Tỷ trọng nắm giữ ngoại hối trên toàn cầu của đồng euro đang suy giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ trọng nắm giữ ngoại hối trên toàn cầu của đồng euro đã giảm trong năm ngoái trong bối cảnh lo ngại rằng kế hoạch sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho Ukraine có thể làm xói mòn thêm sức hấp dẫn của đồng euro.
Tỷ trọng nắm giữ ngoại hối trên toàn cầu của đồng euro đang suy giảm

Hôm thứ Tư (12/6), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, các quốc gia khác đã cắt giảm đồng euro trong dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương khoảng 100 tỷ euro vào năm ngoái. Điều này đã làm giảm tỷ trọng của đồng euro trong dự trữ ngoại hối toàn cầu xuống mức thấp nhất trong 3 năm là 20%.

ECB cho biết những động thái gần đây của các ngân hàng trung ương Thụy Sĩ và Nhật Bản nhằm hỗ trợ đồng tiền của họ trước nguy cơ mất giá đồng nghĩa với việc họ đã bán một số lượng đồng euro đang nắm giữ. Nhưng điều đó không gây tổn hại cho các đồng tiền dự trữ quan trọng khác như đồng đô la Mỹ và đồng yên Nhật, khiến thị phần của hai đồng tiền này tăng lên vào năm ngoái.

ECB cho biết, Nga giữ khoảng 40% tài sản ngoại hối chính thức bằng đồng euro, tương đương với khoảng 8% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu được nắm giữ bằng đồng euro.

Trong khi đó, có khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga đã bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế sau khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra vào năm 2022 và các lãnh đạo G7 đang thảo luận về kế hoạch huy động những tài sản này - phần lớn trong số đó là bằng đồng euro - để cung cấp thêm tài chính cho Ukraine.

ECB đã nhấn mạnh nguy cơ căng thẳng với Nga có thể tác động đến đồng euro, đồng thời cho biết: “Các biện pháp liên quan đến lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng đến tỷ trọng của đồng euro trong dự trữ ngoại hối toàn cầu trong tương lai”.

Đại diện các cơ quan đối ngoại của quốc hội các quốc gia và Ủy ban châu Âu - bao gồm cả Đức, Mỹ và Anh - đã kêu gọi các nhà chức trách ở các quốc gia tịch thu toàn bộ tài sản bị phong tỏa của Nga.

Các kế hoạch đang được thảo luận tập trung vào việc sử dụng lợi nhuận trong tương lai từ tài sản bị phong tỏa để trả nợ nhằm tài trợ cho Ukraine, thay vì tịch thu chúng hoàn toàn.

ECB đã liên tục cảnh báo rằng việc thu giữ hoàn toàn có nguy cơ gây tổn hại đến vai trò quốc tế của đồng euro. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý Fabio Panetta cho biết hồi đầu năm nay rằng, việc “vũ khí hóa” đồng euro có thể làm tổn hại đến sức hấp dẫn của nó.

Vai trò của đồng euro với tư cách là đồng tiền dự trữ lớn thứ hai thế giới sau đồng đô la Mỹ mang lại lợi ích quan trọng cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu vì nó cho phép các quốc gia thành viên của khối phát hành nợ với giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, tỷ trọng dự trữ ngoại hối toàn cầu của đồng euro đã giảm từ mức 25% cách đây hai thập kỷ xuống 20%, do các quốc gia chuyển sang nắm giữ tỷ trọng lớn hơn các loại tiền tệ khác, chẳng hạn như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng đô la Úc và đồng won Hàn Quốc. Trong cùng khoảng thời gian đó, tỷ trọng của đồng đô la Mỹ đã giảm từ gần 70% xuống chỉ còn dưới 60%.

ECB cho biết, chỉ số sử dụng đồng euro trên phạm vi quốc tế đã giảm 0,7 điểm phần trăm vào năm ngoái với tỷ giá hối đoái không đổi.

Cuộc khảo sát của HSBC về các ngân hàng trung ương cũng cho thấy triển vọng tăng trưởng yếu của Khu vực đồng tiền chung châu Âu là một yếu tố “cản trở đầu tư vào tài sản bằng đồng euro” cũng như thiếu nguồn cung tài sản được xếp hạng cao và phát hành nợ tập trung trong khối.

Một số quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc, Nga và Iran đang tìm cách sử dụng tiền tệ của mình nhiều hơn cho thương mại quốc tế, thiết lập các lựa chọn thay thế địa phương cho hệ thống SWIFT để thanh toán quốc tế.

Piero Cipollone, thành viên hội đồng quản trị ECB cho biết, Khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể liên kết hệ thống thanh toán tức thời của mình với các mạng tương tự ở các quốc gia khác “để phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng thực hiện thanh toán xuyên biên giới bằng đồng euro với các đối tác chính”.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, vai trò quốc tế của đồng euro "không nên được xem là đương nhiên… Mặc dù dữ liệu cho đến nay không có bằng chứng về những thay đổi đáng kể trong việc sử dụng tiền tệ quốc tế, nhưng chúng ta cần phải cảnh giác với bất kỳ vết nứt nào bắt đầu xuất hiện”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục