một báo cáo riêng gửi các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chính phủ cho biết, trong quá trình các ủy ban của Quốc hội làm việc về Dự thảo Luật, về cơ bản, các ý kiến thống nhất với quy định giao Chính phủ hướng dẫn các hoạt động mới phát sinh của đối tượng báo cáo có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền nhằm tạo sự linh hoạt cho Chính phủ trong ứng phó với các rủi ro mới, nhưng phải báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật mới nhất đã quy định, trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động mới phát sinh ngoài các hoạt động quy định tại Dự thảo là đối tượng báo cáo. Trước khi ban hành Nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Rất khó xác định dấu hiệu đáng ngờ
Gửi báo cáo đến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra Dự án Luật) nêu một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện, trong đó có báo cáo giao dịch đáng ngờ.
Nội dung này tại Dự thảo Luật mới nhất thể hiện ở 7 điều tương ứng với khái niệm “giao dịch đáng ngờ” và “dấu hiệu giao dịch đáng ngờ” trong từng lĩnh vực cụ thể.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, thì khối lượng báo cáo là tương đối lớn, trong khi quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ. Ví dụ các quy định: “tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường”; “khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”; “khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn”, “thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không rõ ràng, minh bạch”…
Đề nghị từ cơ quan thẩm tra là cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lượng hóa các chỉ tiêu, tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy định để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.
Bên cạnh đó, có ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định về các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kế toán, công chứng, luật sư... bảo đảm bao quát đầy đủ các hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan đã được quy định tại Dự thảo.
Lần sửa đổi này, một trong những điểm mới đáng chú ý nữa là việc bổ sung quy định về nghĩa vụ thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro quốc tế về rửa tiền.
Theo đó, định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam, trình Chính phủ phê duyệt kết quả và kế hoạch thực hiện sau đánh giá.
Chính phủ cũng nêu rõ, việc đánh giá này được thực hiện đối với cả các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền, chưa thuộc hoạt động của đối tượng báo cáo quy định tại luật này.
Nhưng, cũng như nội dung về đối tượng báo cáo mới, Dự thảo giao Chính phủ quy định về tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền. Lý do được nêu tại Tờ trình là do các tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền mang tính kỹ thuật và có thể thay đổi trong từng thời kỳ.
Sau khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện, trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022) và dự kiến được thông qua ngay tại kỳ họp này.
Quy định trì hoãn giao dịch cần hợp hiến
Liên quan đến các biện pháp trì hoãn giao dịch, Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) quy định 2 trường hợp, gồm: khi nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội; khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có liên quan.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sở hữu, quyền định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản của họ được quy định tại Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, nhất là đối với trường hợp trì hoãn giao dịch khi mới nghi ngờ, đồng thời cần quy định cụ thể ngay trong Luật mà không quy định tại văn bản hướng dẫn thi hành về trường hợp nào áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch cũng như chủ thể nào có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của các quy định này.
Xem xét 6 dự án luật
Bên cạnh Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), trong hai ngày 7 và 8/9/2022 các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách còn cho ý kiến đối với 5 dự án luật khác, gồm: Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) sẽ được thảo luận và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022).