Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin đang trở thành tiêu chí đánh giá của các nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu đang bắt đầu đổ tiền vào những khu vực mà việc triển khai vắc xin Covid-19 đạt được nhiều tiến bộ nhất.
Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin đang trở thành tiêu chí đánh giá của các nhà đầu tư

Đồng bảng Anh và đồng USD đều tăng rõ rệt kể từ đầu năm 2021 khi dòng tiền đầu tư đổ vào hai quốc gia này. Đây cũng là 2 quốc gia đi trước các thị trường lớn khác về tốc độ tiêm chủng ngừa Covid-19. Trong khi đó, đồng yên Nhật, euro và một số đồng tiền của các nền kinh tế thị trường mới nổi đã giảm nhẹ so với cùng kỳ do tụt hậu trong các nỗ lực tiêm chủng.

Xu hướng này đang diễn ra trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang hoành hành và phản ánh kỳ vọng mạnh mẽ của các nhà đầu tư rằng, khi có nhiều người tiêm vắc xin hơn nữa thì nền kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi.

Nikkei đã thống kê sự thay đổi tỷ giá hối đoái giữa ngày 4/1 và ngày 9/4 đối với 25 loại tiền tệ và so sánh với tỷ lệ tiêm chủng ở các quốc gia cụ thể. Trong số các đồng tiền của các nền kinh tế lớn thì đồng bảng Anh và USD có mức tăng đặc biệt mạnh lần lượt 2,6% và 1,4% kể từ đầu năm.

Đầu tháng 4, đồng bảng Anh đã ở mức cao nhất so với đồng yên Nhật trong khoảng 3 năm. Đồng bảng Anh cũng đạt mức cao nhất so với đồng euro trong khoảng 1 năm.

Đồng bảng Anh và USD đều mạnh lên kể từ đầu năm khi các chiến dịch tiêm chủng của Anh và Mỹ đạt được kết quả tốt.

Tỷ lệ tiêm vắc xin và biến động đồng tiền một số quốc gia (Nguồn: Nikkei và FT survey)

Tỷ lệ tiêm vắc xin và biến động đồng tiền một số quốc gia (Nguồn: Nikkei và FT survey)

Theo một cuộc kiểm đếm chung của Nikkei và Financial Times, tính đến ngày 13/4, Anh và Mỹ nằm trong số các quốc gia hàng đầu về số lượng tiêm chủng được thực hiện trên 100 người lần lượt ở mức 59,7 và 56,4. Hầu hết các công ty dược phẩm phát triển vắc xin Covid-19 đều là của Mỹ hoặc Anh.

Daisuke Karakama, nhà kinh tế thị trường trưởng tại Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản cho biết: “Có thể thấy mối liên hệ giữa tiêm chủng và sức mạnh của đồng tiền”.

Eiji Kinouchi, nhà phân tích kỹ thuật trưởng tại Daiwa Securities của Nhật Bản cũng cho biết: “Sự gia tăng của vắc xin ảnh hưởng đến kỳ vọng tái khởi động nền kinh tế”.

Trái ngược Anh và Mỹ, Nhật Bản chỉ mới bắt đầu tiêm phòng cho người cao tuổi, cho đến nay chỉ có 1,3 triệu người ở Nhật Bản được tiêm chủng, chỉ chiếm khoảng 1% dân số. Trong số các đồng tiền chính, đồng yên đã giảm giá mạnh kể từ đầu năm với mức giảm 4,4%.

Đồng euro cũng lao dốc khi giảm 1,1% kể từ đầu năm do các quốc gia lớn của Liên minh châu Âu phải vật lộn để đưa các chương trình vắc xin của họ đi đúng hướng. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng là 21,9% ở Đức và 21,5% ở Pháp.

Một xu hướng tương tự có thể được nhìn thấy ở các nền kinh tế mới nổi. Tỷ lệ tiêm chủng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là 92,2%, một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Theo đó, đồng tiền của UAE đã tăng 2,2% kể từ đầu năm.

Trong khi đó, đồng real của Brazil và đồng rúp của Nga đã giảm lần lượt 5,5% và 2,2%. Ở Brazil, tỷ lệ tiêm chủng mới là 12,7%, còn ở Nga thậm chí chỉ 9,8%.

Có những lo ngại rằng, đồng USD mạnh hơn sẽ đè nặng lên sự phục hồi của các nền kinh tế mới nổi đang chịu gánh nặng bởi các khoản nợ lớn bằng đồng bạc xanh.

Các nhà đầu tư chứng khoán cũng đang bắt đầu ưa chuộng các thị trường, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao. Kể từ đầu năm, chỉ số chứng khoán Singapore, Mỹ và Anh đã tăng lần lượt 12%, 10% và 7%, trong khi các chỉ số của các nền kinh tế mới nổi không đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực triển khai vắc xin như như Ấn Độ, Brazil và Indonesia đã hoạt động tương đối kém. Các chỉ số cổ phiếu chính của họ chỉ tăng lần lượt 2%, 1% và 1%.

Chương trình tiêm vắc xin và tốc độ phục hồi kinh tế cũng có khả năng ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Ông James Bullard, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh St. Louis cho biết vào ngày 12/4 rằng, Fed có thể xem xét giảm bớt việc nới lỏng định lượng nếu tỷ lệ tiêm chủng của nước này bắt đầu đạt 75% hoặc 80%.

Tại Anh, những đồn đoán trên thị trường về việc áp dụng chính sách lãi suất âm đã giảm dần. Cũng có quan điểm cho rằng, các nhà đầu tư mong đợi chính sách tiền tệ bình thường hóa đang tăng mua đồng bảng Anh và USD.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục