Ứng biến thuế quan Mỹ : 4 hành động doanh nghiệp cần tập trung

(ĐTCK) Vào lúc 10h25 sáng 2/7 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng trên mạng xã hội Truth Social rằng ông vừa có một thỏa thuận thương mại với Việt Nam.

Ngày 2/4, Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng lên hơn 180 nền kinh tế, trong đó có Việt Nam với mức thuế lên tới 46%. Ngày 9/4, Mỹ tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày, cho thời gian để các bên có thể đàm phán chính sách.

Thời hạn 9/7 - ngày ngã ngũ chính sách thuế đến gần, cộng đồng doanh nghiệp ngóng trông kết quả đàm phán và điều này phần nào được giải đáp khi ngày 2/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng trên mạng xã hội Truth Social rằng ông vừa có một thỏa thuận thương mại với Việt Nam.

Chia sẻ nhận định về diễn biến mới này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển Khách hàng bán lẻ, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, theo thông báo của Tổng thống Trump, Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng 20% cho hàng hóa sản xuất từ Việt Nam và 40% cho các hàng hóa quá cảnh sang Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có thông tin cụ thể về các mặt hàng sẽ chịu thuế cụ thể.

"Có 3 khả năng chúng ta sẽ nên hiểu theo là: Chúng ta sẽ có khoảng khung áp thuế 10 - 20%, hay là áp đồng đều lên các mặt hàng 20%, hay là 20% là mức trung bình (nghĩa là cũng sẽ có các ngành chịu mức thuế trên 20%). Tuy nhiên, như tinh thần chung mà Mỹ muốn áp thuế cho hàng hóa Việt Nam là giảm sự lệ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc, cho nên chúng tôi vẫn nghĩ có khả năng sẽ áp dụng 10 - 20% cho các hàng hóa sản xuất từ Việt Nam và mức thuế được áp dụng tùy vào tỷ lệ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Nếu khả năng khung thuế quan từ 10 - 20% cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là dấu hiệu tích cực, dù nó vẫn cao hơn so với kỳ vọng của chúng tôi trước đó là 10 - 15%. Do đó, lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vẫn cao hơn so với Trung Quốc và cũng có thể với các nước trong khu vực (nhưng cần chờ quan sát thêm mức thuế cụ thể cho từng quốc gia)", ông Minh phân tích.

Mức 40% được áp dụng cho hàng hóa trung chuyển sang Việt Nam, điều quan trọng là định nghĩa và quy định cụ thể cho hàng hóa trung chuyển là gì và Việt Nam sẽ có các giải pháp như thế nào để thỏa thuận với Mỹ.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, trước giờ G của kết quả thuế quan, doanh nghiệp đang chạy đua nước rút nhằm hạn chế sự tác động của chính sách thuế lên hoạt động kinh doanh đồng thời cần hành động dựa trên bốn yếu tố cốt lõi.

Thứ nhất, các doanh nghiệp xuất khẩu có tỷ trọng hàng hóa xuất vào Mỹ lớn như dệt may, da giày, điện tử, sắt thép, gỗ và các sản phẩm gỗ, thủy hải sản, nông sản… sẽ chịu tác động của biến động chính sách thuế quan Mỹ. Để giảm thiểu tác động và tránh phụ thuộc vào thị trường lớn, doanh nghiệp cần đa dạng thị trường xuất khẩu, mở rộng xuất khẩu sang các quốc gia có nền kinh tế phát triển, thu nhập tốt như khối EU, trong đó các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch… có sức tiêu thụ tốt nên chú trọng khai thác. Ngoài ra, các thị trường tiềm năng lớn như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan và các quốc gia phát triển ở Trung Đông như Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Ả Rập Xê Út, Quatar bên cạnh một số quốc gia thuộc Bắc Mỹ và Nam Mỹ…doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm mở rộng thị phần. Đây là giải pháp căn cơ nhất để thích ứng với các biến động về thuế quan.

Khi đa dạng thị trường thì nếu chính sách thuế của Mỹ có ở mức cao cũng sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp cần xem lại cơ cấu nguồn cung nguyên liệu đầu vào, giảm phụ thuộc nguyên liệu vào một quốc gia, thay vào đó đa dạng nguồn cung nguyên liệu, chứng minh xuất xứ hàng hóa tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe vào thị trường Mỹ.

Thứ ba, chủ động kiểm soát chi phí đầu vào và chi phí quản lý doanh nghiệp qua đó giúp giảm chi phí sản xuất sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nếu thuế tăng cao, nhà mua hàng yêu cầu giảm giá sản phẩm và chi phí sản xuất đã giảm sẽ giúp doanh nghiệp vẫn đảm bảo giữ được biên lợi nhuận tốt.

Thứ tư, các doanh nghiệp chủ động phối hợp với các cơ quan ban ngành, hiệp hội, khi có điều kiện có thể đề xuất cơ chế chính sách thuế ưu đãi phù hợp trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí từ Mỹ, chứng minh xuất xứ nguồn gốc, đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, sắt thép, gỗ, thủy hải sản…Doanh nghiệp cố gắng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tiếp cận nhanh dựa vào sự hợp tác từ Mỹ để có giải pháp tốt nhất cho thương mại song phương.

Chung quan điểm về đa dạng hóa thị trường là yếu tố quan trọng, bà Lê Hằng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, với tinh thần sẵn sàng phải đối mặt với mọi kịch bản có thể xảy ra, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản phải xác định những chiến lược cho mọi kịch bản cả trong tình huống xấu hay tình huống tốt đẹp. Không nên bỏ những cả trứng vào một giỏ mà phải đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa sản phẩm để có thể trong tương lai xa hơn, bởi tương lai càng khó đoán.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định, tình hình thuế đối ứng của Hoa Kỳ có thể có tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 56%, riêng năm 2024 Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trên 9 tỷ USD.

Trong mấy tháng gần đây khi chính sách tạm hoãn áp thuế đối ứng, các doanh nghiệp tranh thủ xuất khẩu nên có tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nửa cuối năm còn lại, các doanh nghiệp còn trông đợi rất nhiều vào kết quả đàm phán giữa hai chính phủ. Chúng tôi rất hy vọng rằng là hai bên sẽ tìm được một tiếng nói chung, minh bạch, công bằng, đảm bảo rằng là các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp gỗ của chúng tôi thì không bị thua thiệt so với lại các doanh nghiệp cùng ngành hàng của các nước khác.

Theo ông Hoài, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực, giảm lợi nhuận để giữ khách, tìm kiếm các thị trường khác ngoài thị trường Hoa Kỳ. Đối với thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt chủ động đàm phán với khách hàng, chia sẻ với các nhà nhập khẩu của nước này.

Trên tinh thần thích ứng linh hoạt, doanh nghiệp càng có sự chuẩn bị tốt, sẽ hạn chế tác động của biến động chính sách thuế quan lên hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục