Các công ty bảo hiểm đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, nhất là trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm, ông đánh giá tình hình thực tế hiện nay ra sao?
Sự tham gia của công nghệ 4.0 vào thị trường bảo hiểm có thể chia làm hai mảng, đó là công nghệ 4.0 lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và công nghệ 4.0 lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, vì các doanh nghiệp ở hai lĩnh vực này có sự phát triển rất chênh lệch.
Việt Nam có 18 công ty bảo hiểm nhân thọ thì hầu hết công ty lớn đã ứng dụng công nghệ vào việc ký kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với khách hàng, điển hình như AIA, Manulife, Prudential, Generali, Chubb Life, FWD…, giúp giảm hàng loạt thủ tục giấy tờ. Ðặc biệt, một số công ty thực hiện bồi thường online với những sản phẩm như tai nạn, hỗ trợ chi phí nằm viện.
Còn các công ty bảo hiểm phi nhân thọ hầu như chưa ứng dụng công nghệ vào ký kết hợp đồng bảo hiểm với khách hàng, các thủ tục ký hợp đồng và cấp hợp đồng vẫn phải thực hiện thủ công, tức thủ tục giấy tờ rất nhiều.
Hiện tại, mới chỉ có Công ty Bảo hiểm VietinBank ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc ký kết hợp đồng bảo hiểm với khách hàng, đồng bộ hóa từ cấp đơn đến bồi thường cho khách hàng trên apps.
Ngoài ra, một vài đơn vị cấp hợp đồng qua apps với dòng sản phẩm bảo hiểm tai nạn như apps LIAN của Bảo hiểm Viễn Ðông.
Trong vai trò là khách hàng cũng như chuyên gia trực tiếp trải nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 của các công ty bảo hiểm, ông có cảm nhận như thế nào?
Với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, hầu hết công ty đều cung cấp cho khách hàng một tài khoản để quản lý, theo dõi tình trạng hợp đồng bảo hiểm, tra cứu lịch sử bồi thường, gia hạn đóng phí bảo hiểm trực tuyến và bồi thường trực tuyến với một số sản phẩm đơn giản.., điều đó đem lại sự trải nghiệm cho khách hàng rất tốt.
Khách hàng có thể chủ động trong việc theo dõi, tra cứu hợp đồng, lãi suất, thông báo của các công ty bảo hiểm hàng năm, đóng phí online cùng nhiều thông tin hữu ích khác.
Còn với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, chưa có nhiều doanh nghiệp làm được điều này, nên khách hàng gần như ở thế bị động.
Vì sao các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chưa ứng dụng công nghệ 4.0?
Ông Đặng Đình Chính, chuyên gia đào tạo marketing bảo hiểm.
Không ít doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đang triển khai bán bảo hiểm trực tuyến qua website của công ty, qua apps thì chưa nhiều và khách hàng mua hầu như chưa có.
Tôi cho rằng, các doanh nghiệp chỉ coi hoạt động này như một hình thức truyền thông và nhận diện thương hiệu.
Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chưa ứng dụng công nghệ 4.0, đặc biệt là ký hợp đồng bảo hiểm trực tuyến, có thể do tỷ lệ trục lợi nghiệp vụ bảo hiểm vật chất xe cơ giới và bảo hiểm con người, cụ thể là bảo hiểm chăm sóc sức khỏe vẫn ở mức cao, trong khi chưa có hệ thống chia sẻ thông tin về khách hàng giữa các công ty bảo hiểm cũng như kết nối thông tin với hệ thống y tế.
Một người bạn làm bảo hiểm ở Ðài Loan cho biết, hệ thống bảo hiểm tại đây được đồng bộ hóa, thông tin về khách hàng sẽ có trong một hệ thống chung như tham gia sản phẩm bảo hiểm gì, tại công ty nào…, từ đó các công ty bảo hiểm dễ dàng nhìn được lịch sử tham gia và bồi thường của khách hàng.
Hệ thống y tế cũng được đồng bộ hóa, công ty bảo hiểm có thể thấy được lịch sử khám bệnh của khách hàng từ các bệnh viện, qua đó giảm thiểu nguy cơ trục lợi bảo hiểm sức khỏe.
Mặt khác, các công ty cần phải xây dựng được đội ngũ bán hàng, lực lượng đại lý bảo hiểm chính là nòng cốt, nếu có công nghệ rồi mà không có lực lượng đại lý rộng rãi thì cũng khó có thể thành công.
Ngoài ra, khách hàng thường có tâm lý e ngại khi tham gia bảo hiểm trực tuyến.
Theo ông, đâu là lý do khiến khách hàng có tâm lý e ngại khi tham gia bảo hiểm trực tuyến?
Không giống như các sản phẩm hàng hóa hữu hình thông thường khác, bảo hiểm là một sản phẩm tài chính vô hình, mang những tính năng phức tạp nhất định với việc ràng buộc nhiều điều khoản, quy tắc.
Do đó, khách hàng thường có tâm lý e ngại rằng, nếu ký hợp đồng trực tuyến rồi, ai là người sẽ hỗ trợ các thủ tục giấy tờ, hồ sơ bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra?
Trong khi đó, điều khoản, quy tắc bảo hiểm về câu chữ rất phức tạp, khó hiểu.
Ðó là hai điểm mấu chốt về việc khách hàng khó tiếp nhận việc ký kết hợp đồng trực tuyến qua apps hay website.
Vì thế, lực lượng đại lý bán hàng trực tiếp nhiều khả năng vẫn là kênh phân phối bảo hiểm chính trong thời gian tới.
Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ thực hiện ký kết hợp đồng bảo hiểm và thẩm định hợp đồng qua apps đang có những thành công bước đầu là vì họ có đội ngũ đại lý rộng khắp.
Tuy nhiên, đại lý bảo hiểm vẫn phải là người gặp trực tiếp khách hàng để tư vấn và ký hợp đồng.
Thị trường đang có các startup công nghệ bảo hiểm như Inso, Miin, Gobear… Ông có nhận xét gì về các doanh nghiệp này?
Theo quan điểm của tôi, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) đã nhìn ra được sự phát triển của Insutech (công nghệ bảo hiểm) trong tương lai, nhưng hiện nay, các starup đang triển khai những dòng sản phẩm đơn giản như bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm viện phí, bảo hiểm tình yêu…, e rằng hoa hồng bảo hiểm chưa đủ trả chi phí duy trì doanh nghiệp.
Việc khách hàng được đại lý tư vấn mua trực tiếp đã thấy khó, để khách hàng tự tải apps về, tự tìm hiểu điều khoản và chuyển khoản mua bảo hiểm e rằng còn khó hơn nữa, nhất là những dòng sản phẩm phức tạp về bồi thường như bảo hiểm vật chất xe ô tô, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ.
Hướng đi của của Gobear, một nền tảng so sánh phí bảo hiểm, các sản phẩm tín dụng trực tuyến của một doanh nghiệp tại Singapore và có mặt tại 7 nước châu Á, trong đó có Việt Nam, tôi đánh giá là phù hợp với thị trường Việt Nam ở giai đoạn hiện tại.
Thay vì tự triển khai vận hành một hệ thống cấp đơn trực tuyến và bồi thường, hệ thống của Gobear so sánh các mức phí bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm, khách hàng thấy sản phẩm nào phù hợp thì đồng ý đặt mua, sau đó hệ thống sẽ chuyển thẳng tới nhà bảo hiểm gốc và đơn được cấp online, còn doanh thu có thể được tính vào Gobear.