Sốt ruột chờ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Khi người mua nhà và chủ đầu tư đều trông chờ, ngân hàng sẵn tiền và mong giải ngân, nhưng gói vốn hỗ trợ vẫn nhỏ giọt thì chắc chắn cơ chế triển khai đang có những điểm nghẽn cần khơi thông.
Sốt ruột chờ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng

Đại diện Agribank, Chi nhánh TP. HCM cho biết, thời gian qua, Ngân hàng đã rất tích cực cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nguồn cung về nhà ở xã hội đang hạn chế do đa số dự án đang quá trình chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nên mức giải ngân còn rất khiêm tốn.

Mặt khác, việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng chậm còn do điểm nghẽn liên quan đến quy định chứng minh được thu nhập, bởi rất khó khăn trong việc xác minh được thu nhập của một khách hàng muốn mua nhà ở trong diện ưu đãi.

Sốt ruột chờ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ảnh 1

Nhiều điểm nghẽn khiến dòng tín dụng từ gói 30.000 tỷ đồng không thể chảy mạnh

Đại diện Chi nhánh TP. HCM của VietinBank cũng cho hay, đến nay cũng chỉ mới giải ngân được 2,7 tỷ đồng trong gói tín dụng mua nhà ở xã hội.

Trong khi đó, bà Trương Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Chi nhánh Vietcombank TP. HCM cho biết, đến thời điểm này, Chi nhánh Vietcombank TP. HCM đã giải ngân được 10,8 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn cam kết giải ngân cho các khách hàng cá nhân là17,8 tỷ đồng.

Lãnh đạo BIDV cho biết, hiện các doanh nghiệp bất động sản cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc xin chuyển đổi công năng dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Trong đó, vốn đang là vấn đề đau đầu đối với các chủ đầu tư. Trước đây, khi triển khai dự án nhà ở thương mại, các doanh nghiệp đã dùng dự án để thế chấp ngân hàng vay vốn, giờ xin chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp sẽ khó vay thêm, vì tài sản đã thế chấp.

Tính đến thời điểm này, BIDV Chi nhánh TP. HCM cũng chỉ mới xét duyệt được 8 hồ sơ cho khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà ở xã hội và giải ngân hơn 3 tỷ đồng. Với khách hàng doanh nghiệp, cũng chỉ mới xem xét, hoàn tất hồ sơ cho 1 khách hàng, song vẫn chưa cấp vốn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. HCM cho biết, tính đến nay, các ngân hàng thương mại nhà nước có chi nhánh hoạt động trên địa bàn TP. HCM đã ký kết hợp đồng tín dụng cho vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng với 137 khách hàng cá nhân. Tổng giá trị hợp đồng ký là 78 tỷ đồng và đã giải ngân được 22 tỷ đồng.

Tiến độ giải ngân chậm, theo ông Minh là do 2 điểm nghẽn.

Thứ nhất là vấn đề thế chấp nhà ở xã hội được hình thành trong tương lai (tức tài sản đảm bảo sẽ được hình thành trong tương lai), nhưng phòng công chứng lại không chấp nhận. Theo quy định, phải có giấy chứng nhận tài sản thì công chứng mới chấp nhận và ngân hàng mới sẵn sàng cho vay. Trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội đang hình thành hoặc đang trong quá trình chuyển đổi công năng, nên chưa có giấy chứng nhận. Vì thế, ngân hàng không thể cho vay khi thiếu tài sản đảm bảo.

Thứ hai là trong quá trình ngân hàng xem xét cho vay, yêu cầu khách hàng chứng minh được nguồn thu nhập để trả nợ. Song với những người thu nhập thấp, sẽ rất khó chứng minh đủ nguồn trả nợ cho ngân hàng. Điều này đã góp phần cản trở những người đi vay và cả với tổ chức cho vay, bởi trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng khá thận trọng trong cho vay vì sợ rủi ro nợ xấu gia tăng trong tương lai.

Về thời gian cho vay, ông Minh cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước TP. HCM đã có kiến nghị gia hạn thời gian đối với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng lên 15 - 20 năm, thay vì chỉ 10 năm hiện nay.

 

“Cả ngân hàng và khách hàng đều kém hào hứng”

Ông Vũ Ngọc Kình, Phó giám đốc Agribank Chi nhánh TP. HCM

 

Chủ trương đưa ra là phù hợp, nhưng quá trình triển khai cho vay gói 30.000 tỷ đồng lại có quá nhiều vướng mắc, khiến tiến độ giải ngân vốn không như kỳ vọng. Khi mới triển khai cho vay, các doanh nghiệp đăng ký rất nhiều, nhưng sau đó đều rút lui, vì gặp khó trong việc chuyển đổi dự án, nhất là với dự án chủ đầu tư đã huy động tiền của khách trước đó.

 

Mặt khác, hầu hết các dự án chung cư mà doanh nghiệp triển khai những năm qua đều có diện tích hơn 90 m2 và giá trên 15 triệu đồng/m2. Còn dự án có giá dưới 15 triệu đồng/m2 chỉ là những dự án ở vùng ven. Trong khi, những người có nhu cầu về nhà ở chủ yếu tập trung ở đô thị.

Mặt khác, thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi 6%/năm là 10 năm, sau đó lãi suất sẽ thả nổi, nên cả ngân hàng và khách hàng đều không hào hứng. Lý do là thu nhập của người thu nhập thấp không ổn định, trong khi ngân hàng rất ngại vì trong quá trình cho vay sẽ có nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra của Nhà nước vào cuộc.

 

Chính những điểm nghẽn trên, mà đến thời điểm này, số vốn giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng tại Chi nhánh Agribank TP. HCM cũng còn khiêm tốn. Trong đó, với doanh nghiệp, chúng tôi chỉ mới xem xét hồ sơ của Công ty Hoàng Quân.

 

 

“Nên kéo dài thời gian cho vay lên 20-25 năm”

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó chủ tịch Liên Đoàn lao động TP. HCM

 

Với thu nhập của người thu nhập thấp, trong đó có các công nhân, thì rất khó nghĩ đến việc vay tiền mua nhà. Cho dù gói 30.000 tỷ đồng được ưu đãi lãi suất 6%/năm, hưng với một gia đình 2 vợ chồng đều là công nhân, tổng thu nhập chỉ ở mức 6 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, may lắm chỉ còn lại phân nửa thì không thể trả được nợ góp hàng tháng cho ngân hàng trong vòng 10 năm, với căn hộ có giá từ 600 - 700 triệu đồng/căn.

 

Do đó, tôi cho rằng, cần thiết phải kéo giãn thời gian trả nợ cho khách hàng vay tiền mua nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội lên 20 - 25 năm (lãi suất ưu đãi 6%/năm), thay vì chỉ có 10 năm và sau đó lãi suất thả nổi như quy định hiện hành. Có như vậy, những người thu nhập thấp mới có cơ hội có nhà để ở.

 

“Doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được vốn”

Ông Phạm Thế Nguyên, Phó giám đốc Sở giao dịch II của BIDV

 

Khi gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng ra đời, không chỉ người có thu nhập thấp vui mừng vì có điều kiện vay vốn mua nhà, mà các doanh nghiệp bất động sản cũng rất hào hứng vì sẽ có vốn giá rẻ triển khai dự án và có đầu ra. Thế nhưng, khi gói 30.000 tỷ đồng đi vào thực tiễn, các điều kiện đòi hỏi rất khắt khe, nhất là với khách hàng doanh nghiệp, khiến hầu hết doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ này.

 

Cụ thể, doanh nghiệp phải có quỹ đất sạch để triển khai dự án nhà ở xã hội và tiến độ triển khai cũng là một trong những điều kiện cần và đủ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.

 

Các hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp phải được gửi lên Bộ Xây dựng xét duyệt, nếu Bộ Xây dựng đồng ý thì phía ngân hàng mới tiến hành giải ngân. Vì thế, khó khăn của hầu hết các chủ đầu tư xây nhà ở xã hội hiện nay là lo được giấy phép xây dựng nhà ở xã hội.

 

Thực tế, hầu hết những dự án triển khai trong 2 năm qua là nhà ở thương mại, nên doanh nghiệp phải làm hồ sơ chuyển đổi rất mất thời gian. Với các doanh nghiệp có quỹ đất sạch và triển khai dự án nhà ở xã hội, thì họ đã vay được vốn ngân hàng để triển khai với lãi suất cũng tương đối rẻ mà không phải chờ đến gói vốn 30.000 tỷ đồng. Vì thế, đến nay, BIDV Chi nhánh TP. HCM mới chỉ có 1 doanh nghiệp trong tổng số 9 doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị vay theo gói 30.000 tỷ đồng được trình lên Bộ Xây dựng.

 

 

“Điều kiện quá khắt khe”

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Quỹ Phát triển nhà ở TP. HCM

 

Tôi cho rằng, một trong những vướng mắc lớn khiến gói 30.000 tỷ đồng chậm tiến độ giải ngân đó chính là việc xác minh hiện trạng nhà ở của người thu nhập thấp.

 

Theo quy định, để được vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng, người thu nhập thấp phải xác minh được là từ trước đến nay chưa có nhà. Chính điều này đã gây khó cho những người có nhu cầu về nhà ở và hạn chế đối tượng vay vốn.

 

Mặt khác, chính quyền địa phương cũng không dám xác nhận từ trước đến giờ khách hàng chưa từng sở hữu một căn nhà nào. Trong khi đó, Quỹ phát triển nhà ở TP. HCM hiện cũng cho vay với lãi suất 6%/năm, nhưng chỉ cần khách hàng xác minh tại thời điểm vay không có nhà. Vì thế, chỉ trong vòng 6 năm qua, Quỹ đã giải ngân được 471 tỷ đồng. Tuy nhiên, Quỹ phát triển nhà ở TP. HCM chỉ cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách của Thành phố vay mua nhà.

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục