Phó tổng giám đốc VietA Bank, ông Hoàng Ngọc Minh Toàn cho biết, nguồn vốn huy động của Ngân hàng trong 3 tháng đầu năm tăng hơn 10%. VietA Bank tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân có độ tuổi từ 40 trở lên. Đây là phân khúc khách hàng tiềm năng đối với việc gửi tiền tiết kiệm, nhất là các cán bộ hưu trí. Để thu hút đối tượng khách hàng này, Ngân hàng có các chính sách ưu đãi như: cộng thêm biên độ lãi suất so với mặt bằng lãi suất tiết kiệm thông thường. Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất được VietA Bank áp dụng là 8,8%/năm cho kỳ hạn dài.
Những nhà băng có ưu thế về mạng lưới, thuận lợi trong việc giành thị phần tiền gửi cũng không ngừng cạnh tranh trong việc thu hút nguồn tiền này. Vừa qua, Sacombank đưa ra chương trình tiết kiệm “Trung niên phúc lộc” dành cho khách hàng cá nhân từ 40 tuổi trở lên, với kỳ hạn tiền gửi từ 6 - 36 tháng, lãi suất dao động từ 6,5 - 8%/năm, kèm theo một số ưu đãi.
Lãnh đạo Sacombank chia sẻ, tăng trưởng huy động vốn trong 3 tháng đầu năm đạt gần 10%, nhưng tín dụng chỉ tăng trưởng 2,3%. Nguồn vốn khả dụng dôi dư, song không vì thế mà Ngân hàng không cạnh tranh huy động vốn. Bởi lẽ, Sacombank đang đẩy mạnh cho vay phân tán, nhỏ lẻ, đồng thời dự báo tín dụng sẽ dần cải thiện và tăng trưởng tốt từ quý III tới. Vì vậy, đẩy mạnh huy động vốn, chuẩn bị nguồn là cần thiết. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng Sacombank đưa ra cho năm nay ở mức 13%, nếu điều kiện thuận lợi sẽ xin Ngân hàng Nhà nước nới “room” tăng trưởng tín dụng.
Tại NamA Bank, 3 tháng đầu năm, tín dụng tăng trên 7%, Ngân hàng đang tính đến việc xin Ngân hàng Nhà nước tăng “room” tín dụng so với chỉ tiêu năm 2014 nhận được là 13%. Đối với nguồn vốn huy động, NamA Bank đạt mức tăng trưởng hơn 10% trong quý I/2014. Ngân hàng vừa điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi 1%/năm đối với kỳ hạn 5 tháng trở xuống, còn 6%/năm. Theo lãnh đạo NamA Bank, điều đó không ảnh hưởng nhiều đến nguồn tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng.
Tiền gửi tiết kiệm tại VietA Bank cũng tăng trong quý I/2014. Ngân hàng cho hay, VietA Bank vẫn luôn đẩy mạnh huy động nguồn tiền nhàn rỗi từ dân cư, dù tín dụng tăng trưởng khá chậm.
HDBank cũng không ngừng khuyến mãi cho khách hàng gửi tiền, cho dù nguồn vốn huy động được lãnh đạo Ngân hàng cho biết, đang khá dôi dư. HDBank tăng cường huy động vốn là nhằm đẩy mạnh chiến lược cho vay nhỏ lẻ. HDBank đang từng bước đưa Công ty Tài chính HDFinance (100% vốn của HDBank) thâm nhập thị trường cho vay tiêu dùng.
Các ngân hàng cho hay, đẩy mạnh huy động vốn thị trường I (huy động vốn từ dân cư và tổ chức) là cần thiết để giảm thiểu vay mượn trên thị trường II (giữa các ngân hàng với nhau) và đón đầu nhu cầu vay vốn trong những quý cuối năm khi tăng trưởng tín dụng dự báo được cải thiện. Mặt khác, để tiếp cận được nguồn vốn trên thị trường II, hiện cũng có những ràng buộc nhất định đối với ngân hàng nhỏ. Cạnh tranh huy động vốn tiếp tục “nảy lửa”, cho dù tín dụng hiện khó tăng trưởng. Nhiều ngân hàng “tiêu thụ” nguồn vốn huy động bằng cách mua trái phiếu chính phủ.
Nhìn chung, hoạt động huy động vốn và cho vay trong quý I/2014 vẫn ở mức thấp và chậm. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, tín dụng 3 tháng đầu năm tăng trưởng ở mức thấp, ước tăng 0,12%, nhưng đây là diễn biến bình thường xuất phát từ đặc điểm của quý đầu năm và tác động bởi yếu tố lễ hội trong khoảng thời gian này. Nguồn vốn của hệ thống ngân hàng ổn định hơn và quy mô nguồn vốn giá rẻ ngày càng có xu hướng mở rộng. Trên địa bàn TP. HCM, tổng huy động tính đến cuối tháng 3/2014 đạt 1.175.000 tỷ đồng, tăng 0,36% so với cuối năm 2013. Đáng chú ý, tiền gửi từ dân cư chiếm 56,4% (tỷ lệ này năm 2013 là 54%, năm 2012 là 50,6%) trong tổng huy động vốn. Khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài hơn, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ổn định và ở mức hợp lý. Kỳ vọng, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.