“Về mặt lý thuyết, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Các bạn đã biết về luật mới được Nghị viện Ukraine Verkhovna Rada thông qua ngày 19/5 vừa qua”, bà Jaresko cho biết, giải thích cho thông tin về trường hợp vỡ nợ nếu Ukraine không có khả năng để trả các khoản nợ đến hạn sắp tới.
Trong tháng 5, Nghị viện Ukraine đã thông qua một điều luật cho phép Chính phủ Kiev có quyền trì hoãn thanh toán các khoản nợ mà quốc gia này đang nợ nước ngoài. Luật này sẽ có hiệu lực cho tới 1/7/2016. Việc không đủ khả năng để trả nợ cũng đồng nghĩa với tình trạng vỡ nợ của Ukraine.
Bernard Monot, thành viên Nghị viện châu Âu tại Pháp cho biết: "Tôi nghĩ nếu không có sự trợ giúp từ Nga, Ukraine sẽ không thể vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế này. Nền kinh tế Ukraine được kết nối chặt chẽ với Nga. Nếu Ukraine cố gắng thoát ra khỏi mối quan hệ trên, chúng ta sẽ nhận ra rằng, quốc gia này không thể tự mình vượt qua vấn đề kinh tế nếu thiếu sự trợ giúp từ Nga”.
Bernard Monot cũng cho biết thêm, việc Ukraine vỡ nợ hoàn toàn có thể xảy ra trong tháng 7 tới, bởi quốc gia này lẽ ra đã vỡ nợ trong quá khứ nếu không nhờ “nền kinh tế và các quỹ hỗ trợ của Nga”.
Hiện tại, nền kinh tế Ukraine bị tổn hại nặng nề bởi cuộc xung đột giữa Chính phủ và lực lượng nổi dậy tại phía Đông đất nước. Theo ước tính, Ukraine đang nợ 50 tỷ USD, trong đó có 30 tỷ USD là nợ quốc tế, bao gồm cả khoản nợ 3 tỷ USD của Nga. Hôm thứ Hai (22/6) vừa qua, Ukraine đã trả được 75 triệu USD trong số nợ 3 tỷ đối với Nga.