Như vậy, Khosrowshahi sẽ mang gánh nặng lớn khi kế nhiệm Travis Kalanick, người sáng lập và đưa Uber trở thành doanh nghiệp có doanh thu đặt xe lên tới 20 tỷ USD trong năm 2016, trước khi vướng vào scandal và buộc phải từ chức.
Cuối tuần trước, Hội đồng quản trị của Uber đã có cuộc gặp gỡ để phỏng vấn vòng cuối với các ứng cử viên và thảo luận thêm về vị trí CEO.
Trong số các ứng cử viên, Meg Whitman, CEO Hewlett Packard Enterprise Co (HP) là người nhận được nhiều sự ủng hộ nhất từ các thành viên hội đồng. Mặc dù liên tục phủ nhận việc sẽ đảm nhận vị trí CEO Uber, bà Whitman vẫn có bài phát biểu bày tỏ tầm nhìn của mình đối với sự phát triển của Công ty vào thứ Bảy (26/8).
Bên cạnh đó, Jeffrey Immelt, Chủ tịch General Electric Co, cũng là một trong những ứng cử viên tại vòng cuối cùng. Tuy nhiên, ông Immelt, 61 tuổi, đã rút tên khỏi danh sách vào sáng ngày 27/8 với thông báo: “Tôi quyết định không theo đuổi vị trí lãnh đạo tại Uber”. Thực tế, Immelt, người vừa rời khỏi vị trí CEO GE đầu tháng 8, thiếu sự ủng hộ từ cổ đông lớn của Uber, trong đó có quỹ đầu tư mạo hiểm Benchmark. Ông bị nhận xét rằng thiếu kinh nghiệm trong mảng công nghệ và thất bại trong việc làm hài lòng cổ đông của GE.
Cuối cùng, Hội đồng quản trị Uber đã đến với quân bài ít tên tuổi nhất. Khosrowshahi, 48 tuổi, là người gốc Iran sinh ra tại Mỹ, đã tốt nghiệp Đại học Brown với bằng kỹ sư. Ông từng làm việc ngân hàng đầu tư tại Allen & Co trước khi tới làm việc cùng tỷ phú Barry Diller tại IAC trong suốt thời kỳ bùng nổ dot-com. Khosrowshahi là người dẫn đầu trong việc mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến, khi giúp Expedia, thuộc IAC, lần lượt thâu tóm Orbitz và HomeAway.
Bên cạnh đó, Khosrowshahi cũng là một trong những CEO ngành công nghệ bộc trực nhất trong việc có ý kiến trái chiều với các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đó, ông lên tiếng chống lại chính sách cấm người nhập cư và trách móc ông Trump trên trang Twitter của mình, liên tục lặp lại việc thất vọng trước phản ứng của Tổng thống Mỹ trước cuộc biểu tình tại Charlottesville, Virginia.
Uber, hiện có giá trị thị trường khoảng 70 tỷ USD, đang đối diện với hàng loạt vấn đề lớn. Thứ nhất, vụ kiện về công nghệ xe tự lái với Alphabet Inc, công ty mẹ của Google và các cáo buộc đã sử dụng phần mềm tính phí gian lận.
Thứ hai, Công ty đang bị điều tra vì các nhân viên tại đây dính líu với một số vụ quấy rối tình dục và các hành vi bạo lực khác. Kết quả là hơn 20 nhân viên đã bị sa thải. Thứ ba, người sáng lập, cựu CEO Travis Kalanick tự mình vướng vào các scandal, bao gồm ngược đãi một nhân viên y tế và “đấu khẩu” với một tài xế Uber. Các sự kiện này đã khiến Kalanick phải từ chức trước áp lực từ một số cổ đông lớn của Công ty.
Vị CEO tiếp theo của Uber sẽ có nhiều việc phải làm. Bên cạnh việc giải quyết các vụ kiện phức tạp, củng cố hình ảnh đang có xu hướng đi xuống bởi các scandal của Công ty, Khosrowshahi còn phải đưa ra quyết định khi SoftBank Group Corp đưa ra lời đề nghị đầu tư và các khoản đầu tư khác trị giá 12 tỷ USD.
Uber hiện không chỉ thiếu vị trí CEO mà còn hàng loạt lãnh đạo cấp cao khác. Công ty hiện chưa có giám đốc hoạt động, giám đốc marketing, giám đốc tài chính, chủ tịch và nhiều lãnh đạo cấp cao khác. Kể từ khi cựu CEO Kalanick từ chức, Uber được dẫn dắt bởi một hội đồng gồm 14 thành viên, một vài người trong số đó là nhân viên được thăng chức sau khi sếp cũ rời đi và đa phần đang ở độ tuổi 30.