Cảnh báo về “sự thất bại trầm trọng về mặt đạo đức”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Sự xuất hiện gần đây của các biến thể lây lan nhanh khiến việc triển khai vắc xin nhanh chóng và công bằng càng trở nên quan trọng hơn".
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, sự phân bổ này có thể dễ dàng trở thành “một bức tường cho sự bất bình đẳng giữa những người có và không có vắc xin trên thế giới”.
“Khi những vắc xin đầu tiên bắt đầu được triển khai, lời hứa về khả năng tiếp cận công bằng trở nên có nguy cơ hơn”, ông Tedros phát biểu tại một phiên họp của ban điều hành WHO.
Trong khi hơn 39 triệu liều của một số loại vắc xin khác nhau hiện đã được sử dụng ở ít nhất 49 quốc gia có thu nhập cao hơn, thì chỉ có 25 liều được tiêm ở một quốc gia có thu nhập thấp nhất.
“Tôi cần phải nói thẳng rằng, thế giới đang trên bờ vực của một sự thất bại trầm trọng về mặt đạo đức và cái giá của sự thất bại này sẽ phải trả bằng cuộc sống và sinh kế ở các nước nghèo nhất thế giới”, ông nói.
Bắt đầu bài phát biểu của mình, ông Tedros đã nhấn mạnh rằng, việc phát triển và phê duyệt vắc xin an toàn chưa đầy một năm sau khi virus này xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019 là một “thành tựu đáng kinh ngạc và là nguồn hy vọng rất cần thiết”.
Tuy nhiên, “là không đúng khi những người lớn trẻ hơn, khỏe mạnh hơn ở các nước giàu được tiêm phòng trước nhân viên y tế và người lớn tuổi ở các nước nghèo hơn”.
“Sẽ có đủ vắc xin cho tất cả mọi người, nhưng ngay bây giờ chúng ta phải làm việc cùng nhau như một gia đình toàn cầu để ưu tiên những người có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo và tử vong cao nhất ở tất cả các quốc gia”, ông nói.
Ông Tedros cho biết, một số quốc gia và công ty nói rằng sẽ tiếp cận bình đẳng nhưng vẫn tiếp tục ưu tiên các giao dịch song phương và bỏ qua COVAX. "Điều này là sai", ông nói.
COVAX là một chương trình toàn cầu do một liên minh vắc xin quốc tế Gavi, Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng dịch bệnh và WHO đồng dẫn đầu. Chương trình này được thành lập để đảm bảo quyền tiếp cận vắc xin công bằng cho mọi quốc gia trên thế giới. Với mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vắc xin an toàn, hiệu quả đã được phê duyệt theo quy định và sơ tuyển của WHO vào cuối năm 2021.
WHO kêu gọi các quốc gia giàu có hơn đã đặt hàng trước hàng triệu liều vắc xin Covid-19 như Mỹ, Anh và châu Âu hãy chia sẻ một phần vắc xin đó với COVAX để họ có thể phân phối lại những liều này cho các quốc gia nghèo hơn.
Các quốc gia giàu có đã bị cáo buộc “tích trữ” nhiều vắc xin hơn mức cần thiết, mặc dù nguồn cung vắc xin vẫn còn trong thời kỳ đầu vì các đợt tiêm chủng hàng loạt bắt đầu ở phương Tây vào tháng 12/2020 chủ yếu vẫn đang trong giai đoạn phân phối đầu tiên.
Ông Tedros kêu gọi các quốc gia có thỏa thuận song phương với các nhà sản xuất vắc xin và kiểm soát nguồn cung, hãy “minh bạch với COVAX về khối lượng, giá cả và ngày giao hàng” và chia sẻ liều lượng riêng của họ với COVAX sau khi họ đã tiêm chủng cho nhân viên y tế và những người lớn tuổi.