Ứng biến trong vạn biến

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Càng khó khăn, doanh nghiệp càng phải vươn lên mạnh mẽ hơn nữa để tìm lối đi cho mình.
Đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn đang là hướng đi được FPT và một số công ty công nghệ hướng tới. Đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn đang là hướng đi được FPT và một số công ty công nghệ hướng tới.

Linh hoạt tìm kiếm cơ hội

Từ NewYork, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC) tham gia trực tuyến tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Động lực mới, cơ hội mới” do Báo Đầu tư tổ chức (hồi cuối tháng 7/2024) và chia sẻ quan điểm trên.

Ông Tâm đến Mỹ để giới thiệu, xúc tiến cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Tại đây, ông đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn của Mỹ.

Ông nói: “Hiện nay, nền kinh tế thế giới biến động liên tục, các quốc gia nằm trong vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt. Việt Nam nằm trong vòng xoáy đó nhưng may mắn có lối thoát riêng, thậm chí đang ở trục hưởng lợi của các làn sóng kinh tế này. Thực tế, Việt Nam đang chiếm một ưu thế nhất định trên trường quốc tế do nhiều nhà đầu tư quốc tế đang chuyển dịch về Việt Nam. Điều đó giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong thời gian qua, cũng như tiếp tục hưởng lợi trong tương lai”.

Thông qua các cuộc gặp với nhiều doanh nghiệp lớn tại Mỹ, ông Tâm chia sẻ, họ đánh giá Việt Nam là “thiên đường đầu tư” yên bình với các chính sách hỗ trợ rất tích cực từ Chính phủ, trong bối cảnh nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đang “chao đảo” bởi những bất ổn địa chính trị.

Nhưng, làm sao để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dòng dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài một cách hoàn hảo? Nêu thực tế trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa sẽ giúp chúng ta phát triển công nghệ sản xuất chip, nhưng mới đây, Tập đoàn Intel đã hủy kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, ông Tâm cho rằng, “đó là do chúng ta chưa sẵn sàng, chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao”.

“Do đó, trước khi doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam, chúng ta phải tập trung vào việc đào tạo nhân lực công nghệ cao. Đào tạo một nhân lực để sản xuất chip (công nghệ nguồn) thậm chí phải đầu tư gấp 10 lần sản xuất công nghệ cao, nên cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước”, Chủ tịch KBC đề xuất.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, lãnh đạo KBC đã chia sẻ về kế hoạch liên kết đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.

Là doanh nghiệp đầu ngành công nghệ, FPT đã thể hiện khát vọng lớn, sẵn sàng đầu tư và “đặt cược” vào những lĩnh vực công nghệ mới, đầy tiềm năng như bán dẫn, AI. Tập đoàn đã chi 200 triệu USD để liên kết với Nvidia mở nhà máy AI tại Việt Nam.

Trong khó khăn, vẫn có những doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư, tìm kiếm không gian tăng trưởng mới. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đạt Phương đã đầu tư nhà máy sản xuất kính trắng, loại kính chuyên dùng trong pin tích năng lượng tái tạo. Theo nghiên cứu của doanh nghiệp này, hiện nguồn cung kính trắng không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đạt Phương cho biết, Công ty định hướng xuất khẩu, nhà máy đặt tại mỏ nguyên liệu dồi dào, nên đây sẽ là mảng mới được Tập đoàn tập trung trong thời gian tới.

Trong khi đó, không chỉ đầu tư nhà máy mới ở trong nước, Công ty cổ phần May Sông Hồng đầu tư mở nhà máy tại Ai Cập nhằm tận dụng lợi thế chi phí nhân công thấp và quãng đường vận chuyển sản phẩm tới các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu gần hơn.

“Đầu tư vào môi trường mới luôn có rủi ro nhưng cơ hội cũng rất nhiều, đặc biệt là chi phí nhân công thấp so với mặt bằng chi phí hiện tại và trong tương lai ở Việt Nam”, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng chia sẻ.

Chú trọng quản trị rủi ro, nguyên tắc bất biến

Một cuộc khảo sát với 250 lãnh đạo doanh nghiệp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Deloitte thực hiện trong quý II/2024 cho thấy, yêu cầu cấp thiết của các công ty là tái cơ cấu danh mục đầu tư, từ đó, cân đối giữa đầu tư vào các cơ hội tăng trưởng và thoái vốn các tài sản không còn phù hợp với chiến lược.

Cụ thể, có tới 59% các doanh nghiệp đang đánh giá hiệu suất danh mục đầu tư của họ ít nhất 2 lần/năm, tăng 46% so với năm 2022. 95% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát đã từng từ bỏ một thương vụ bán vốn trong 12 - 18 tháng qua. 99% người được khảo sát đang cân nhắc ít nhất một chiến lược thoái vốn thay thế, bên cạnh việc thoái vốn thông thường.

Qua những thăng trầm của nền kinh tế, đặc biệt là cú trượt dài của nhiều doanh nghiệp, sự thận trọng, quản trị rủi ro để bảo vệ thành quả và sự tăng trưởng bền vững đang trở thành nguyên tắc quan trọng, bất biến ở nhiều doanh nghiệp.

Nội dung thảo luận tại Hội nghị Tăng cường năng lực quản trị cho các doanh nghiệp niêm yết do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức mới đây được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thống nhất, đó là cần cập nhật những yếu tố phát triển bền vững, yếu tố tài chính, kinh tế kịp thời đúng mức để phòng xa và có kịch bản ứng phó với rủi ro.

Thế giới ngày nay bị tác động bởi rất nhiều yếu tố bên ngoài, cả sự thay đổi chính sách, nếu người làm kinh doanh không dự liệu đầy đủ thì rủi ro rất lớn.

Khi rủi ro lớn hơn cơ hội, tham vọng lớn sẽ khó thực hiện được và có thể gây hậu quả tiêu cực tới sự phát triển của doanh nghiệp.

Trong quá trình đầu tư và tái cấu trúc doanh nghiệp, các yếu tố về ESG ngày càng đóng vai trò trọng tâm trong việc ra quyết định chiến lược của các công ty, bao gồm việc định hình bộ tiêu chí để đánh giá danh mục đầu tư và các hoạt động tái cơ cấu.

Từ câu chuyện của các lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho thấy, các cân nhắc về ESG thường xuyên được thảo luận trong đợt thoái vốn gần nhất của doanh nghiệp; những bên bán có câu chuyện về ESG rõ ràng sẽ có cơ hội thu về mức giá trị giao dịch dự kiến cao hơn gấp 6 lần.

TS. Daniel Borer, giảng viên Đại học RMIT khuyến nghị các xu hướng thương mại mà doanh nghiệp cần lưu ý:

Thứ nhất, căng thẳng địa chính trị đang định hình lại thương mại toàn cầu và khiến các quốc gia phải thay đổi chiến lược, đẩy mạnh hợp tác khu vực và liên kết với các đối tác thân thiết nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế.

Ở châu Á, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào năm 2020 đã tạo ra khối thương mại lớn nhất từ trước đến giờ, với thành viên gồm khối ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với sự tham gia của các nước châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam và đáng chú ý là cả Vương quốc Anh, cũng đang thúc đẩy thương mại khu vực.

Thứ hai, cùng với xu hướng “near-shoring”, các tập đoàn đa quốc gia đang chuyển dịch cơ sở sản xuất đến gần khách hàng hơn và hướng tới sản xuất trong nước. Ngoài ra, khi các khối phía Tây và Đông bắt đầu xuất hiện trở lại, thương mại ngày càng hướng tới các đối tác chính trị, dẫn đến hình thành khái niệm “friend-shoring” - sản xuất tại các quốc gia bằng hữu.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nền kinh tế toàn cầu đối diện với đầy rẫy những biến động, rủi ro địa chính trị tăng cao, lạm phát còn dai dẳng và có sự phân cực lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia có tác động tới kinh tế Việt Nam. Mỹ vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi các quốc gia châu Á đã xoay trục sang nới lỏng.

Việc nhận rõ những biến số quan trọng tác động đến kinh tế để xây dựng kịch bản đầu tư chủ động, linh hoạt là vô cùng cần thiết đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Với một nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn từ các tác động bên ngoài như Việt Nam, điều hành thế nào, ứng biến ra sao trước mỗi biến động của thị trường là điều không đơn giản.

Yêu cầu đặt ra là cần theo dõi sát, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, dự báo sớm để điều chỉnh, phản ứng chính sách kịp thời, thích ứng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Nghĩa là chúng ta phải biết cách “ứng biến trong vạn biến”.

Ông Đặng Ngọc Hòa Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam

Bối cảnh ngành hàng không trong nước và thế giới có nhiều biến động. Tình trạng thiếu hụt máy bay còn kéo dài do từ tháng 9/2023, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney đã thông báo về việc triệu hồi động cơ PW 1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất.

Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên 42 máy bay Airbus A321 NEO do Vietnam Airlines và VietJet Air khai thác. Việc này làm 50% số máy bay Airbus A321 NEO phải dừng khai thác từ tháng 1/2024.

Vietnam Airlines đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp, bám sát diễn biến thị trường. Hãng đã khôi phục mạng đường bay quốc tế tương đương 90% năm 2019, mở thêm các đường bay mới như Hà Nội/TP.HCM - Mumbai, Hà Nội - Melbourne, TP.HCM - Perth. Năm nay, hãng sẽ mở rộng mạng bay quốc tế với các đường bay mới đến Tây Âu và Đông Nam Á.

Đối với thị trường nội địa, hãng điều chỉnh tần suất bay để phù hợp với nhu cầu thị trường, duy trì thị phần chính trên các đường bay trọng điểm và tăng tải trên các đường bay du lịch, nâng cao năng lực quản trị điều hành sản phẩm và giá cả.

Chúng tôi tập trung chuẩn bị đầu tư dự án tàu bay thân hẹp, dự án chuyển đổi cấu hình các tàu bay A321 để nâng cao hiệu quả khai thác, đáp ứng nhu cầu của thị trường và phát triển trên cơ sở phù hợp với định hướng tái cơ cấu đội tàu bay.

Bên cạnh đó, tập trung thoái vốn tại một số công ty thành viên, tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, danh mục đầu tư. Mục tiêu lớn là giảm lỗ, tiến tới cân đối được thu chi trong năm 2024.

Ông Hoàng Tuyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH

Công ty đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký với Bộ Y tế để đưa Bệnh viện TNH Việt Yên tại Bắc Giang đi vào hoạt động. Chúng tôi cũng đã tuyển dụng, đào tạo đội ngũ hàng trăm y bác sĩ, nhân viên y tế, sẵn sàng các điều kiện phục vụ người dân ngay khi được cấp phép.

Trong chiến lược phát triển của TNH đến năm 2030, Công ty dự kiến sẽ đầu tư chuỗi 10 bệnh viện trên khắp cả nước, trong đó có những bệnh viện chuyên khoa u bướu, mắt, phụ sản, đột quỵ… Trước mắt, chúng tôi tập trung vào Bệnh viện TNH Việt Yên tại Bắc Giang; Bệnh viện mắt TNH Thái Nguyên.

Cùng với đó, Công ty tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư Bệnh viện TNH Lạng Sơn với quy mô dự kiến 300 giường bệnh, Bệnh viện TNH Hà Nội với quy mô 500 giường bệnh.

Các bệnh viện đều được xây dựng đảm bảo cơ sở vật chất tốt, nhân sự có chuyên môn cao. Khi TNH Hà Nội đi vào hoạt động thì đã có nền tảng từ 5 bệnh viện khác đã hoạt động. Các bệnh viện ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng là trung tâm đào tạo nhân lực, cung cấp nhân lực cho hệ thống.

Đại hội cổ đông TNH mới đây đã thông qua nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 70% và đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH.

Việc nới room ngoại sẽ mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng tỷ lệ sở hữu tại TNH, đem thêm nguồn lực tài chính cho việc hiện thực hóa tham vọng mở chuỗi bệnh viện của Công ty. Ban lãnh đạo TNH cầu thị và mở cửa với việc có thêm các nguồn lực để phát triển bền vững doanh nghiệp và không lo ngại việc doanh nghiệp bị thâu tóm, cổ đông nội hay ngoại tham gia đầu tư vào doanh nghiệp, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, chúng tôi đều hoan nghênh.

Thủy Anh
Theo Đặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp Niêm yết 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục