Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong quý III/2021 tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Dịch Covid-19 đợt thứ tư tiếp diễn phức tạp và kéo dài trong suốt 3 tháng của quý III/2021 khiến hàng triệu người không có việc làm.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến

Diễn biến bất thường của đại dịch Covid-19 đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, vượt xa con số 2% như thường thấy.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trên phạm vi toàn quốc, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý trước và tăng 449,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, các quý năm 2020 và năm 2021

Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động,

các quý năm 2020 và năm 2021

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%, tăng 2,18 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,60 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm nay lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lên tới hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 4,46%, tăng 1,86 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,74 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 5,33% và 3,94%). Điều này khác với xu hướng thường quan sát được ở thị trường lao động trong các quý trước với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.

Lao động có việc làm giảm sâu chưa từng có

Kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu khởi phát cho đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát của đại dịch, trong đó đợt bùng phát thứ nhất và đợt thứ tư ảnh hưởng nặng nề nhất đến thị trường lao động. Đợt dịch thứ tư kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm cho nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động phải về quê do mất việc.

Lao động có việc làm trong quý III/2021 tiếp tục giảm sâu chưa từng thấy từ trước tới nay, giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lượng lao động có việc làm quý III là 47,2 triệu người, xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Lao động có việc làm các quý, giai đoạn 2019 - 2021
Lao động có việc làm các quý, giai đoạn 2019 - 2021

Thu nhập bình quân giảm mạnh

Thu nhập bình quân tháng của lao động quý III/2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Quý III/2021, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng thu nhập nặng nề nhất với mức thu nhập bình quân tháng là 6,2 triệu đồng, giảm 1 triệu đồng, tương ứng giảm 14,3% so với quý trước,

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. So với quý II năm trước, quý đã từng chứng kiến mức thu nhập bình quân “bắt đáy” do thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16, mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý III năm nay thậm chí còn thấp hơn nhiều (thấp hơn 329 nghìn đồng). Đây là mức thu nhập thấp nhất được ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây.

Đặc biệt, người lao động tại tâm dịch TP.HCM còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn với mức thu nhập bình quân giảm sâu, giảm 2,6 triệu đồng (giảm tương ứng 31,0%) so với quý trước và giảm 2,5 triệu đồng (giảm tương ứng 30,3%) so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động TP.HCM chỉ là 5,8 triệu đồng, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục